Giảm nghèo ở dải đất hẹp Quảng Bình

27/01/2015
(VBSP News) Nhờ mạng lưới phủ khắp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ vùng bãi ngang ven biển Lệ Thủy, Quảng Ninh đến các vùng cao biên giới Tuyên Hóa, Minh Hóa, đồng vốn ưu đãi của NHCSXH đã đến với từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở tất cả 159 xã, phường trong toàn tỉnh. 12 năm qua, nguồn vốn chính sách đã góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở dải đất hẹp Quảng Bình miền Trung này từ 21% năm 2008 xuống còn 13,58% cuối năm 2014, giúp đỡ hơn 70 nghìn lượt hộ vay vốn thuận lợi, sử dụng vốn vào phát triển sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
Nông dân nghèo Quảng Bình vay vốn chính sách mở rộng diện tích nuôi trồng thủy hải sản

Nông dân nghèo Quảng Bình vay vốn chính sách mở rộng diện tích nuôi trồng thủy hải sản

Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Lướng, cho biết: Cùng với việc thẩm định giải ngân nhanh gọn, nâng mức cho vay, giảm lãi suất một số chương trình tín dụng, NHCSXH đã chú trọng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích như phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, thâm canh đồi rừng và lúa cao sản, ngô lai. Mặt khác, về phía NHCSXH cũng không ngừng tạo điều kiện thuận tiện tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với các nguồn vốn, khắc phục tình trạng “cào bằng”, hay thời hạn cho vay không phù hợp với khả năng trả nợ ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đơn cử như ở huyện Bố Trạch có 30 xã, thị trấn, trong đó có đến 9 xã miền núi thấp và 2 xã miền núi cao đều nằm trong diện vùng đặc biệt khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo khá cao, bình quân 31%. Để đồng vốn ưu đãi đến sớm, đúng các đối tượng được thụ hưởng, NHCSXH đã tập trung kiện toàn lại các Tổ tiết kiệm và vay vốn, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai công tác tập huấn nghiệp vụ tín dụng, ký kết hợp đồng uỷ thác thông qua các hội, đoàn thể thực hiện tận thu, thực hành tiết kiệm chi phí để đưa nguồn vốn về tận làng bản, tạo điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

Gia đình ông Phạm Quốc Hưng ở xã Phúc Trạch nhờ đồng vốn ưu đãi chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn làm “bà đỡ” đã gây dựng được cơ ngơi chăn nuôi với đàn gà 600 con, 12 con lợn nái, thu lợi xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng, không chỉ thoát hết nghèo khó mà còn trở thành gương nông dân sản xuất giỏi của huyện Bố Trạch.

Cùng địa chỉ với ông Hùng còn có bà Nguyễn Thị Nguyện vốn là “hộ nghèo lâu năm” của xã: Hoàn cảnh gia đình bà hết sức éo le, chồng bị bệnh tật, 3 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. Nhưng từ khi vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo, bà đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Từ kết quả ban đầu, bà Nguyện mạnh dạn nuôi thêm lợn nái, cải tạo 5 sào vườn tạp trồng hồ tiêu, để đến ngày nay có đến 6 con bò mẹ lẫn bê con, 50 con lợn thịt, bà phấn chấn nói: “Nếu không có nguồn vốn ưu đãi gia đình không biết xoay xở cách nào để vượt qua khó khăn, và làm ăn khấm khá được như hôm nay”.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả trên dải đất hẹp miền Trung.

Bài và ảnh Trần Đởng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác