Đồng vốn sinh sôi

28/01/2015
(VBSP News) Chợ Đồn là huyện vùng cao của tỉnh miền núi Bắc Kạn, có tới 85% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu sống ở những bản, làng đặc biệt khó khăn. Do vậy, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo khá cao, gần 42% ở vào thời điểm năm 2009. Trong điều kiện đó, NHCSXH huyện đã có nhiều cách làm phù hợp giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thuận lợi để phát triển sản xuất tăng thu nhập cho gia đình, từng bước giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.
Gia đình anh Chu Quang Phúc vay vốn nuôi lợn rừng, phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015

Gia đình anh Chu Quang Phúc vay vốn nuôi lợn rừng, phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015

Phó Giám đốc NHCSXH huyện Chợ Đồn Nông Thị Thu Hoài, cho biết: Thời gian qua, nhất là năm 2014 được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự phối hợp công tác chặt chẽ với các cấp hội, đoàn thể, NHCSXH đã kịp thời cho vay hàng trăm tỷ đồng của các chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn…. Hầu hết các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả đồng vốn. Một số gia đình đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày… mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế đồi rừng, mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cùng với đó, các hộ cũng nêu cao ý thức thanh toán nợ vay, lãi vay đầy đủ, đúng kỳ hạn.

Chị Hoài dẫn chứng cụ thể ở Bản Cuôn 1, xã Ngọc Phái có 42 hộ, hầu hết là dân tộc Dao đang sử dụng gần 1 tỷ đồng vốn ưu đãi. Cuối năm 2014, các hộ trả lãi đều đặn và không có trường hợp nào để nợ quá hạn hay chậm trễ việc trả lãi. Tiêu biểu là gia đình anh Triệu Tài Thọ được vay 30 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo trong thời hạn 4 năm đã mua 3 con trâu sinh sản, nhờ chăm sóc tốt nên 2 con trâu mẹ đã đẻ được 4 con, và tháng 8 năm ngoái anh Thọ bán bớt 2 con trâu, đủ tiền trả hết vốn và lãi vay, đến nay vẫn “lãi” 5 con, cả trâu lẫn nghé, trị giá trên 100 triệu đồng, làm vốn mở rộng nghề chăn nuôi.

Cách đó không xa, gia đình anh Lưu Đình Ích đã sử dụng vốn vay chính sách nuôi bò sinh sản, chỉ 4 năm sau đã có đàn bò 8 con, vừa thoát cảnh nghèo khó, vừa có tiền mua máy cày đất, máy xay xát lương thực.

Được biết mô hình chăn nuôi của anh Chu Quang Phúc ở thôn Nà Cọ, xã Phương Viên đã kiên trì đào đất đắp khe núi thành ao thả cá, xây dựng chuồng trại kiên cố nuôi lợn rừng. Đến nay, những sản phẩm chăn nuôi tại trang trại của anh có đầu mối tiêu thụ ổn định tới các tỉnh, thành phố trong cả nước. Anh Chu Quang Phúc, chia sẻ: “Cuộc sống gia đình trước kia rất khó khăn do thiếu vốn đầu tư, nhưng được sự quan tâm tạo điều kiện của Nhà nước, gia đình tôi đã vay vốn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi hàng hóa tổng hợp. Đồng vốn chính sách thực sự giúp ích cho bà con miền núi chúng tôi khá giả”.

Có thể khẳng định, nguồn vốn ưu đãi kết hợp với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ KHKT đã giúp cho đồng bào DTTS vùng cao Chợ Đồn thay đổi cơ bản về phương thức sản xuất từ lạc hậu, mạnh mún sang chăn nuôi, trồng rừng, buôn bán hàng hóa, đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập đáng kể, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung trên toàn địa bàn xuống còn 14,3%.

Bài và ảnh Quốc Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác