Tín dụng chính sách ở Hải Dương góp phần tích cực trong sự phát triển bền vững NHCSXH

12/10/2014
(VBSP News) Cùng đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, 12 năm qua, NHCSXH tỉnh Hải Dương đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, chung lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Tín dụng chính sách đem lại niềm vui cho nông dân Hải Dương Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tín dụng chính sách đem lại niềm vui cho nông dân Hải Dương
                                                                                                                                         Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển, sự khởi đầu với nhiều khó khăn: Trụ sở làm việc phải thuê của dân, diện tích chật hẹp, không phù hợp với hoạt động đặc thù của ngân hàng, công cụ hỗ trợ thiếu thốn; đội ngũ cán bộ thiếu, chưa có kinh nghiệm trong triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi; mạng lưới Điểm giao dịch, Tổ tiết kiệm và vay vốn còn mỏng, hoạt động chưa nề nếp; sự quan tâm, phối hợp của chính quyền địa phương, các Sở, ban, ngành, tổ chức hội, đoàn thể còn chưa chặt chẽ; hiểu biết của nhân dân về tín dụng chính sách còn hạn chế… Song, với sự quan tâm, chỉ đạo có hiệu quả của UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh cùng sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể cán bộ nhân viên, chi nhánh đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Từ hai chương tình tín dụng ưu đãi, đến nay chi nhánh đã triển khai và thực hiện thành công 9 chương trình với tổng dư nợ đạt trên 2.270 tỷ đồng, tăng 12,5 lần so với ngày đầu thành lập.

Từ nguồn vốn của các chương trình tín dụng ưu đãi, đã có trên 470 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền gần 5.395 tỷ đồng, góp phần giúp trên 70 nghìn hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 200 nghìn người lao động, tạo điều kiện cho trên 90 nghìn HSSV vay vốn đi học, xây dựng trên 187 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,93% vào tháng 1/2006 xuống còn 4,9% vào tháng 12/2010 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010) và từ 10,99% vào tháng 1/2011 xuống còn 5,82% vào tháng 12/2013 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015).

Có thể nói, đội ngũ cán bộ của chi nhánh đến nay có đủ khả năng quản lý an toàn nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Với phương thức quản lý tín dụng đặc thù là ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh cũng đã tổ chức được mạng lưới hoạt động rộng và có hiệu quả đến tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. 4 tổ chức chính trị - xã hội ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đều đang thực hiện nhiệm vụ ủy thác của NHCSXH. Chi nhánh cũng đã phối hợp xây dựng được mạng lưới trên 4 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn trên toàn tỉnh. Việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn được coi là nhiệm vụ thường xuyên và là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng tín dụng của chi nhánh. Nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ của ngân hàng, thực hiện chỉ đạo của NHCSXH, được sự ủng hộ của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH, chính quyền địa phương, chi nhánh đã tổ chức được 265 Điểm giao dịch/265 xã, phường, thị trấn. Hoạt động giao dịch đã đi vào nề nếp, được đảm bảo an toàn và có hiệu quả. Cách tổ chức triển khai hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thời gian qua đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo. HĐND, UBND các cấp, các Sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đều đã tích cực tham gia và có nhiều việc làm hỗ trợ việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH.

Quá trình hoạt động nhiều năm là quá trình dần hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý điều hành tín dụng chính sách ở cơ sở, qua đó chi nhánh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Một là, các chương trình tín dụng ưu đãi là công cụ thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nơi nào cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức đúng về vai trò của các chương trình tín dụng ưu đãi và có sự quan tâm chỉ đạo sát sao thì nơi đó hiệu quả của các chương trình được nâng cao, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao từ chính quyền cấp xã. Ở Hải Dương, các phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp huyện đều có sự tham gia của Lãnh đạo chi nhánh, một số phiên họp mở rộng thành phần đến Trưởng ban giảm nghèo cấp xã hoặc Chủ tịch UBND cấp xã.

Hai là, việc triển khai thực hiện các chương trình phải có sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành thông qua việc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp. Đối với chi nhánh phải xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức kiểm tra giám sát, phát động thi đua khen thưởng… Việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của chi nhánh như: Triển khai công tác hiện đại hóa tin học, củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn… đều được tổ chức thực hiện theo cách thức nêu trên.

Ba là, thường xuyên và chủ động tham mưu cho cấp ủy, HĐND, UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp trong việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Hàng năm chi nhánh đều đăng ký báo cáo trước Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND kết quả hoạt động của chi nhánh, những khó khăn tồn tại và đề xuất giải pháp. Qua đó, chi nhánh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương từ việc bổ sung nguồn vốn cho vay, hỗ trợ kinh phí mua sắm phương tiện làm việc, tổ chức hội họp, khen thưởng đến việc đôn đốc, thu hồi nợ quá hạn.

Bốn là, một trong những yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách là phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện tốt phương thức ủy thác cho vay và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhận thức được điều đó, chi nhánh thường xuyên coi trọng công tác tập huấn nghiệp vụ và giao ban với cán bộ hội và Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Năm là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nhất là hoạt động tự kiểm tra đối với hộ vay. Nhiều năm nay, bên cạnh công tác kiểm tra của Ban đại diện Hội đồng quản trị, kiểm tra của các đơn vị nhận ủy thác chi nhánh luôn tăng cường công tác kiểm tra nội bộ và coi trọng công tác tự kiểm tra của cán bộ tín dụng. Thực tế cho thấy hoạt động tự kiểm tra giúp phát hiện nhiều sai sót, tồn tại, giúp đánh giá đúng mức chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng công tác ủy thác cho vay, phản ánh đúng nhận thức của người vay… Trên cơ sở kết quả kiểm tra, chi nhánh đã đưa ra nhiều giải pháp hạn chế tồn tại, khắc phục sai sót góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của toàn chi nhánh.

Sáu là, công tác đào tạo, bố trí, luân chuyển cán bộ thường xuyên được quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nâng cao năng lực sở trường, nâng cao khả năng quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Bảy là, tăng cường công tác tuyên truyền thông qua báo, Đài PT&TH, thông tin nội bộ và các phương tiện thông tin đại chúng khác ở địa phương, kết hợp với công tác giao ban, công khai nội dung tại các Điểm giao dịch để nhân dân hiểu đầy đủ hơn về các chương trình tín dụng chính sách.

Để tiếp tục phát huy những hiệu quả đã đạt được của NHCSXH trong thời gian qua, xin đề xuất một số giải pháp và kiến nghị.

Thứ nhất, mở rộng chương trình tín dụng, bổ sung đối tượng hộ gia đình có 2 con là HSSV trở lên, tiếp tục cho vay đối với hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo; nâng mức cho vay đối với chương trình HSSV, đi xuất khẩu lao động nước ngoài và giải quyết việc làm.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể và của người dân đặc biệt là đối tượng hộ nghèo về công tác giảm nghèo là thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam. Các chính sách phát triển kinh tế hướng vào mục tiêu giảm nghèo cũng là mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đảm bảo việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo là cần thiết nhằm nâng cao nhận thức của chính bản thân họ về việc được hỗ trợ từ Nhà nước, từ các cấp chính quyền địa phương đó chính là phần “tạo đà” để bản thân họ cũng phải tự cố gắng, nỗ lực vươn lên làm ăn kinh tế để thoát khỏi tình trạng nghèo đói, không nên ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo, quy trình về điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo: Nâng mức chuẩn nghèo cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội, có cách đánh giá hộ nghèo theo phương thức đa chiều. Mức chuẩn nghèo đang thực hiện như hiện nay vẫn được đánh giá là thấp, chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế, chuẩn nghèo hiện thời của Việt Nam chưa bằng 50% chuẩn nghèo của thế giới. Việc tính thu nhập của hộ gia đình, trong đó yếu tố mức chi ra cũng nên nghiên cứu, tính toán thêm cả những yếu tố về giáo dục, y tế, mức sống… để đánh giá nghèo phù hợp với cuộc sống hiện tại hơn vì khái niệm mới về nghèo không chỉ đơn thuần nghèo về lương thực. Nếu chỉ dựa vào thu nhập thì có một số đối tượng thu nhập vượt qua cả mức cận nghèo nhưng gia đình họ lại chưa giải quyết được việc con cái đi học, ốm đau khám chữa bệnh không đủ tiền hay nhu cầu tiếp cận thông tin, nước sạch sinh hoạt.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cùng nhân dân trong toàn tỉnh đều ghi nhận những đóng góp tích cực của việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Một hệ quả tất yếu của nền kinh tế thị trường là sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Mục tiêu mà chế độ XHCN luôn hướng tới là nâng cao đời sống cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục duy trì và mở rộng các chương trình tín dụng chính sách, phát triển bền vững NHCSXH chính là công cụ hữu hiệu để thực hiện những mục tiêu đó.

Nguyễn Dương Thái

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác