Đầu tư vào Tây Bắc: Ngân hàng quan tâm đến xóa đói, giảm nghèo bền vững

05/01/2015
(VBSP News) Ngoài đầu tư tín dụng, các TCTD còn rất tích cực trong thực hiện an sinh xã hội cho nhiều địa phương trên cả nước. Riêng khu vực Tây Bắc, NHNN có chỉ đạo quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao hơn, huy động sự đóng góp của các TCTD nhiều hơn các vùng khác.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Thời gian qua, các TCTD đã tập trung vốn đầu tư cũng như triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội cho vùng Tây Bắc, góp phần quan trọng đạt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Mặc dù đây là vùng đất đầy tiềm năng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Vậy làm thế nào để thu hút nhiều vốn đầu tư hơn, hiệu quả cao hơn cho Tây Bắc. Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú trả lời phỏng vấn xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Hiệu quả vốn tín dụng cho vùng Tây Bắc thời gian qua được đánh giá thế nào, thưa Phó Thống đốc?

Trả lời: Tín dụng cho Tây Bắc có hai loại: Tín dụng thương mại và tín dụng chính sách. Xác định Tây Bắc là vùng kinh tế rất khó khăn, nên cùng với các ngành, các cấp, chúng tôi có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Vốn huy động tại chỗ trước đây chỉ đáp ứng được 70%, nay đã đạt 80% nhu cầu đầu tư nhờ luôn được các NHTM điều động kịp thời từ Trung ương. Có thể nói, vốn cho vùng Tây Bắc thời gian qua không thiếu, nếu có dự án hiệu quả là được đáp ứng nguồn vốn đầu tư.

Trong năm 2014 các ngân hàng tập trung vốn tín dụng chính sách cho vay nhằm xóa đói, giảm nghèo. Vì thế, ngoài NHCSXH được giao là ngân hàng trọng tâm để cho vay các đối tượng chính sách với 18 chương trình, trong đó tập trung vào 5 - 6 chương trình trọng điểm thì còn có vốn của Agribank hỗ trợ cho vay nông nghiệp, nông thôn và cho vay đối tượng chính sách, người thiểu số, cho vay hỗ trợ công ăn việc làm…

Đặc biệt, cho vay của NHCSXH đạt con số ấn tượng là 26.515 tỷ đồng. Ngoài vốn tín dụng cho hộ nghèo, NHCSXH còn triển khai cho vay hộ cận nghèo. Chương trình này rất hiệu quả đã cho thấy chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ trong xóa đói, giảm nghèo rất kịp thời. Vì cho vay hộ cận nghèo sẽ đảm bảo giảm nghèo bền vững…

Tín dụng chính sách của Nhà nước được NHCSXH triển khai hiệu quả ở khu vực Tây Bắc, giúp đồng bào dân tộc ổn định cuộc sống Ảnh: Trần Việt

Tín dụng chính sách của Nhà nước được NHCSXH triển khai hiệu quả ở khu vực Tây Bắc,
giúp đồng bào dân tộc ổn định cuộc sống
                                                                                                                                 Ảnh: Trần Việt

Theo số liệu tổng hợp, mặc dù Tây Bắc chưa có nhiều dự án lớn và hầu hết cho vay nhỏ lẻ, tăng trưởng tín dụng (TTTD) của khu vực Tây Bắc năm 2014 gần 15%, cao hơn mức TTTD chung của cả nước (hơn 13%). Với tốc độ tăng trưởng như vậy cho thấy sự cố gắng của các NHTM. Đến 31/12/2014, số nợ xấu vùng này 2.127 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,44% so với nợ xấu của toàn vùng. Như vậy có thể nói chất lượng tín dụng tốt.

Ngoài đầu tư tín dụng, các TCTD còn rất tích cực trong thực hiện an sinh xã hội cho nhiều địa phương trên cả nước. Riêng khu vực Tây Bắc, NHNN có chỉ đạo quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao hơn, huy động sự đóng góp của các TCTD nhiều hơn các vùng khác.

Phóng viên: Xin Phó Thống đốc cho biết định hướng tín dụng của ngành Ngân hàng ở khu vực tiềm năng nhưng còn nhiều khó khăn này?

Trả lời: Tỷ lệ đói nghèo vùng Tây Bắc rất cao, còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở kém phát triển… Do đó, tập trung lớn nhất, được quan tâm nhất của Ngành là giải quyết vấn đề xóa đói, giảm nghèo như thế nào cho bền vững. Vốn đầu tư những năm qua và cả trong thời gian tới dù là vốn chính sách hay thương mại đều phải làm sao cho hiệu quả, phù hợp với vùng Tây Bắc.

Thứ nhất, tôi cho rằng, mỗi vùng cần những chính sách hỗ trợ đặc thù để giải quyết được câu chuyện đói nghèo, nếu chỉ chung chung thì không giải quyết được. Tất nhiên không thể cấp phát, cho không, nhưng phải có chính sách rất cụ thể, rõ ràng và rất đặc thù cho từng đối tượng để khi vốn đầu tư tăng thì phải hiệu quả, nếu không tất cả tiềm năng của vùng đất này vẫn là tiềm năng, khó biến thành hiện thực. Ở góc độ tín dụng ngân hàng, giải quyết tình trạng đói nghèo là quan trọng.

Thứ hai, phải đảm bảo duy trì TTTD vùng Tây Bắc tiếp tục cao hơn, tối thiểu cũng phải 15%. Với các tỉnh miền núi, NHNN sẽ không khống chế chỉ tiêu TTTD.

