Tổng kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nam bộ
Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên BCH TW Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH; Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; Lê Vĩnh Tân, Ủy viên BCH TW Đảng - Phó Trưởng Ban Kinh tế TW; Dương Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy NHCSXH TW, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc NHCSXH.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam bộ; đại diện một số Bộ, ngành trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác, NHCSXH TW và lãnh đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ.
Báo cáo kết quả sau 3 năm thực hiện Đề án do đồng chí Võ Minh Hiệp - Phó Tổng Giám đốc trình bày nêu rõ: Quá trình thực hiện Đề án, các địa phương đã tập trung quyết liệt xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn. Đến nay, 13/13 tỉnh, thành phố trong khu vực đều hoàn thành vượt mức mục tiêu, tiến độ Đề án đặt ra. Trong đó, điểm nổi bật là việc tập trung xử lý nợ quá hạn, nâng cao chất lượng tín dụng trong vùng. Đến 31/12/2014, tổng nợ quá hạn trong vùng chiếm 0,71% tổng dư nợ, giảm 474.720 triệu đồng (74,8%) (theo lộ trình tỷ lệ nợ quá hạn đến cuối năm 2014 là 1,31%). Đây là một thành công nổi bật trong 3 năm thực hiện Đề án.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại 13 tỉnh, thành trong khu vực đến 31/12/2014 là 22.384 tỷ đồng, tăng 5.462 tỷ đồng so với thời điểm xây dựng Đề án. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 10,76% (tốc độ tăng chung toàn quốc là 7,76%). Vốn tín dụng chính sách đã đến với hộ nghèo, đối tượng chính sách ở tất cả các ấp, kể cả vùng sâu, vùng xa với hơn 1,5 triệu hộ còn dư nợ; góp phần giúp trên 535 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút trên 472 nghìn hộ có việc làm, trên 382 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học…
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam bộ đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về quản lý hoạt động tín dụng chính sách, chuyển biến về cách nghĩ, cách làm của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, ý thức có vay có trả của người dân. Đồng thời, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao của các cấp, các ngành trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.
Tiếp thu và giải đáp một số ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị, đồng chí Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc NHCSXH đã nhấn mạnh, trong thời gian thực hiện Đề án, NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố trong khu vực đã tập trung thực hiện thành công các mục tiêu Đề án. Bên cạnh đó, NHCSXH đã đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư vốn tín dụng chính sách tại khu vực Tây Nam bộ. Trước khi thực hiện Đề án, tăng trưởng tín dụng trong khu vực thấp hơn so với bình quân chung toàn quốc, nhưng đến nay tăng trưởng đã cao hơn. Cả hệ thống tăng trưởng bình quân 6,5%/năm, nhưng riêng khu vực Tây Nam bộ tăng trưởng 12,76%, có tỉnh tới 13 - 14%. Trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục chủ trương tập trung nguồn lực cho khu vực Tây Nam bộ, Tây Bắc và Tây Nguyên.
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên BCH TW Đảng - Phó Trưởng Ban Kinh tế TW đã triển khai Chỉ thị số 40/CT-TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách.
Đồng chí Lê Vĩnh Tân đã khẳng định: Sau hơn 12 năm thành lập, đến nay NHCSXH đã trưởng thành, góp phần cho vay xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân rất tốt, góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 con số xuống còn 4% - 5%. NHCSXH đã phát huy được nguồn lực xã hội, trong đó ủy thác cho vay qua tổ chức hội, đoàn thể là cách làm phù hợp, gắn với thực tiễn của Việt Nam. Để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa tín dụng chính sách, cần tiếp tục đẩy mạnh sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với hoạt động của NHCSXH; nâng cao trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; UBND, HĐND các tỉnh, thành phố phải dành một phần ngân sách địa phương hàng năm để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn; đồng thời, NHCSXH phải tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả hoạt động để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Bình khẳng định, những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam bộ và Triển khai Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư đã một lần nữa khẳng định vai trò ý nghĩa to lớn của NHCSXH trong sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, được toàn xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Quốc hội đánh giá tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là điểm sáng trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo.
Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao mô hình ngân hàng đặc thù phục vụ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách của Việt Nam. “Chúng ta từng đi học hỏi các mô hình cho vay xóa đói, giảm nghèo ở nhiều nước và từng đặt vấn đề chúng ta có làm được tốt như nước bạn không. Nhưng hơn 10 năm qua, kể từ khi thành lập, NHCSXH đã cho thấy mô hình của chúng ta còn ưu việt hơn, quy mô lớn hơn nhiều ngân hàng đã tồn tại trong khu vực và trên thế giới chuyên về phục vụ người nghèo”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Một thành công nữa của NHCSXH là đã huy động toàn hệ thống chính trị tham gia vào quá trình hoạt động của NHCSXH, từ tham gia bộ máy quản trị, đến hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác, xây dựng mô hình các Tổ tiết kiệm và vay vốn… Các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đều tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động của NHCSXH. NHCSXH đã xây dựng được mạng lưới hoạt động rộng khắp, giao dịch xuống tận UBND các xã, phường, thôn, bản.
Nhờ đó, hiện nay nợ xấu của NHCSXH chỉ chiếm 0,88% tổng dư nợ. “Ở đâu chính quyền địa phương các cấp quan tâm tới tín dụng chính sách thì ở đó hoạt động của NHCSXH rất hiệu quả. Ví dụ, nợ xấu ở Tây Nam bộ nợ quá hạn trước đây cao nhất toàn quốc. Nhưng sau đó, nhờ có sự vào cuộc của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, thì nay chỉ sau 3 năm đã xuống 0,71%”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Trong thời gian tới, để phát triển bền vững, lâu dài, cần nghiên cứu cơ chế tạo lập nguồn vốn phù hợp, trong đó NHCSXH phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, bổ sung nguồn ngân sách địa phương, ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay; có giải pháp phù hợp để tăng cường huy động tiền gửi tiết kiệm từ các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn… Thống đốc NHNN Việt Nam cũng lưu ý: Đối với 19 chương trình tín dụng hiện NHCSXH đang triển khai, cần nghiên cứu gom lại để cho vay thiết thực đối với người nghèo.
Thống đốc NHNN Việt Nam cũng kiến nghị: “Chính phủ rà soát các chính sách hỗ trợ người nghèo để tập trung chuyển sang cho vay thông qua NHCSXH, như các quỹ hỗ trợ cho người nghèo ở các tỉnh, thành phố cũng cần thiết dần từng bước chuyển sang ủy thác cho NHCSXH. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh có thể nghiên cứu mô hình để làm sao nguồn vốn được tập trung, hiệu quả nhất”.
Thêm nữa, cần triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư thì sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội do NHCSXH sẽ được nâng lên trong thời gian tới”, Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Bên cạnh việc phát huy tốt hiệu quả, sự phù hợp của mô hình hoạt động, NHCSXH phải xuất phát từ thực tiễn đặc thù vùng miền để nghiên cứu, tham mưu có chính sách đầu tư hợp lý, tránh cào bằng. “Chuẩn nghèo sẽ được nâng cao hơn cho phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, để bà con tự xoay xở thì sẽ rất khó khăn. NHCSXH cần nghiên cứu cơ chế để khuyến khích mô hình tổ hợp tác, tạo điều kiện cho người nghèo liên kết với nhau trong sản xuất, kinh doanh, dựa vào nhau để làm ăn, cùng thoát nghèo bền vững”, Thống đốc NHNN Việt Nam nói.
Thống đốc tin tưởng và cho rằng, thời gian tới NHCSXH sẽ tiếp tục phát huy được những thành quả đạt được, khắc phục triệt để những tồn tại hạn chế, chủ động nghiên cứu, tham mưu cơ chế chính sách đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn, là điểm tựa vững chắc trong sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã công bố các Quyết định khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Tây Nam bộ.
Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH cùng lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, TP. Cần Thơ và NHCSXH đã tới thăm, tặng quà cho hộ nghèo tại xã Tân Thới, huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ).
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã tới thăm, tặng quà cho hộ gia đình ông Nguyễn Tấn Lực ở ấp Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Gia đình ông Lực là hộ nghèo, vay vốn NHCSXH. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, gia đình ông đã thoát nghèo. Không những thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, ông còn thành lập Tổ Hợp tác đan bội, thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn tại địa phương, với mức thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng.
PV
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hơn 400 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo nhờ vay vốn ưu đãi
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc tại tỉnh Sóc Trăng
- » NHCSXH triển khai nhiệm vụ năm 2015
- » Hội đồng quản trị NHCSXH họp phiên thường kỳ
- » NHCSXH thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội
- » Đầu tư vào Tây Bắc: Ngân hàng quan tâm đến xóa đói, giảm nghèo bền vững
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc tại chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội
- » Họp báo giới thiệu Hội nghị xúc tiến đầu tư an sinh xã hội vùng Tây Bắc và Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng về Quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu
- » Thủ tướng Chính phủ: Phải làm tốt hơn nữa bảo đảm an sinh xã hội
- » Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Nhiệm vụ nặng nề, nhưng ngành Ngân hàng sẽ thành công