Vốn chính sách - động lực giúp người dân Kỳ Sơn thoát nghèo bền vững

12/02/2015
(VBSP News) Được hỗ trợ bởi nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH, những năm qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) đã có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn. Vốn tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả và không thể thiếu đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Gia đình anh Nguyễn Văn Cương ở xóm Nội, xã Độc Lập được vay vốn ưu đãi làm nhà, từng bước ổn định cuộc sống

Gia đình anh Nguyễn Văn Cương ở xóm Nội, xã Độc Lập được vay vốn ưu đãi làm nhà, từng bước ổn định cuộc sống

Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán này, trời lất phất mưa, theo chân cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Kỳ Sơn, chúng tôi lên xã vùng cao Độc Lập đúng ngày giao dịch của ngân hàng. Không khí khẩn trương, sôi động diễn ra tại Điểm giao dịch xã làm cho thời tiết bớt lạnh hơn. Các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn lo việc nộp lãi cho các tổ viên. Phiên giao dịch đầu năm mới diễn ra suôn sẻ với tỷ lệ thu lãi đạt trên 90%. Sau phần giao dịch, cán bộ NHCSXH cùng với lãnh đạo xã và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức họp giao ban định kỳ đánh giá lại những kết quả đã đạt được trong năm và đề ra những giải pháp hoạt động hiệu quả cho năm tới.

Những năm qua, NHCSXH huyện Kỳ Sơn luôn quan tâm ưu tiên, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn xã vùng cao Độc Lập vay vốn, xem đây là đòn bẩy giảm nghèo, nâng cao cuộc sống người dân. Đưa chúng tôi thăm rừng keo 2 năm tuổi đang lên xanh của gia đình, chị Trần Thị Nguyệt cho biết, gia đình chị là hộ cận nghèo của xóm Can 2, cuộc sống trông chờ vào hơn 1.000m2 ruộng và chăn nuôi lợn nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Thấy trong xóm có nhiều gia đình khấm khá từ trồng rừng nên vợ chồng chị đã bàn nhau học hỏi kinh nghiệm từ họ và vay mượn đầu tư trồng 2ha keo. Năm 2014, gia đình chị được vay 25 triệu đồng vốn ưu đãi để đầu tư chăm sóc và thuê người phát cỏ. Nhìn rừng keo phát triển tốt, chị Nguyệt hy vọng sau 3 - 4 năm nữa sẽ cho thu hoạch và có tiền trả nợ ngân hàng.

Chị Đỗ Thị Hoa - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Can 2, cho biết: Tổ có 22 thành viên được thụ hưởng 5 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ trên 300 triệu đồng, trong đó chương trình tín dụng hộ cận nghèo có 4 hộ vay với dư nợ 103 triệu đồng, hộ nghèo có 7 hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất với dư nợ 122 triệu đồng. Nhìn chung các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả thực hiện trả lãi đúng hạn.

Cùng với cán bộ tín dụng, chúng tôi đến hộ anh Nguyễn Văn Cương ở xóm Nội. Đây là hộ nghèo của xã, cả 2 vợ chồng đều không có việc làm ổn định nên cuộc sống hết sức khó khăn. Năm 2012, gia đình anh được vay 8 triệu đồng từ chương trình làm nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ cùng với sự giúp đỡ của anh em bạn bè đã làm được ngôi nhà với diện tích 45m2. Có nhà ở ổn định cuộc sống là động lực cho vợ chồng anh chăm chỉ làm ăn. Năm 2014, gia đình anh được vay thêm 20 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo đầu tư trồng rừng keo với diện tích 2ha. Vợ chồng anh tin tưởng sẽ thoát nghèo trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Minh Dịn, cán bộ chuyên trách Ban giảm nghèo xã: Độc Lập là xã khó khăn của huyện, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã cao, chiếm trên 50%. Thời gian qua, nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần quan trọng trong giảm nghèo ở địa phương, giúp người dân ổn định cuộc sống. Hiện, xã có 9 Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện 8 chương trình tín dụng ưu đãi với 379 hộ còn dư nợ, tổng dư nợ toàn xã đạt trên 10 tỷ đồng. Hàng năm, chính quyền xã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể rà soát các hộ nằm trong diện được vay để lập danh sách đề nghị NHCSXH huyện cho vay. Việc bình duyệt các hộ đủ tiêu chuẩn vay vốn được công khai, minh bạch, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong từng tổ, cũng như tăng cường trách nhiệm giữa các thành viên.

Trong hoạt động ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay. Tổ trưởng cùng các thành viên đều có trách nhiệm theo dõi, giám sát các thành viên khác trong việc sử dụng vốn. Trước ngày đến hạn, cán bộ tổ đến từng hộ đôn đốc nhắc nhở, nắm bắt tình hình. Nếu có khó khăn đột xuất không trả đúng hạn sẽ cùng phối hợp với ngân hàng có biện pháp giúp đỡ, giải quyết kịp thời. Các tổ còn tư vấn, hướng dẫn các hộ gia đình cách làm ăn hiệu quả.

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn chính sách, Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Sơn Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết: 12 năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã gp gần 3.000 lượt hộ trên địa bàn thoát nghèo; 1.784 hộ gia đình tại vùng khó khăn có vốn sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống; 1.523 HSSV có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập; xây dựng được 3.366 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường… Các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện Kỳ Sơn đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt trên 28 triệu đồng/người năm 2014 và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 10,39% (2003) xuống còn 5,62% (2014); góp phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn. Thông qua nguồn vốn ưu đãi có nhiều hộ nghèo đ­ược vay vốn của NHCSXH, cùng với sự nỗ lực của bản thân đang từng bư­ớc v­ượt qua khó khăn, thiếu thốn, phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống.

Bài và ảnh Đinh Thắng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác