Điểm sáng vùng Tây Bắc

14/07/2015
(VBSP News) Là huyện vùng cao nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lào Cai, và là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, nhưng nhờ nguồn vốn ưu đãi mà nhiều hộ nghèo của huyện Bắc Hà đã thay đổi cuộc sống, từng bước thoát nghèo, góp phần hoàn thiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo chung của huyện.
Người dân Bắc Hà phát triển kinh tế hộ gia đình từ vốn vay ưu đãi

Người dân Bắc Hà phát triển kinh tế hộ gia đình từ vốn vay ưu đãi

Những bông hoa tươi thắm

Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ (sinh năm 1992), nhưng chị Sùng Thị Dũng, dân tộc Mông ở thôn Bản Dù, xã Bảo Nhai đã được chị em phụ nữ trong thôn tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng hội phụ nữ thôn Bản Dù từ năm 2010, khi mới 18 tuổi.

Với đặc thù là thôn vùng cao còn nhiều khó khăn của xã Bảo Nhai, toàn thôn có 62 hộ dân với 335 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông sinh sống, trình độ nhận thức của một số chị em còn hạn chế, tình trạng sinh con thứ 3, tảo hôn vẫn diễn ra khiến đời sống của chị em gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê năm 2011, toàn thôn có 49 hộ nghèo, chiếm 80,3%; chị em phụ nữ chủ yếu sống dựa vào nghề nông, trồng ngô, lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư sản xuất, kinh nghiệm làm ăn, đường sá đi lại khó khăn. Từ thực tế đó, sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, chi hội trưởng hội phụ nữ Sùng Thị Dũng nhận ra rằng, muốn phụ nữ trong thôn bớt khó khăn, có điều kiện phát triển kinh tế, thoát đói nghèo, trước hết cần thay đổi nhận thức của chị em trong việc cưới xin, sinh đẻ có kế hoạch và đưa các phương thức sản xuất mới áp dụng vào thực tế thay cho sản xuất lạc hậu trước đây. Muốn chị em phụ nữ tin thì trước hết bản thân mình, gia đình mình cần phải đi đầu, gương mẫu làm trước, có thế chị em mới học, làm theo.

Nghĩ là làm, chị mạnh dạn vay vốn đầu tư vào phát triển chăn nuôi dê, trồng các loại giống lúa, ngô mới cho năng suất cao. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn với sự chịu thương chịu khó, cần cù lao động, gia đình chị đã bớt khó khăn hơn. Chị đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của thôn từ năm 2013. Trong các hoạt động của xã, chị luôn tình nguyện, đi đầu tại các buổi tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua do huyện, xã phát động. Từ đó chị được chị em tin tưởng và làm theo.

Không chỉ có chị em phụ nữ ở xã Bảo Nhai, toàn huyện Bắc Hà hiện có 2.492 hội viên phụ nữ đang vay vốn phát triển kinh tế của NHCSXH thông qua ủy thác bởi các cấp Hội Phụ nữ với tổng dư nợ là 80 tỷ đồng. Ngoài ra, 14/14 cơ sở hội đã vận động 24.315 hội viên phụ nữ tham gia tiết kiệm trên 20 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 452 hội viên được vay vốn để phát triển kinh tế. Các cấp Hội Phụ nữ đã tiến hành rà soát danh sách những hộ nghèo, hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ để có kế hoạch giúp đỡ bằng các biện pháp thiết thực.

Song song với việc giúp cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà đã chủ động phối hợp cùng các ban, ngành tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, hướng dẫn hội viên cách đầu tư vốn vay, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, từ đó giúp hội viên nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Với các hoạt động thiết thực, nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo

Bắc Hà có diện tích đất tự nhiên 68.176ha, dân số 61.235 người với 14 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 81,4%. Huyện có 20 xã và 1 thị trấn với 236 thôn, tổ dân phố, trong đó có 20 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực và bảo đảm an sinh xã hội địa phương, những năm qua, NHCSXH huyện Bắc Hà đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Tính đến nay, NHCSXH huyện Bắc Hà đã cho vay gần 15 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách với tổng số tiền trên 292 tỷ đồng. Tổng dư nợ 10 chương trình tín dụng đạt 211 tỷ đồng với 7.627 hộ còn dư nợ.

Cùng với nguồn lực tài chính được đầu tư tại địa phương, vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân và đặc biệt là công tác giảm nghèo tại địa phương. Cụ thể, về kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng 13%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp giảm từ 44,3% xuống 39,63%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 20,9% lên 25,2%; dịch vụ tăng từ 34,8% lên 35,22%, tạo việc làm hàng năm cho gần 1.200 lao động, thu nhập bình quân đạt 15,5 triệu đồng/người/năm; y tế giáo dục được nâng cao, an ninh quốc phòng được giữ vững, đời sống nhân dân trên địa bàn được cải thiện.

CTV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác