Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở xã vùng cao
Thanh Lương là xã thuần nông. Đất sản xuất nông nghiệp bình quân chỉ có 0,26ha/hộ. Xã có trên 800 hộ, 3.000 nhân khẩu, 7 thôn, bản thì 7/7 thôn thuộc diện khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 42,8%. Nông thôn và nông dân ở Thanh Lương đều cần vốn đầu tư phát triển kinh tế, nhất là vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Tuy nhiên, trước năm 2014, các chương trình tín dụng chính sách được triển khai trên địa bàn xã còn có một số tồn tại, một bộ phận người dân chưa được tiếp cận vốn, trong khi dư nợ đang lưu hành phát sinh nợ quá hạn cao, tỷ lệ chiếm 2,03%, tỷ lệ thu lãi không đạt kế hoạch đề ra…
Giám đốc NHCSXH huyện Văn Chấn Trần Quang Sơn, đánh giá: “Tình hình ở Thanh Lương cũng là tình hình chung ở các xã vùng Mường Lò và các xã vùng ngoài của Văn Chấn. Cần có những giải pháp đồng bộ hơn để cải thiện căn bản chất lượng tín dụng chính sách, góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình thoát nghèo của các đối tượng thụ hưởng nguồn vốn ở khu vực nông thôn”.
Từ tháng 4 năm 2014, NHCSXH huyện Văn Chấn đã tập trung triển khai các giải pháp thực hiện thí điểm tín dụng chính sách ở xã Thanh Lương; Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã chủ động phối hợp với UBND xã tổ chức các buổi họp chuyên đề với các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn để đánh giá, phân tích thực trạng chất lượng tín dụng tại từng thôn, bản theo các tiêu chí cụ thể. Qua đó, xây dựng kế hoạch và thống nhất các giải pháp chỉ đạo thực hiện việc củng cố chất lượng tín dụng. Ngòai công tác tuyên truyền đến từng người dân, Chủ tịch UBND xã còn giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Trưởng thôn.
Với sự thống nhất, tập trung, quyết tâm cao và đồng bộ, qua các đợt tuyên truyền tại thôn, bản từ tháng 6 - 9/2014, tỷ lệ tổ viên đến sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn vào ngày cố định đã tăng lên 85%; tỷ lệ người nộp lãi tiền vay, gửi tiết kiệm đạt 100%.
Ông Đinh Văn Sáu là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đồng Lơi, xã Thanh Lương, cho biết: “Nhận thức của người dân, nhất là tổ viên đã nâng cao hơn trước, anh chị em đã tham gia đầy đủ, tích cực các buổi sinh hoạt để nâng cao nhận thức, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, góp ý, chấp hành tốt các quy định về trả nợ gốc, trả lãi vay, gửi tiết kiệm”.
Qua nửa năm triển khai mô hình xã điểm tín dụng chính sách, chất lượng tín dụng đã được nâng lên, tổng dư nợ tại xã đến cuối năm 2014 đạt trên 11 tỷ đồng, tăng 1,790 tỷ đồng, bằng 118,9% so với đầu năm, với 9 chương trình tín dụng đang được triển khai, không có nợ quá hạn, tỷ lệ thu lãi đạt 100%, không có nợ quá hạn phát sinh.
Bà Đinh Thị Liễu - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Lý, xã Thanh Lương khẳng định: “Sau nửa năm thực hiện thí điểm mô hình tín dụng chính sách, Tổ tiết kiệm và vay vốn với 43 tổ viên đã có dư nợ 886 triệu đồng. Các hộ được vay vốn đều mua trâu bò sinh sản, phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng công trình NS&VSMTNT. Nhờ nguồn vốn vay này, năm 2014 xã chúng tôi đã có 54 hộ thoát nghèo”.
Kinh nghiệm rút ra từ mô hình xã điểm tín dụng chính sách ở xã Thanh Lương là phải phối hợp thường xuyên, hiệu quả với UBND xã, các tổ chức hội, đoàn thể các cấp, nhất là trong tuyên truyền nâng cao năng lực của Tổ tiết kiệm và vay vốn, ý thức trách nhiệm của người vay, duy trì thực hiện nghiêm túc việc sinh hoạt tổ định kỳ gắn với thu lãi, thu tiết kiệm; thực hiện tốt việc công khai hóa, xã hội hóa trong hoạt động của ngân hàng để phát huy sức mạnh tổng hợp trong quản lý vốn tín dụng ưu đãi; thực hiện tốt việc xây dựng xã điểm tín dụng chính sách từ phân tích, đánh giá thực trạng đến triển khai, kiểm tra, giám sát.
Bài và ảnh Quốc Khánh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đồng hành cùng hộ nghèo
- » Phụ nữ Tam Quan Nam quản lý vốn tốt nguồn vốn vay
- » Vốn ưu đãi tiếp sức hộ nghèo
- » Hướng đến sự phát triển bền vững
- » Chuyện của những người “thành công”
- » Tạo cơ hội cho sinh viên vay vốn học tập
- » Tiếp sức cho những ước mơ
- » Thêm nguồn lực giảm nghèo bền vững
- » Mùa xuân về mang theo niềm vui mới
- » Xuân về trên rẻo cao Chiềng Sơn