Diện mạo mới của vùng quê trên cao nguyên

16/12/2014
(VBSP News) Vào những ngày này, có dịp trở lại xã Tân Thành, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) nơi có đến gần 800 hộ người Tày, Nùng, Thái từ núi rừng Tây Bắc vào lập nghiệp sau ngày giải phóng miền Nam, cùng hơn 300 hộ đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng. Ở khắp 6 buôn làng trong xã, nhà mới xây mọc lên san sát, đường xá được mở rộng; những thung lũng, vạt đồi bạt ngàn cà phê, hồ tiêu đang giữa mùa thu hoạch... hứa hẹn một cuộc sống no đủ, tươi vui trên cao nguyên xa xôi này.
Cây cà phê - cây làm giàu trên mảnh đất cao nguyên

Cây cà phê - cây làm giàu trên mảnh đất cao nguyên

Kỹ sư nông nghiệp Phùng Thanh Lạng - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết: “Trước đây, bà con quê tôi chỉ trông vào cây lúa nương và củ sắn đồi, lại thiếu cả vốn liếng, kiến thức làm ăn nên cuộc sống nghèo khó lắm, nhưng từ khi triển khai dự án vay vốn chính sách, mở cuộc tiến công lên đồi phát triển cây công nghiệp như chè, cà phê, hồ tiêu, dâu tằm thì buôn làng mới khởi sắc, để đến nay có một diện mạo mới mẻ, “khoẻ khoắn” hoàn toàn”.

Theo anh Lạng, trong tổng dư nợ 15,7 tỷ đồng của xã Tân Thành với NHCSXH huyện Đức Trọng thì số tiền nhiều nhất được hộ nghèo và các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tập trung đầu tư lập vườn, mở đồi trồng cà phê giống mới được gần 400ha. Việc vay vốn diễn ra thuận lợi, kịp thời đã tạo điều kiện cho người dân đầu tư trồng cây cà phê giống mới Katimo, giống cây nhanh chóng ra hoa, sai quả, có hương thơm dịu, được giá bán ở cả thị trường trong và ngoài nước, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn 4,7% trên tổng số 1728 hộ, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm.

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu cụ thể những điển hình thoát nghèo làm giàu từ việc trồng trọt, thâm canh cây cà phê thông qua nguồn vốn vay chính sách, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành đã vanh vách kể tên những hộ dân sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư trồng cà phê giống mới đạt mức thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, thoát hết nghèo, trả trước hạn nợ vay ngân hàng. Điển hình là ông Hoàng Thế Phương, dân tộc Tày ở thôn Tân Niên, hướng dẫn chúng tôi vòng quanh khu đồi cà phê rộng hơn 10ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Phương kể: Trước năm 2000, từ vùng cao biên giới Lạng Sơn di cư vào Tây Nguyên, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu thốn trăm bề, quanh năm gia đình đi tỉa bắp, gieo lúa nương để lo từng bữa ăn. Đến năm 2006, khi cây cà phê xuất hiện, ông Phương tham gia vào Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân, được bình xét vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi, ông đầu tư trồng được 0,5ha cà phê giống Katimo. 3 năm sau đó, thấy cà phê xanh tốt, quả đầu mùa bán được giá, ông đã mạnh dạn vay thêm vốn ưu đãi, khai phá đất hoang, đầu tư trồng thêm được 2ha cà phê giống mới nữa. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, cùng với sự cần cù lao động của các thành viên trong gia đình, 8ha cà phê giống mới của ông Phương đạt thu nhập gần 300 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 10 - 15 lao động với mức lương 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Rời trang trại cà phê rộng lớn của nhà ông Phương, ghé thăm gia đình chị Mai - Na, dân tộc K’Ho ở thôn Vân Hưng, một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất xã Tân Thành, chúng tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của đồng vốn chính sách, tuy nhỏ nhưng có sức lan toả lớn. Nhờ có đồng vốn tín dụng của NHCSXH từ chương trình cho vay hộ nghèo, đến cho vay không tính lãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn với số tiền lên đến 35 triệu đồng đã giúp gia đình chị vượt khó, có điều kiện đầu tư trồng cà phê giống mới và chăm sóc 80 trụ hồ tiêu. Trừ chi phí, bình quân mỗi năm chị thu được một khoản lãi kha khá, giúp chi trả hoàn trả vốn, lãi cho ngân hàng và còn tích luỹ để tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn cà phê, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thanh Phùng Thành Long, khẳng định: “Nhờ có vốn vay của NHCSXH mà nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên thoát nghèo bền vững; sản phẩm cà phê giống mới của xã đã có thương hiệu, được khách hàng trong, ngoài nước ưa chuộng, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên cao nguyên Đức Trọng - Lâm Đồng.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác