Điển hình về thực hiện công tác uỷ thác vay vốn chính sách
Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân Nguyễn Thị Dung, cho biết: Từ nhận thức tác dụng của nguồn vốn chính sách trong việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các chi hội phụ nữ ở từng thôn đã tham gia trực tiếp cùng Trưởng thôn hướng dẫn Tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành bình xét cho hội viên phụ nữ vay vốn đúng quy trình, đảm bảo công khai, dân chủ. Ngoài nhiệm vụ động viên chị em tham gia gửi tiền tiết kiệm, trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn vay, lồng ghép với đưa KHKT vào sản xuất, các Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Phụ nữ quản lý còn tăng cường đôn đốc hội viên trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng đầy đủ, đúng kỳ hạn. Thực tế ở thôn Vân, thôn Đồng Quy có một số chị em vay vốn gặp rủi ro, Hội Phụ nữ xã đã vận động các thành viên trong tổ giúp đỡ để trả vốn, lãi đúng khi đến hạn; do vậy, tỷ lệ nợ quá hạn của phụ nữ rất thấp.
Theo chân cán bộ tín dụng chính sách huyện Hoa Lư, chúng tôi đến thăm gia đình chị Phạm Thị Năm ở thôn Thượng, xã Ninh Vân. Trước đây, hoàn cảnh nhà chị rất nghèo khó. Nhà đã thiếu đất sản xuất, chồng lại bị tàn tật, con nhỏ dại nên mọi việc lo toan đều đổ dồn lên đôi vai gầy của chị. Cuối năm 2012 chị được Hội Phụ nữ xã Ninh Vân giúp đỡ vay vốn của chương trình hộ nghèo. Nhận 20 triệu đồng vốn vay ưu đãi, chị Năm mua liền 2 con lợn nái và 1 đàn gà mái. Sau 8 tháng chăn nuôi, phòng bệnh tốt, chị bán lợn giống và gà con, được gần 30 triệu đồng. Được đà, chị lại tiếp tục mua một cặp bò sinh sản, để đến nay trả được nợ cho ngân hàng.
Cùng cảnh ngộ như chị Vân, gia đình nữ thanh niên xung phong thời chống Mỹ Trần Thị Quy được Hội Phụ nữ thôn Xuân Phúc bình xét 25 triệu đồng chương trình tín dụng hộ cận nghèo vào giữa năm 2013 để đầu tư nuôi bò sinh sản. Nhờ có đồng vốn ưu đãi tiếp sức, cộng với bản tính siêng năng, chị Quy không ngại học hỏi từ các chị em về kinh nghiệm chăn nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Thời gian trôi nhanh, con bò được chăm sóc chu đáo, béo khoẻ, sinh ra chú bê con, giúp gia đình chị thu một khoản tiền lãi kha khá để vừa trả đủ 6 kỳ lãi cho ngân hàng, vừa để tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi thêm đàn lợn giống 8 con. Chị Quy chia sẻ: “Nhờ có số vốn ưu đãi vay được từ NHCSXH thông qua Hội Phụ nữ xã, gia đình tôi đã ăn nên làm ra, có cơ hội thoát nghèo bền vững đấy”.
Chị Bùi Thị Thuận, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ xã quản lý cho biết: “Thôn Đồng Quy có hơn 90 hộ được tiếp cận tới nguồn vốn chính sách, trong đó gần một nửa là hội viên phụ nữ đã sử dụng vốn vay vào chăn nuôi trồng trọt, mở mang nghề làm đá mỹ nghệ. Đến nay, có khoảng 70% số hộ vay vốn NHCSXH vươn lên ổn định cuộc sống”.
Hội Phụ nữ xã Ninh Vân những năm qua đã thực hiện tốt uỷ thác cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, hội đã đứng ra tín chấp cho 677 hộ hội viên phụ nữ vay vốn trên 5,7 tỷ đồng. Qua kiểm tra, 100% hội viên vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh Lê Diệu Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cần Thơ đảm bảo đủ nguồn vốn vay cho HSSV năm học mới
- » 100% hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn sử dụng vốn đúng mục đích
- » Dựng nghiệp, mở nghề từ đồng vốn ưu đãi
- » Nghiên cứu thí điểm cho vay hộ mới thoát nghèo
- » Sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi
- » Kon Tum - những câu chuyện thoát nghèo như cổ tích
- » Giúp hộ cận nghèo phát triển kinh tế
- » Hà Tĩnh - ấm tình những ngôi nhà vượt lũ
- » Phú Thọ cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo
- » Những phát hiện mới trong chuyến đi thăm và làm việc tại NHCSXH của Đoàn Chính phủ Cộng hòa Mozambique