Hùng vĩ Bát Đại Sơn

27/01/2015
(VBSP News) Vượt qua con sông Miện chảy lưng chừng trên Công viên địa chất toàn cầu - cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), vòng vo đường “lên trời” khoảng 8km mới chạm chân tới nơi 8 ngọn núi to, choáng ngợp trước cảnh núi sông hùng vĩ nơi biên cương. Đó là Bát Đại Sơn - mảnh đất đã và đang hiên ngang canh giữ một vùng biên ải, bảo vệ Tổ quốc...
Người Mông Bát Đại Sơn nuôi bò “trên vai”

Người Mông Bát Đại Sơn nuôi bò “trên vai”

Quản Bạ là một trong 6 huyện nghèo 30a của tỉnh Hà Giang. Huyện có 12 xã, nơi đây nhiều xã như Cao Mã Pờ, Tả Ván, Cán Tỷ, Tùng Vài… mới nghe tên đã thấy “cuộc chiến” khó khăn với đói nghèo. Nhưng, không nơi đâu bằng Bát Đại Sơn. Xã được hình thành trên địa hình 8 ngọn núi đá, do thời gian bào mòn, “đẽo gọt” nhọn hoắt, “đâm” lên trời như một sự thách đố của thiên nhiên với con người. Bát Đại Sơn có 4 cái nhất: Nơi cao nhất, xa nhất, khó đi lại nhất và nghèo nhất của huyện Quản Bạ. Xã có diện tích trên 52,72km2, có 3/9 thôn, bản giáp biên với chiều dài 7,5km. Bát Đại Sơn có khoảng 526 hộ, gồm đồng bào Mông (75% dân số) và Dao, sinh sống theo lối “trồng ngô trên đá, nuôi bò trên lưng”. Nhà cửa tạm bợ, xếp bờ đá để làm nơi cư trú.

“Nhưng đó là chuyện của ngày xưa - Chủ tịch UBND xã Lò Văn Sử khẳng định - nay lên Bát Đại Sơn không còn nỗi ám ảnh với những cung đường đá, leo dốc nửa ngày. Với trên 36 tỷ đồng đầu tư của Nhà nước, một con đường trải nhựa đã đưa Bát Đại Sơn về gần hơn với huyện và thông suốt với các xã biên giới khác, như Tùng Vài, Nghĩa Thuận”. Với tổng nguồn vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng từ Chương trình 134, 135 và đặc biệt là Chương trình 30a của Chính phủ, có thêm NHCSXH đồng hành, những năm qua Bát Đại Sơn như một công trường lớn đánh thức núi rừng. Trên 20 công trình trọng điểm của xã được xây dựng, đáng kể nhất là các công trình phục vụ dân sinh lâu dài, như trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế. Toàn xã có hơn 100 hộ dân được cấp kinh phí xóa nhà tạm bợ, nhà dột nát. Xây hồ treo, công trình nước tự chảy Nà Cạn - Na Quang, đảm bảo nước sinh hoạt, tưới tiêu cây trồng chủ động, bà con không phải ngửa mặt trông trời, chờ mưa.

Vài năm gần đây phong trào áp dụng tiến bộ KHKT ở Bát Đại Sơn được triển khai, nhân rộng. Ngô lai được trồng trên 80% diện tích, với 280/320ha toàn xã. Cây lúa chỉ có 90ha. Thực hiện giống mới, áp dụng thâm canh bằng các chính sách hỗ trợ, đi liền là công tác cán bộ được chỉ đạo gắn với dân ngay từ ngày đầu sản xuất. Chủ trương của xã là nồi cơm đầy trong mỗi nhà là thước đo cho mỗi cán bộ, đảng viên được cấp ủy phân công phụ trách. Vào vụ ai lo việc nấy, đói no trong dân; trâu, bò thiếu hay đủ thức ăn, trước hết là trách nhiệm cán bộ trước cuộc sống đồng bào nơi đây.

Mối giao kết trách nhiệm đã tạo thành phong trào thúc đẩy sản xuất trong vài năm gần đây ở Bát Đại Sơn. Ngoài ngô lai, đậu tương, là diện tích cỏ cho chăn nuôi gia súc, nuôi lợn đen đặc sản, nuôi ong lấy mật và trồng thảo quả hàng hóa dưới tán rừng. Cùng với nguồn vốn các chương trình của Chính phủ, năm 2014, tổng dư nợ vốn chính sách ở Bát Đại Sơn đạt trên 4,145 tỷ đồng. Nhiều hộ như Hầu Mí Sình, Giàng Mí Chơ vay 30 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư nuôi trâu. Từ 1 con trâu ban đầu, giờ có tới 3 con. Chỉ trong vài năm vận động, triển khai và cho vay vốn NHCSXH, hiện tại ngoài 144ha thảo quả đã trồng, đã có thêm 149ha cỏ để làm thức ăn cho trên 3.000 con gia súc, chủ yếu trâu, bò và dê. Hàng trăm hộ đồng bào Mông và Dao ở Bát Đại Sơn vay vốn NHCSXH đã áp dụng thành công mô hình “nuôi trâu, bò trong Quẩy tấu” (cắt cỏ bỏ vào Quẩy tấu mang về chuồng cho bò nuôi nhốt ăn) đã thoát nghèo. Không sai khi người dân trong xã đã khảng khái rằng: Núi to (8 ngọn), ngô to (ngô lai), bò to (vỗ béo) và to hơn cả 8 núi trong quần thể Bát Đại Sơn hùng vĩ là sự đoàn kết của đồng bào đã bám đá, giữ làng, cùng xây dựng đất nước.

Từ một xã trên 80% hộ nghèo, đói no phập phù, nay giảm xuống còn trên 50%. Năm 2014, Bát Đại Sơn đạt mức thu nhập hơn 6 triệu đồng và trên 540kg lương thực/người/năm. Tuy chưa cao, nhưng là những con số đáng khích lệ, một “kỳ tích” nơi bà con Mông và Dao phải “vịn đá” đi lên.

Quản Bạ là huyện cửa ngõ vào cao nguyên đá Đồng Văn, nổi tiếng nhất với nhiều địa danh du lịch. Mùa xuân về hoa tam giác mạch hiện hữu với vẻ đẹp sinh động và đầy ấn tượng. Theo đánh giá của cánh xe ôm và dân đi buôn tại huyện, lên Nghĩa Thuận và Bát Đại Sơn là 2 xã đẹp nhất Quản Bạ. Bát Đại Sơn ngày một đổi thay với những công trình được đầu tư xây dựng và phát triển. Nhưng, những giá trị du lịch về vẻ đẹp hùng vĩ của thế núi, hình sông vẫn còn nguyên sơ, thu hút ngày càng nhiều du khách đến trải nghiệm và khám phá.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác