Niềm vui trước Tết ở một làng nghề

28/01/2015
(VBSP News) Gia Lộc là một huyện thuần nông của tỉnh Hải Dương. Đã vậy, nơi đây nghề phụ lại ít nên số lao động dư thừa nhiều và nông dân còn gặp khó khăn trong đời sống. Bài toán làm thế nào để tận dụng lao động dư thừa, tăng nhanh kinh tế gia đình mà người dân “ly nông không ly hương” chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong khu vực nông thôn, giảm tỷ trọng nông nghiệp, khiến lãnh đạo huyện trăn trở, tìm phương hướng giải quyết.
NHCSXH huyện Gia Lộc thường xuyên bám sát cơ sở hướng dẫn, kiểm tra vốn cho vay làng nghề

NHCSXH huyện Gia Lộc thường xuyên bám sát cơ sở hướng dẫn, kiểm tra vốn cho vay làng nghề

Cùng với việc đẩy mạnh thâm canh trồng trọt, chăn nuôi, UBND huyện Gia Lộc đã xây dựng phương án phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Theo đó, các ban ngành cùng làng xã, trong đó có NHCSXH đã vào cuộc hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích sự phát triển. Minh chứng cho hiệu quả triển khai thực hiện phương án ấy là làng nghề sản xuất giày da của xã Phương Hưng. Ông Nguyễn Đức Thôn - Phó Chủ tịch UBND xã, cho hay: Xã có 3 thôn với 1.300 hộ, trong đó có trên 10% hộ nghèo, hộ cận nghèo, đất đai canh tác lúa màu rất ít, chưa đầy 130ha, nhưng từ khi có phương án phát triển làng nghề của huyện và sự hỗ trợ kịp thời của NHCSXH, hầu hết các đối tượng chính sách đều tiếp cận được với nguồn vốn chính sách. Tính đến hết năm 2014, toàn xã Phương Hưng có dư nợ với NHCSXH là 14,5 tỷ đồng, nhiều nhất là vốn vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, tiếp đến là vốn ưu đãi cho vay giải quyết việc làm, đã tạo điều kiện kịp thời cho nông dân khôi phục, phát triển nghề truyền thống, ổn định cuộc sống.

Tiêu biểu là chị Phạm Thị Vân ở thôn Chằm từ một phụ nữ chuyên làm nghề nông, mỗi khi cấy hái lúa xong thời gian rảnh rỗi, không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Chị vốn thích làm nghề phụ từ lâu, nên ngay sau khi Hội Phụ nữ tổ chức lớp đào tạo nghề miễn phí, chị đã tham gia học tập và tiếp thu nghề làm giày khá nhanh. Sau khi học nghề xong, chị Vân vay 30 triệu đồng hộ cận nghèo, đầu tư mở cơ sở chuyên làm giày da tại nhà. Tiếp đó, chị còn phối hợp với Hội Phụ nữ vận động chị em đang đi làm ăn xa về quê học nghề, vay vốn chính sách làm nghề vừa ổn định cuộc sống, vừa cho làng trên xóm dưới đỡ cảnh trống vắng; trẻ em có mẹ ở bên kèm cặp, chăm lo cho gia đình…

Sau 3 năm vay vốn và sử dụng vốn ưu đãi vào phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đến đầu năm 2015 này cơ sở sản xuất giày da của chị Phạm Thị Vân luôn có 15 - 20 lao động thường xuyên, thu nhập ổn định 3 - 4 triệu đồng/tháng/người. Nhiều chị đã cải thiện cuộc sống, thoát nghèo, chăm lo chu đáo việc “nuôi con khoẻ, dạy con ngoan”.

Đơn cử như chị Nguyễn Thị Hường là người đạt mức thu nhập cao của cơ sở, mỗi tháng, chị may khâu đế giày được 4,5 triệu đồng, có tháng được 5 triệu đồng. Cũng như chị Hường, chị Mỹ trước đây chỉ biết làm ruộng. Kinh tế gia đình khó khăn nên đứa con đầu phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Là người mới vào cơ sở giày da của chị Vân 2 năm, chị đã có thể lo cho 2 người con yên tâm cắp sách đến trường. Cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn.

Riêng chủ cơ sở Phạm Thị Vân, không những kinh tế gia đình khá giả trông thấy mà có niềm vui vì đã sử dụng vốn vay NHCSXH đạt hiệu quả cao, tạo việc làm cho nhiều chị em trong thôn xóm. Niềm vui đang được nhân đôi khi ước mong lớn nhất của chị được đáp ứng. Đúng dịp tuần lễ đầu năm mới 2015, cơ sở của chị được cấp giấy phép hoạt động với tư cách pháp nhân Doanh nghiệp tư nhân và NHCSXH giải quyết cho vay 200 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm để phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Bài và ảnh Lê Diệu Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác