Đổi thay một vùng miền núi xứ Thanh

27/01/2015
(VBSP News) Xác định nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH là mấu chốt của bài toán thoát nghèo bền vững, lãnh đạo xã Điền Trung, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận đồng vốn của các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH, đến nay dư nợ đạt hơn 15,7 tỷ đồng.
Anh Trương Văn Thảo đầu tư vốn vay vào trồng rừng luồng

Anh Trương Văn Thảo đầu tư vốn vay vào trồng rừng luồng

Ngay sau khi các hộ gia đình được nhận vốn vay ưu đãi, UBND xã Điền Trung đã chỉ đạo các Trưởng thôn phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác và Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách thức sử dụng nguồn vốn vay vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Thông qua các hoạt động hỗ trợ cụ thể, đa số người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Điền Trung được trang bị kiến thức cơ bản về xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế, sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình và địa phương. Nhiều mô hình trồng rừng, nuôi lợn, thâm canh đồi chè sạch đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ của xã xuống nhanh chóng. Hộ anh Trương Văn Thảo ở thôn Trúc được đánh giá là tiêu biểu. Đầu năm 2010, được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ NHCSXH, vợ chồng anh Thảo miệt mài cuốc đất, khai phá đất đồi trồng luồng kết hợp với nuôi gà. Sau 4 tháng chăm sóc, đàn gà 200 con của anh lớn nhanh. Bán lứa gà đầu tiên, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 12 triệu đồng. Ngoài ra, anh xây dựng thêm chuồng trại nuôi lợn nái. Từ nguồn thu của chăn nuôi, anh Thảo tiếp tục trồng mới, thâm canh cây luồng. Nhờ dày công chăm sóc, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu KHKT, mô hình trồng rừng, chăn nuôi của gia đình anh đem lại lợi nhuận đáng kể. Anh cho biết: “Nhờ có nguồn vốn ban đầu mà gia đình tôi thoát nghèo, có đời sống khá giả. Ăn tết xong, vợ chồng tôi sẽ hoàn trả hết nợ vay cho ngân hàng đúng kỳ hạn và thu hoạch 2ha luồng, rồi tính đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất gấp 2 - 3 lần so với hiện nay, quyết chí làm giàu ngay trên đồng đất quê hương”.

Như anh Thảo, gia đình chị Trương Thị Hân ở xã Điền Trung cũng là một trong những hộ gia đình sử dụng vốn vay chính sách vào phát triển sản xuất đạt được kết quả kinh tế rõ rệt. Với 28 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Bá Thước, chị Hân làm chuồng trại vững chắc bên sườn đồi và mua con giống tốt đầu tư mô hình nuôi lợn.

Thời kỳ đầu, giá thịt lợn tương đối ổn định nên gia đình chị có nguồn thu cao. Từ thành quả này, chị đã mạnh dạn trồng lúa cao sản trên 7 sào đất ruộng và hoa màu ở bờ ruộng. Chị tâm sự: “mỗi năm với 3 vụ lúa và 3 vụ hoa màu cùng đàn lợn thịt 40 con, gia đình tôi thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Dự tính sang năm mới, chúng tôi xin vay thêm vốn chương trình giải quyết việc làm đầu tư lập trang trại chăn nuôi lợn, gà, nhím để tạo thêm việc làm nhiều lao động trong thôn”.

Từ nguồn vốn chính sách, không riêng gia đình anh Thảo, chị Hân mà đã có rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã Điền Trung có điều kiện thoát nghèo, vươn lên khá giả. Chủ tịch UBND xã Điền Trung Tào Văn Lý, cho biết: “Nguồn vốn vay ưu đãi thực sự là phao cứu sinh, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để xây dựng mô hình thực tế, cải thiện cuộc sống. Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích để giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao cuộc sống vùng miền núi dân tộc”.

Bài và ảnh Bùi Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác