Lào Cai làm tốt công tác ủy thác
Trong thời gian qua, NHCSXH tỉnh Lào Cai đã luôn bám sát các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là Đề án giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn để lập kế hoạch nguồn vốn phục vụ nhu cầu đầu tư của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện, chi nhánh đang triển khai 11 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đến hết năm 2014 đạt trên 1.840 tỷ đồng với 74.260 hộ còn dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,15% tổng dư nợ của chi nhánh. Đến nay, toàn tỉnh có 2.204 Tổ tiết kiệm và vay vốn và 45 xã/164 xã không có nợ quá hạn. Công tác huy động vốn luôn được chi nhánh quan tâm, khuyến khích, đến hết năm 2014, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm đạt trên 26 tỷ đồng, bình quân 381 nghìn đồng/hộ.
Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi, NHCSXH tỉnh Lào Cai đã giúp trên 33 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn, 3.500 HSSV được vay vốn theo học tại các trường đại học, cao đẳng, giải quyết việc làm cho trên 18 nghìn lao động địa phương. Nguồn vốn tín dụng này đã tác động tích cực, thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, giúp các hộ dân thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.
Có thể nói, năm 2014 là một năm thắng lợi toàn diện của NHCSXH tỉnh Lào Cai. Đạt được kết quả trên trước tiên là nhờ làm tốt công tác ủy thác cho vay vốn chính sách qua các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Đến nay, dư nợ ủy thác đạt gần 1.840 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ chi nhánh. Trong đó, Hội Phụ nữ đang quản lý 502 tỷ đồng; Hội Nông dân 500 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên 440 tỷ đồng và Hội Cựu chiến binh là 396 tỷ đồng. Qua con số vừa nêu cho thấy các cấp hội, đoàn thể ở Lào Cai đã vào cuộc với NHCSXH khá đều tay.
Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú Lương Văn Thuận, là người có “thâm niên” hơn 10 năm làm Trưởng ban giảm nghèo của xã, chia sẻ kinh nghiệm: 10 năm qua, Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn đồng thuận trong cách làm là thông qua tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn làm cho dân rõ vay vốn NHCSXH không phải để ăn mà là để phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Trên cơ sở khảo sát thực tế, xã phân chia, giao trách nhiệm quản lý nguồn vốn của NHCSXH cho 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác. Đến cuối năm 2014, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã Gia Phú đạt 40 tỷ đồng, trong đó Hội Phụ nữ có dư nợ cao nhất 11,4 tỷ đồng, trong khi đó Đoàn Thanh niên dư nợ ít nhất cũng lên tới 8,8 tỷ đồng. Hàng tháng thông qua Điểm giao dịch, 4 tổ chức hội, đoàn thể, cùng Tổ tiết kiệm và vay vốn báo cáo chất lượng tín dụng, huy động tiết kiệm. “Thông qua NHCSXH chất lượng hoạt động của tổ chức hội, đoàn thể cũng được nâng lên”, ông Thuận khẳng định.
Năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của NHCSXH tỉnh Lào Cai tăng, nợ quá hạn giảm, ngoài việc làm tốt công tác ủy thác, đánh dấu bước tiến bộ tích cực của bà con dân tộc thiểu số trong việc sử dụng vốn vay có hiệu quả và trách nhiệm đối với ngân hàng. Hết rồi cái thời “cõng vốn” lên các huyện vùng cao, cán bộ tín dụng phải “cắm bản”, cùng Tổ phụ nữ, nông dân đến từng nhà vận động bà con vay vốn. Bây giờ, nói theo lời bà con người Mông ở huyện Si Ma Cai “vay vốn ngân hàng để 1 con trâu thành 2 con trâu”. Đối với trồng trọt, ngoài các cây trồng chính, được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông bà con đã biết phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo thành những vùng ngô, chuối, dứa, cây ăn quả, cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2015, NHCSXH tỉnh Lào Cai tiếp tục quyết tâm dành được thắng lợi “2 tăng”. Đó là, tăng trưởng dư nợ tín dụng và tăng chất lượng tín dụng, góp phần tích cực xóa nghèo, giữ vững an sinh xã hội ở vùng biên cương.
Hồ Khánh Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Họat động tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Hải Dương năm 2014 đạt kết quả nổi bật, toàn diện
- » Thoát nghèo nhờ tác động kép từ nội và ngoại lực
- » Hiệu quả vốn vay ưu đãi ở vùng Đồng Tháp Mười
- » Hội nghị giao ban công tác ủy thác năm 2014
- » Góp sức tạo bước đột phá về an sinh xã hội
- » Thung lũng Lạc Xuân trên cao nguyên vào xuân sớm
- » Niềm vui trước Tết ở một làng nghề
- » Sóc Trăng với nguồn vốn ưu đãi
- » Đồng vốn sinh sôi
- » Yên Thái với mô hình “xã điểm về tín dụng chính sách”