Thung lũng Lạc Xuân trên cao nguyên vào xuân sớm

28/01/2015
(VBSP News) Thật ấn tượng nếu ta về thăm xã Lạc Xuân nằm giữa lòng thung lũng rộng lớn ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) vào những ngày xuân sớm, được tận mắt thấy khung cảnh lao động nhộn nhịp của bà con đồng bào dân tộc cùng những vườn rau xanh rờn, những đồi quả hồng, cam, cà chua chín đỏ đang vào mùa thu hái rộ.
Những vườn rau sạch xanh rờn có sự góp sức của nguồn vốn chính sách

Những vườn rau sạch xanh rờn có sự góp sức của nguồn vốn chính sách

Cách thị trấn huyện chừng mười cây số, với tổng diện tích tự nhiên 10.240ha, dân số trên 12 nghìn người nhưng khoảng 6 năm về trước, Lạc Xuân còn là một vùng quê heo hút trên vùng đất đỏ phía Nam Tây Nguyên; những con đường lở đất, lầy thụt “nắng bụi mưa bùn” gây cản trở việc giao thương kinh tế và cuộc sống người dân nơi đây luôn gặp khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất trong buôn làng người K’Ho, Chu Ru khá cao với trên 35%.

Trước thực trạng đó, lãnh đạo các cấp, ngành ở tỉnh, huyện đã tìm hướng mở để giúp đỡ xã Lạc Xuân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Cùng với sự đầu tư của các chương trình, dự án của Nhà nước, nguồn vốn tín dụng ưu đãi được giải ngân kịp thời tạo cơ hội cho người nghèo và bà con dân tộc nơi đây có điều kiện phát triển sản xuất. Vốn chính sách về, thế mạnh nông - lâm - nghiệp, nhất là thâm canh vườn rau đồi quả được phát huy. Cùng với đó, việc lồng ghép đưa tiến bộ KHKT vào đồng ruộng được nông dân Lạc Xuân thực hiện vào mục đích chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung sản xuất các giống rau sạch, cây ăn quả đặc sản theo công nghệ VietGap mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chủ tịch UBND xã Lạc Xuân Đỗ Văn Thắng, cho biết: Với gần 20 tỷ đồng của 8 chương trình tín dụng chính sách mà người dân nghèo trong xã đang thụ hưởng, thì chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu tư phát triển vùng chuyên canh rau gần 120ha, trong đó các loại bắp cải, su su, cà chua được trồng trong nhà lưới và có màng phủ bằng nilon thời kỳ đơm bông kết quả đến 64ha để hàng năm dịp Tết đến Xuân về cung cấp cho thị trường trên dưới 500 tấn sản phẩm. Ngày nay, rau quả từ thung lũng Lạc Xuân đã có thương hiệu, được người tiêu dùng trong Nam, ngoài Bắc, đến những thành phố lớn trong, ngoài nước ưa chuộng.

Cũng theo ông Thắng, nhờ nguồn vốn chính sách tạo đà và việc 100% hộ vay vốn chính sách đã sử dụng vốn vay, đầu tư thâm canh vườn rau, đồi quả, nên giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn xã Lạc Xuân năm qua đạt trên 300 tỷ đồng, tăng so với năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người là 24 triệu đồng/năm. Những hộ trồng rau sạch thoát hẳn cảnh nghèo, vươn lên khá giả đều là những hộ biết cách sử dụng vốn vay chính sách như chị Ma Ước, Ma Lương ở thôn Đon Đman, ông Ya Kâu và anh Ya Thiêng ở thôn La Boong A, chị Ma Quế ở thôn B’Kăn nhờ 30 triệu đồng vốn vay hộ nghèo đã cải tạo vườn tạp, mua cây giống tốt, phân bón vi sinh để trồng trọt, chăm sóc 6 công đất cà rốt giống mới. Vào mùa thu hoạch cuối năm 2014, chị Quế đã bán tại ruộng được giá tới 18 triệu đồng/sào, lãi đến 60 triệu đồng cả vườn cà rốt, sau khi trừ mọi chi phí, đồng thời trả trước kỳ hạn toàn bộ số nợ của ngân hàng.

Thung lũng Lạc Xuân đã bước vào năm mới, Xuân sớm với một vẻ đẹp tươi của những vườn rau, đồi quả được mùa cùng những dự định, kế hoạch vay vốn chính sách và sử dụng nguồn vốn vay cho việc tiếp tục phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững, nhanh chóng hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên dải đất phía Nam Tây Nguyên hùng vĩ.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác