Chị em phụ nữ vùng sông nước Nam bộ với đồng vốn chính sách
Hơn 5 năm trước, hộ chị Nguyễn Thị Bé Hai là một trong những hộ nghèo của xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo. Vợ chồng chị ngày ngày đi làm mướn nhưng cũng không đủ trang trải cho cuộc sống. Năm 2011, thông qua Hội Phụ nữ xã, chị được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện Chợ Gạo, chị Bé Hai kịp mướn 5 sào đất để trồng bắp, sau khi thu hoạch chị tranh thủ tận dụng thân cây bắp làm giàn trồng dưa leo và đậu vàng. Với cách làm như thế, rẫy dưa, rẫy đậu mỗi năm cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng, giúp gia đình chị Bé Hai có tiền nộp lãi, trả nợ ngân hàng và tích luỹ mướn thêm đất, mở rộng diện tích trồng dưa, đậu. Chị Hai nói: “Nhờ nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ kịp thời, tôi đã chủ động mướn đất canh tác, mua hạt giống, phân vi sinh để thâm canh sản xuất, thoát hẳn cảnh nghèo khó”.
Cùng cảnh ngộ như chị Nguyễn Thị Bé Hai, chị Nguyễn Hồng Vân là hội viên phụ nữ ấp Trường Xuân B, xã Thanh Bình được vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của NHCSXH vào đầu năm 2012 đầu tư nuôi bò, chăn heo. Bản tính đã cần cù, chị Vân lại chịu học hỏi kinh nghiệm của chị em đi trước nên sau 3 năm hiện gia đình chị sở hữu 5 con bò, 30 con heo thịt, cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Chị Vân phấn khởi: “Cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi mà hàng năm nhà tôi mới thu được một khoản lãi kha khá, vừa trả đầy đủ gốc, lãi ngân hàng, vừa có điều kiện chăm lo cho con cái học hành chu đáo”. Từ sự nỗ lực sản xuất, vươn lên thoát nghèo, mới đây, chị Vân được bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện.
Hiện nay ở huyện Chợ Gạo còn có hàng trăm phụ nữ nghèo khác biệt cách khai thác hiệu quả vốn vay của NHCSXH. Cùng với sự cần cù, lao động và mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chị em đã vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, xây dựng gia đình hoà thuận.
Riêng Hội Phụ nữ xã Thanh Bình thời gian qua đã ký uỷ thác cho 828 hộ gia đình hội viên vay 7,8 tỷ đồng của NHCSXH huyện Chợ Gạo. Qua kiểm tra, 100% hội viên vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, ổn định cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân - Chị hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Trường Xuân B xã Thanh Bình cho biết: Đến hết năm 2014, ấp Trường Xuân B có 85 hộ còn đang dư nợ 950 triệu đồng với NHCSXH, trong đó trên 70% số hộ đã vươn lên thoát nghèo từ sự hỗ trợ của nguồn vốn ưu đãi.
Bài và ảnh Lê Diệu Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Yên Thái với mô hình “xã điểm về tín dụng chính sách”
- » Giảm nghèo ở dải đất hẹp Quảng Bình
- » Hùng vĩ Bát Đại Sơn
- » Đổi thay một vùng miền núi xứ Thanh
- » Xuân sớm trên rẻo cao Chiềng Sơn
- » Hiệu quả từ đồng vốn ưu đãi
- » Tiếp sức cho người nghèo
- » Mang niềm vui đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác
- » Nguồn vốn chính sách giúp người dân thoát nghèo
- » Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách ở Lào Cai