Thêm nguồn lực giảm nghèo bền vững
Là tỉnh trung du miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung cao hơn cả nước, trong những năm qua, Phú Thọ đã triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo với nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, tích cực, tuy nhiên kết quả đạt được không như mong muốn. Kết quả điều tra cho thấy, đến hết năm 2013 toàn tỉnh còn 46.916 hộ nghèo, chiếm 12,52% tổng số hộ trong cả tỉnh, tuy giảm 1,6% so với năm 2012 nhưng vẫn không đạt mục tiêu giảm 3% trong năm 2013; hộ cận nghèo là 43.779 hộ, chiếm 11,68% và tăng 0,36% so với năm 2012. Trong đó, số hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh là 8.844 hộ. Nhiều huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm rất thấp như Thanh Ba giảm 0,49%, Phù Ninh giảm 0,39%, Đoan Hùng giảm 0,59% và TX. Phú Thọ giảm 0,58%… Đây chính là khó khăn, thách thức trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Thọ và là nhiệm vụ nặng nề đối với công tác giảm nghèo bền vững. Trong điều kiện khó khăn, tận dụng mọi nguồn lực không chỉ là giải pháp mà còn là cơ hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế. Sau khi chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ cận nghèo vay có hiệu lực, đến nay, toàn tỉnh đã giải ngân 226 tỷ đồng cho 8.798 lượt hộ vay. Tuy mới được đưa vào sử dụng nhưng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã nhanh chóng phát huy hiệu quả.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khá khang trang, anh Hà Văn Trường ở khu Dặt, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, không giấu được vẻ hồ hởi: “Cơ ngơi của tôi có được ngày hôm nay, phần lớn cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ. Đúng là anh Trường đã không nói quá về vai trò của đồng vốn chính sách trong hoạt động kinh tế của gia đình”. Sinh năm 1973, gắn bó với ruộng vườn từ nhỏ vậy mà ngoài “tam thập” anh vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Hai vợ chồng suốt ngày quần quật với 4 sào ruộng, 3 sào vườn nhưng cũng chỉ đủ nuôi ăn cho 4 khẩu trong nhà. Năm 2009, anh Trường được giải quyết cho vay 10 triệu đồng vốn hộ nghèo từ NHCSXH huyện, lại được Ban giảm nghèo của xã tư vấn đầu tư cho nuôi lợn, thả cá giúp anh dần biết cách định hướng làm ăn. Năm 2013, gia đình anh thoát khỏi diện hộ nghèo nhưng vẫn nằm trong đối tượng là hộ cận nghèo của khu cũng là lúc đến hạn phải hoàn trả toàn bộ số vốn vay. Đang lo lắng không biết “xoay” ở đâu thì Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng hộ cận nghèo ra đời và có hiệu lực đã giúp anh tiếp tục được vay 25 triệu đồng để đầu tư mua bò, nuôi gà và thả cá. Số vốn vay vẫn chưa thấm gì so với nhu cầu của anh Trường trên thực tế. Ngoài con bò mẹ, đàn gà nuôi gối, máy xay xát, anh Trường vẫn còn hẳn 1 mẫu ao cần được đầu tư. Nghe cán bộ khu nói có chủ trương nâng mức vay tối đa lên 50 triệu đồng/món vay, anh Trường lại phấn khởi hy vọng chờ ngày được bổ sung vốn vay mới. Cũng như anh Trường, hộ chị Nguyễn Thị Liên ở khu 5 xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao cũng thuộc diện hộ cận nghèo có khả năng lao động nhưng thiếu vốn làm ăn. Với 6 khẩu, gia đình chị Liên chỉ có 5 sào ruộng, trong đó có 2 lao động chính. Từ trước năm 2010, thấy bà con trong khu đầu tư làm ngô đông giống cho lợi nhuận cao, vợ chồng chị cũng muốn làm thử nhưng ngặt không có vốn nên chỉ dám làm 2 sào. Chị Liên kể: “Làm ngô giống cho lợi nhuận tối thiểu cũng gấp đôi nhưng lại đầu tư tiền của và công sức đỡ vất vả hơn. Gia đình tôi có bố mẹ già đau ốm thường xuyên, lại nuôi hai cháu đang ăn học rất tốn kém nên tiền của làm ra chỉ để lo cho cha mẹ, con cái cũng đã cạn chả có đâu mà đầu tư cho ruộng vườn. Suốt mấy năm qua chúng tôi chỉ dám làm 1 - 2 sào ngô giống cũng vì thế”. Đang trăn trở vì thiếu vốn thì cuối năm 2013, chị Liên được vay 25 triệu đồng hộ cận nghèo. Cũng đúng thời điểm được người bà con cho mượn thêm 2 sào ruộng thế là ngay vụ đông năm ấy chị Liên đã mở rộng diện tích làm ngô đông giống của mình lên 4 sào. Vụ đông năm 2014, chị tiếp tục làm thêm 1 sào nữa, vậy là chị có 5 sào ngô giống và 1 sào rau các loại. Có được vốn vay không chỉ giúp chị Liên đầu tư tốt hơn cho việc chăm sóc cây trồng mà chị còn có cơ hội thử nghiệm những giống cây cho giá trị kinh tế cao hơn.
Dù triển khai mới được hơn 1 năm, nhưng chương trình tín dụng hộ cận nghèo đã khẳng định tính hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Sơn, cho biết: Tín dụng hộ cận nghèo vừa khả thi và hiệu quả là vì phần lớn các đối tượng hộ cận nghèo đều có khả năng sử dụng vốn hiệu quả hơn hẳn đối tượng hộ nghèo. Các hộ cận nghèo chủ yếu là do thiếu vốn nên khi được vay vốn ưu đãi họ thường sử dụng rất hiệu quả. Chính vì thế mà bình quân món vay của hộ nghèo có thể chỉ đạt mức gần 17 triệu đồng/món nhưng bình quân cho vay hộ cận nghèo mới được triển khai cũng đã đạt 25,5 triệu đồng/món vay. Trước tháng 5/2014, áp dụng mức vay tối đa cho cả đối tượng hộ nghèo và hộ cận nghèo đều là 30 triệu đồng, trong khi rất hiếm hộ nghèo ở các địa phương được vay hết mức theo quy định thì hầu hết các món vay của hộ cận nghèo dù vừa được triển khai đã giải quyết cho vay ngay mức 30 triệu đồng. Nếu thực hiện hạn mức vay tối đa mới được quy định từ tháng 5/2014 là 50 triệu đồng/món vay thì rõ ràng cơ hội thoát nghèo bền vững của những hộ như anh Trường, chị Liên và nhiều hộ cận nghèo khác là khả thi hơn rất nhiều.
Không thể phủ nhận tính ưu việt và hiệu quả của chương trình cho vay hộ cận nghèo, tuy nhiên để tận dụng tốt hơn nguồn lực này cho giảm nghèo bền vững không phải đơn giản. Khó khăn nhất hiện nay của chương trình chính là nguồn vốn. Doanh số cho vay hộ cận nghèo từ tháng 4/2013 đến hết năm 2014 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là 226 tỷ đồng với 8.798 lượt hộ được vay vốn. Như vậy, đến nay mới có khoảng 18,7% tổng số hộ cận nghèo năm 2013 của tỉnh được sử dụng nguồn vốn ưu đãi này, trong khi thực tế nhu cầu vay vốn của bà con lớn hơn rất nhiều. Cũng bởi lý do thiếu vốn nên việc áp dụng những chính sách mới của Chính phủ không dễ được thực hiện. Để có vốn cho bà con vay mức 30 triệu đồng đến nay còn khó khăn chứ chưa nói đến mức vay 50 triệu đồng. Sau khi quy định nâng mức vay tối đa có hiệu lực từ ngày 01/5 vừa qua, mặc dù nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo trong tỉnh cũng đã được bổ sung nhưng đến nay số món vay 40 - 50 triệu đồng trên toàn tỉnh mới chỉ tính được trên đầu ngón tay.
Một khó khăn khác của việc cho vay hộ cận nghèo là chưa cập nhật kịp thời số đối tượng được hưởng lợi. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Đức, TP. Việt Trì, chia sẻ: Việc cho vay vốn hộ nghèo và hộ cận nghèo phải dựa vào danh sách bình xét hàng năm của địa phương. Tuy nhiên, nông dân sống phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu thiên tai hoặc dịch bệnh xảy ra số hộ trung bình thậm chí là khá giả rơi vào cảnh trắng tay là khá phổ biến. Nếu các địa phương bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo thì các hộ dân này mới có điều kiện được vay vốn ưu đãi còn không thì họ không thể tiếp cận nguồn vốn này.
Để tận dụng tốt nhất nguồn vốn vay của hộ cận nghèo cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngoài việc các hộ thụ hưởng chủ động vượt khó vươn lên, cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ hỗ trợ tập huấn chuyển giao KHKT; áp dụng mô hình làm ăn hiệu quả, cần phải tranh thủ tối đa nguồn vốn cấp từ Trung ương thì các địa phương cũng phải nêu cao tính chủ động, thường xuyên tích cực rà soát số đối tượng phát sinh, đối tượng khó khăn tạm thời bổ sung đưa vào danh sách để NHCSXH làm căn cứ cho vay.
Bài và ảnh Kim Thư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Mùa xuân về mang theo niềm vui mới
- » Xuân về trên rẻo cao Chiềng Sơn
- » Làng biển Cồn Thoi xuân này vui hơn
- » Ngỡ ngàng Y Tý vào xuân
- » Tản mạn mùa xuân
- » Ngày hẹn của ngân hàng với người nghèo
- » Tản mạn về Tết Nguyên đán
- » Người nghèo ở Hà Tĩnh có chòi tránh lũ đón Tết
- » Hà Giang: Trăn trở tín dụng giảm nghèo
- » Nâng mức cho vay, giảm lãi suất: Người nghèo thêm phần phấn khởi