Thứ ba, chúng tôi thấy rằng cần tập trung giải quyết vốn đầu tư để sản xuất ở Tây Bắc là sản xuất hàng hóa thương mại, vì hiện nhiều nơi vẫn còn sản xuất theo kiểu tự cung, tự cấp. Nếu chưa có sản xuất hàng hóa lớn thì không có mô hình chuỗi liên kết sản phẩm giống như vùng khác. Do đó, cần có chính sách phát triển hộ gia đình, chính sách tín dụng cho đồng bào để họ làm ra sản phẩm có tính cạnh tranh. Vì vậy tới đây, với Nghị định thay thế Nghị định 41 chắc chắn sẽ có quy định cả điều kiện hạn mức được vay thuận lợi cho đối tượng nông nghiệp nông thôn, đặc biệt đối với vùng Tây Bắc.

Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục tập trung vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Và để thực hiện mục tiêu như trên thì đi cùng với đó cần có nhiều giải pháp, chính sách đồng bộ.

Cần tập trung vốn đầu tư để sản xuất ở Tây Bắc mang tính chất hàng hóa thương mại Ảnh: Trần Việt

Cần tập trung vốn đầu tư để sản xuất ở Tây Bắc mang tính chất hàng hóa thương mại
                                                                                           Ảnh: Trần Việt

Phóng viên: Theo Phó Thống đốc, chúng ta cần có giải pháp gì để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư cho Tây Bắc hiệu quả?

Trả lời: Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư như năm 2013 là một trong những giải pháp cụ thể nhất để thu hút vốn cho vùng này. Riêng ngành Ngân hàng lúc nào cũng sẵn sàng vốn đầu tư, nhưng phải quan tâm đến hiệu quả đầu tư. Tất nhiên đầu tư cho Tây Bắc không thể hiệu quả như dưới xuôi vì ở đây chúng ta còn cần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng… Do đó quan điểm là tập trung vốn cho Tây Bắc không đặt ra mục tiêu duy nhất là lợi ích kinh tế, kể cả các NHTM Nhà nước hay NHTMCP đều như vậy. Phải xác định đó là trách nhiệm chung đối với đất nước, nhất là các vùng khó khăn.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2013, các NHTM đăng ký vốn đầu tư 455 tỷ đồng, nhưng trên thực tế đã thực hiện là 494 tỷ đồng. Đến năm 2014 các NHTM thực hiện tiếp theo kế hoạch giải ngân tại các địa phương 333 tỷ đồng nữa. Đây là những con số lớn trong bối cảnh ngân hàng hoạt động lợi nhuận khó khăn.

Kết quả trên có được phần nào nhờ phương thức tổ chức, triển khai xúc tiến đầu tư. Thay vì địa phương đưa ra dự án để ngân hàng xem xét rồi cân đối nguồn vốn cho vay thì các ngân hàng và doanh nghiệp đã cùng lên Tây Bắc để tìm hiểu dự án, nếu thấy dự án có hiệu quả thì ký cam kết, thậm chí ký kết luôn hợp đồng tín dụng đối với những dự án đã được cấp phép.

Điển hình cho cách làm thành công trên là tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây Bắc năm 2013, tổ chức ở Tuyên Quang, đã có 14 dự án được ký kết, tập trung ở những lĩnh vực, công trình có ý nghĩa lớn, sức lan tỏa và hiệu quả đầu tư của vùng cao như: thủy điện, khai khoáng, chế biến, luyện kim… Và một số dự án trồng rừng phát triển cây công nghiệp.

Sau hai năm đã có 7/14 dự án được giải ngân. Thực tế khi dự án có hiệu quả sẽ được triển khai thực hiện và có nguồn vốn được đáp ứng theo cam kết của NHTM chứ không phải ký rồi để đấy. Hiện tổng vốn giải ngân cho 7 dự án khoảng 4.000 tỷ đồng và trong thời gian tới tiếp tục giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án. Chúng tôi kiến nghị nhân rộng cách làm này được triển khai ở Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Bắc tổ chức tại Mộc Châu (Sơn La) tới đây.

Phóng viên: Cùng với vốn đầu tư, theo Phó Thống đốc, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành có vai trò thế nào để Tây Bắc phát triển hơn?

Trả lời: Tây Bắc là vùng rộng lớn và còn rất khó khăn, nên Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng vấn đề đầu tư phát triển Tây Bắc cần sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành để tăng hiệu quả vốn đầu tư, bởi đúng là một ngành không thể giải quyết được…

Ví dụ, tôi đã đi tìm hiểu thực tiễn ở những huyện nghèo, xa nhất của hai tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình. Ở đó, có thể phát triển trồng cây dong riềng và cây cam, nhưng để sản xuất hàng hóa có tính thương mại, cạnh tranh thì phải có điều kiện là khoa học kỹ thuật, vốn dài hạn, thị trường tiêu thụ… Tất cả vấn đề này đều đã được “đặt lên bàn” của UBND tỉnh.

Về phía ngân hàng, chúng tôi có thể huy động vốn đầu tư 3 - 5 năm với giá rẻ, nhưng nếu cần đầu tư dài hạn hơn, ví dụ đến 10 năm thì phải là vốn đầu tư phát triển của nhà nước và các NHTM cam kết góp vốn hỗ trợ… Thực tế trên ở hai tỉnh này cho thấy, khi phát triển sản xuất trên quy mô lớn thì có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và các chính sách quy hoạch của địa phương. Đây là câu chuyện không thể chỉ một ngày có thể giải quyết được.

Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!                                                                  

Nhóm PV chuyên đề TBNH thực hiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác