Hiệu quả vốn vay ưu đãi ở vùng Đồng Tháp Mười

30/01/2015
(VBSP News) Đồng Tháp Mười, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao và hàng năm bị ngập lụt từ 3 đến 4 tháng do nước sông Mê Kông đổ về nhưng cán bộ, nhân viên NHCSXH huyện Tân Thạnh (Long An) đã nỗ lực vượt khó khăn, triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Vốn vay ưu đãi đã tiếp sức cho chị em phụ nữ nghèo huyện Tân Thạnh (Long An) phát triển nghề đan lát truyền thống

Vốn vay ưu đãi đã tiếp sức cho chị em phụ nữ nghèo huyện Tân Thạnh (Long An) phát triển nghề đan lát truyền thống

Liên tục 12 năm qua, NHCSXH huyện Tân Thạnh luôn quan tâm ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nhanh chóng các nguồn vốn vay, cụ thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường cán bộ tín dụng xuống tận thôn, ấp, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể ở cơ sở để xác minh, hướng dẫn các hộ dân lập thủ tục vay vốn chính sách để đầu tư cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, mở mang ngành nghề. Hiện toàn huyện Tân Thạnh đã xây dựng, củng cố mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 300 tổ và duy trì công tác cho vay, thu nợ, lãi ở các Điểm giao dịch xã, kể cả những Điểm giao dịch ở cách xa thị trấn huyện, phải đi lại bằng ghe, thuyền 4 - 5 giờ mới đến nơi. Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Tân Thạnh đạt gần 200 tỷ đồng cho trên 19 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Theo đánh giá của lãnh đạo UBND huyện, nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH là mũi đột phá trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Một số mô hình sản xuất như Tổ hợp tác trồng khoai, chanh không hạt, lúa cao sản, may công nghiệp, đan lát, sửa chữa tàu thuyền… và nhiều người dân đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, thoát nghèo nhanh, ổn định cuộc sống. Điển hình như gia đình ông Võ Hồng Ngận ngụ ấp Kênh Nhà Thờ, xã Tân Lập vốn đã đông con, lại không có đất sản xuất nên quanh năm vợ chồng, con cái ông phải đi làm thuê. Năm 2012, ông Ngận được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi hộ nghèo để mua 1 cặp bò và làm chuồng trại. Ông Ngận phấn khởi cho biết: “Trước đây tôi cũng muốn chăn nuôi lắm nhưng ngặt một nỗi là không có tiền vốn. Nhờ ngân hàng giúp đỡ vay vốn nuôi bò vỗ béo nay đã thoát được nghèo. Để việc chăn nuôi hiệu quả, ngày ngày, vợ tôi lo việc cắt cỏ cho bò ăn, còn tôi theo kênh rạch bắt cua, cá, kiếm đủ tiền trang trải chi tiêu sinh hoạt gia đình và tích cóp để dành đóng lãi trả ngân hàng theo kỳ hạn. Vừa rồi, bán bớt bò, gia đình tôi hoàn trả vốn ngay, hiện vẫn tiếp tục nuôi 2 con bò nữa, cũng gần đến ngày xuất chuồng rồi. Đúng là nguồn vốn ưu đãi đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, gây dựng cuộc sống khấm khá hơn”.

Cùng chung hoàn cảnh như ông Ngận, giờ đây cuộc sống gia đình chị Huỳnh Thị Minh ở ấp Kênh Sáng, xã Tân Lập không còn phải chạy đôn, chạy đáo lo từng bữa ăn vào mùa lũ, mà đã từng bước đi lên. Chị Minh cho biết: “Bản thân tôi là người từ nơi khác đến Tân Lập lập nghiệp. Lúc đầu, cuộc sống nghèo khó vô cùng. Được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể, NHCSXH tôi được vay vốn để đầu tư làm 2ha lúa thơm cao sản. Cùng với việc vay vốn thuận lợi, tôi còn được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn áp dụng kỹ thuật canh tác, chăm sóc đồng ruộng nên 2ha lúa của gia đình đem lại năng suất cao. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, gia đình tôi thu lợi khoảng 50 - 60 triệu đồng. Nay tôi đã trả hết nợ vay cho ngân hàng và dành dụm làm nhà ở vượt lũ”.

Kế hoạch năm 2015, NHCSXH huyện Tân Thạnh tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu, kịp thời đưa vốn vay đến các hộ có nhu cầu không để nguồn vốn lãng phí, thực hiện phương án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn, lãi tồn đọng, kịp thời tham mưu để chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn triển khai các biện pháp hỗ trợ vốn vay làm ăn đạt hiệu quả kinh tế cao.

Bài và ảnh Chí Kiên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác