Mùa xuân về mang theo niềm vui mới
Bức tranh chung
Về huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vào những ngày đất nước sang xuân, cái rét lạnh buốt hòa trong nắng ngọt đổ dài tít tắp trên những vườn cây xanh mướt, đàn trâu, bò, dê của bà con dân bản đang ung dung gặm cỏ non trong cảnh sắc thật bình yên. Có thể nói, Minh Hóa là một huyện miền núi nghèo nhất nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Bình. Toàn huyện hiện có 16 xã, thị trấn có chi hội phụ nữ, cùng 2 chi hội phụ nữ thuộc Công an, nữ công Liên đoàn lao động huyện với gần 11 nghìn chị em phụ nữ. Do đặc điểm vùng miền, đời sống chị em tuy đã được cải thiện đáng kể nhưng nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí vẫn ở mức thấp, phong tục tập quán một số nơi còn lạc hậu, văn hóa, xã hội chậm đổi mới, dẫn đến nhận thức phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo gặp không ít khó khăn. Để nâng cao nhận thức, phát triển, tiến bộ, bình đẳng cho phụ nữ, trong những năm qua Hội Phụ nữ huyện Minh Hóa đã tập trung triển khai nhiều phong trào, chương trình thiết thực hỗ trợ phụ nữ nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
Theo chị Đinh Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Minh Hóa: Hàng năm, Hội Phụ nữ huyện thông qua sinh hoạt của các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đã kịp thời nắm bắt hoàn cảnh, điều kiện của các thành viên để có kế hoạch động viên, hỗ trợ, giúp đỡ chị em hoàn trả vốn, lãi đúng thời hạn. Chính vì thế mà chất lượng hoạt động của tổ ngày càng được nâng lên. Ngoài ra, công tác bình xét cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được bình chọn một cách dân chủ, công khai, đưa vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Sức xuân lan tỏa
Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác mà các cấp Hội Phụ nữ huyện Minh Hóa quản lý đạt 114.850 triệu đồng với hơn 8.116 lượt hộ vay. Trong đó nợ quá hạn là 348 triệu đồng/43 hộ. Nguyên nhân chủ yếu do một số hộ quá nghèo, ốm đau đột xuất, vợ chồng ly hôn và một số hộ đi khỏi địa bàn không rõ địa chỉ… Để hạn chế nợ quá hạn các chị Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn theo dõi chặt chẽ, sát sao tình hình, hoàn cảnh của các hộ để có giải pháp giúp đỡ lẫn nhau trong hoàn trả gốc, lãi đúng hạn vì vậy doanh số thu nợ, thu lãi đạt khá cao, không có trường hợp thất thoát hoặc xâm tiêu vốn xảy ra.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi được nhiều chị em phụ nữ vùng cao đã phát huy được đồng vốn, tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp cho gia đình mình, đưa kinh tế gia đình từ nghèo lên thoát nghèo, từ ổn định lên phát triển làm giàu.
Tâm sự với chúng tôi, chị Đinh Thị Quế ở xã Xuân Hóa cho biết: “Ban đầu khi chưa có nguồn vốn vay ưu đãi, điều kiện kinh tế gia đình tôi khá chật vật, năm hết tết đến cứ lo ngay ngáy, từ lúc được vay nguồn vốn ưu đãi gia đình tôi đã đầu tư nuôi lợn nái và lợn thịt. Số lượng con giống được tăng lên qua các năm, đến nay gia đình tôi thu nhập mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí cũng lãi ròng được 200 triệu đồng.
Hay gia đình chị Đinh Thị Thanh Ngân ở xã Hóa Hợp cũng nhờ chăm chỉ vay vốn phát triển chăn nuôi mà hàng năm thu nhập của gia đình chị lãi ròng từ 80 - 100 triệu đồng. Có được nguồn thu nhập kinh tế ổn định, gia đình chị mua sắm được nhiều tiện nghi cần thiết trong gia đình. Con cái có một cái tết ấm cúng và đầy đủ hơn.
Cùng địa chỉ với chị Ngân, có chị Đinh Thị Chiến nhờ sự giúp đỡ của cán bộ ngân hàng, sự hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi của cán bộ huyện, xã, chị đã mạnh dạn vay vốn làm ăn. Mảnh đất khô cằn nơi chị sinh sống chỉ phù hợp với chăn nuôi nên việc đầu tư của gia đình chị khá hiệu quả. Mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình chị cũng thu nhập được gần 100 triệu đồng. Tiền lãi thu được từ bán gia súc, gia cầm tập trung chủ yếu vào những ngày cuối năm, vì thế gia đình chị có điều kiện tiết kiệm, sắm sửa cho một cái tết vui vẻ và nhiều ý nghĩa.
Ngoài những tấm gương điển hình về phụ nữ vùng cao làm kinh tế giỏi, ngày nay chị em phụ nữ vùng cao Minh Hóa đã dần chuyển đổi trong nhận thức, nếp nghĩ… mạnh dạn hơn trong bình đẳng giới để làm chủ cuộc sống gia đình, cùng chồng gánh vác phát triển kinh tế, tham gia nhiều hoạt động xã hội, hoạt động đoàn thể một cách năng động. Với phương châm: “Về tận nơi - đi tận ngõ - đến tận nhà”, đồng vốn của NHCSXH đã đến thẳng, đến trực tiếp với bà con vùng cao, giúp họ nắm bắt được cơ chế, chính sách, hướng đi mới để phát triển làm giàu cho chính mình và cho chính quê hương. Đặc biệt, nhờ biết phát huy đồng vốn ưu đãi các chị đã góp phần làm giảm tỷ lệ nghèo của huyện giảm xuống một cách đáng kể. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn gần 29%, giảm 7,3% so với năm 2013. Thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 9 triệu đồng. Giá trị sản xuất tăng 6,1%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 15,2%…
Có thể thấy rằng, nhịp cầu dẫn vốn ưu đãi đã nối những bờ vui cho nhà nhà vùng cao đầy ắp tiếng cười, rộn ràng tiếng giã gạo… Xuân về họ đang chuẩn bị đón một năm mới đầy phấn khởi, tươi vui. Cảm ơn Nhà nước, cảm ơn những cán bộ ngân hàng đã ngày ngày chuyển tải những đồng vốn ý nghĩa đến với bà con nghèo nơi đây, một năm mới đã gõ cửa hy vọng một năm suôn sẻ trong sản xuất mùa màng, cho nhà cửa yên ấm, cho vận may lan tỏa khắp muôn nhà.
Bài và ảnh Hiền Phương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Làng biển Cồn Thoi xuân này vui hơn
- » Ngỡ ngàng Y Tý vào xuân
- » Tản mạn mùa xuân
- » Ngày hẹn của ngân hàng với người nghèo
- » Tản mạn về Tết Nguyên đán
- » Người nghèo ở Hà Tĩnh có chòi tránh lũ đón Tết
- » Hà Giang: Trăn trở tín dụng giảm nghèo
- » Nâng mức cho vay, giảm lãi suất: Người nghèo thêm phần phấn khởi
- » Điểm sáng* chính sách tín dụng giảm nghèo
- » Tín dụng chính sách xã hội - Một trong những trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo