Một năm mã đáo thành công
Những con số vàng
Năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn những hạn chế, khó khăn đã ảnh hưởng tới đời sống của dân cư, nhất là người nghèo, đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Hệ thống ngân hàng của cả nước đang trong quá trình tái cơ cấu, việc huy động vốn và cho vay gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, NHCSXH đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Chính phủ giao, góp phần tích cực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Tổng nguồn vốn của NHCSXH tính đến 31/12/2014 đạt 136.750 tỷ đồng, tăng 7.540 tỷ đồng (tăng 5,8%) so với 31/12/2013. Trong tổng nguồn vốn, điểm rất đáng mừng là bản thân hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã có ý thức tích lũy, gửi tiết kiệm vào NHCSXH với tổng số tiền 3.400 tỷ đồng.
Tổng dư nợ tính đến 31/12/2014 đạt 129.456 tỷ đồng, tăng 7.757 tỷ đồng (tăng 6,4%) so với cùng kỳ 2013, với trên 6.893 nghìn khách hàng còn dư nợ; trong đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng theo chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao là 7.121 tỷ đồng (tăng 6,5%), hoàn thành 100% kế hoạch.
Doanh số cho vay năm 2014 đạt 39.654 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013, tạo điều kiện cho hơn 2,1 triệu lượt khách hàng được vay vốn, góp phần giúp trên 400 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút tạo việc làm mới cho trên 162 nghìn lao động, trên 660 nghìn lượt HSSV được vay vốn đi học; xây dựng trên 1.140 nghìn công trình cung cấp NS&VSMTNT, trên 8.000 căn nhà vượt lũ… góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước xuống dưới 6%.
Hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách góp phần quan trọng vào giảm hộ nghèo chung của cả nước, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 6%, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm bình quân 5%/năm, từ 38,20% (2013) xuống còn 33,20% (2014).
Chất lượng tín dụng ưu tiên hàng đầu
Năm 2014, công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tiếp tục được tập trung chỉ đạo trong toàn hệ thống. NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chỉ đạo quyết liệt việc xử lý nợ đến hạn, phân tích nguyên nhân nợ quá hạn phát sinh, từ đó có các giải pháp xử lý phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Đến nay, toàn hệ thống không còn đơn vị nào có nợ quá hạn trên 2%, toàn bộ các chi nhánh vùng Tây Nam bộ và các chi nhánh có chất lượng hoạt động thấp đã thực hiện cơ bản các chỉ tiêu trong Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Nợ xấu, nợ quá hạn ở Tây Nam bộ trước đây cao nhất trong cả nước, nhưng sau 3 năm (2012 - 2014) quyết liệt thực hiện Đề án, đến 31/12/2014 tổng nợ quá hạn trong vùng đã giảm xuống còn 0,71%, giảm 3,4% so với thời điểm thực hiện Đề án. Trong tổng dư nợ 129.456 tỷ đồng của NHCSXH, nợ quá hạn chiếm 0,41%, nợ khoanh chiếm 0,47%. Hiện nay, cả nước có 15% số xã không có nợ quá hạn, nhiều huyện không có nợ quá hạn, nhiều tỉnh nợ quá hạn bằng 0,01%. Chỉ tiêu nợ quá hạn thấp phản ánh hiệu quả sử dụng và ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người dân. Đồng thời, phản ánh trình độ quản lý, sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với các tổ chức hội, đoàn thể nhận dịch vụ ủy thác trong việc kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng.
Một điểm nổi bật khác ảnh hưởng tích cực đến chất lượng tín dụng đó là NHCSXH đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ các đối tượng chính sách. Kiên trì, kiên quyết thiết lập kỷ cương nhằm duy trì đều đặn hoạt động giao dịch tại trên 10.900 Điểm giao dịch xã. Năm 2014, NHCSXH đã tổ chức hơn 160 nghìn phiên giao dịch, phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ngay tại địa bàn họ sinh sống. Hoạt động giao dịch xã đảm bảo chính xác, an toàn, thuận lợi cho dân. Đặc biệt, năm 2014, NHCSXH đã triển khai thành công Dự án hiện đại hóa tin học, đưa ứng dụng công nghệ mới phục vụ các hoạt động nghiệp vụ tại Điểm giao dịch xã đạt chuẩn như giao dịch tại trụ sở NHCSXH. Đây là bước tiến lớn, thể hiện chất lượng phục vụ của NHCSXH đối với người dân ngày một hoàn thiện, nâng cao theo hướng hiện đại.
Hiệu ứng tích cực
Tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện trong những năm qua đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư TW Đảng đánh giá là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng và hiệu quả trong thực hiện chủ trương, chính sách và các mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
Thông qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng kết luận: Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một phần vốn cho hộ nghèo, đã tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những “điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo.
Để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ngày 22/11/2014, Ban Bí thư TW Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW chỉ đạo các Bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tiếp tục tập trung thực hiện tốt hơn tín dụng chính sách xã hội cho mục tiêu giảm nghèo, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế của đất nước.
Phía trước 2015
Năm 2015, hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi toàn hệ thống tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, khắc phục triệt để những tồn tại, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành ở TW, cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 2015, nhiệm vụ hàng đầu của NHCSXH là thực hiện tốt chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao 7.600 tỷ đồng, trong đó tập trung cho các khu vực còn nhiều khó khăn, như: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; tập trung các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng khó khăn… và một số chương trình chỉ định của Chính phủ. Tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng tín dụng với mục tiêu giảm nợ xấu còn dưới 0,5%. Đồng thời, tổ chức tốt việc thu hồi nợ để quay vòng vốn, phục vụ kịp thời nhu cầu vốn của người dân; quan tâm xử lý kịp thời nợ bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh…
Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh, các đơn vị trong toàn hệ thống tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để thực hiện cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Chủ động trong công tác huy động, khai thác các nguồn vốn nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình hoạt động của NHCSXH.
Trần Tự Nhiên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn chính sách - động lực giúp người dân Kỳ Sơn thoát nghèo bền vững
- » “Cú hích” để người nghèo Tây Ninh vươn lên làm giàu
- » Quy định về nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo miền Trung xây nhà tránh bão
- » Bạn đồng hành vượt nghèo ở Côn Đảo
- » Miền ngựa thần ải Y Tý
- » Làm giàu từ vốn vay ưu đãi
- » Lào Cai làm tốt công tác ủy thác
- » Họat động tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Hải Dương năm 2014 đạt kết quả nổi bật, toàn diện
- » Thoát nghèo nhờ tác động kép từ nội và ngoại lực
- » Hiệu quả vốn vay ưu đãi ở vùng Đồng Tháp Mười