Thiết thực đưa vốn chính sách đến hộ nghèo ở Cao Bằng

07/07/2015
(VBSP News) Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Cao Bằng đạt hơn 1.772 tỷ đồng, với 64.935 hộ còn dư nợ tại 2.488 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng vốn chính sách đã và đang khẳng định chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Phụ nữ Nguyên Bình tích cực phát triển sản xuất từ đồng vốn chính sách

Phụ nữ Nguyên Bình tích cực phát triển sản xuất từ đồng vốn chính sách

Kênh dẫn vốn tới phụ nữ nghèo

Trước đây, cuộc sống của gia đình chị Hoàng Thị Dung ở xóm Pác Nà, xã Hồng Định, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) rất khó khăn do không có vốn đầu tư phát triển kinh tế. Thông qua Hội Phụ nữ, chị được vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Có vốn cùng với sự cần cù, chịu khó, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đến nay gia đình chị đã tạo dựng cho mình một hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình. Chị tập trung chăn nuôi lợn, gà, mỗi năm cũng cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Kinh tế gia đình dần dần ổn định và thoát nghèo.

Cũng thông qua tố chức Hội Phụ nữ, gia đình chị Tô Hồng Niêm ở xóm Nà Po, xã Lang Môn, huyện Nguyên Bình được vay vốn NHCSXH. Bằng đồng vốn này và huy động từ nhiều nguồn vốn khác, chị đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn và hầm Biogas, đến nay chị đã có được một mô hình chăn nuôi lợn với quy mô hơn 200m², có thể nuôi được 20 con lợn nái và 120 con lợn thịt, mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Tính đến hết tháng 6/2015, tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH qua các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh Cao Bằng là 613,239 tỷ đồng với 22.436 hộ vay. Đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, hoàn trả vốn, lãi đúng kỳ hạn. Tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,75% (năm 2012) xuống 0,26% trên tổng dư nợ ở Hội Phụ nữ xã, phường, thị trấn nhận ủy thác. Các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh đã vận động 839 Tổ tiết kiệm và vay vốn huy động tiết kiệm với số dư 7,342 tỷ đồng, tăng 256 tổ và 3,042 tỷ đồng so với cuối năm 2013. Từ các nguồn vốn ủy thác thông qua tổ chức hội, từ năm 2011 - 2014, các cấp Hội Phụ nữ đã giúp 1.694 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.

Bà Hứa Thị Hậu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Phụ nữ tỉnh cho biết: “Để nâng cao chất lượng sử dụng vốn vay, Hội Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp hội chủ động phối hợp với ngành NNo&PTNT tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; tổ chức tọa đàm, tư vấn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho hội viên vay vốn”.

Từ nguồn vốn này, phụ nữ nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững, xuất hiện nhiều hộ khá, tác động tích cực đến các hoạt động; phong trào của hội, thu hút đông đảo chị em đến với tổ chức hội, các hoạt động của Hội Phụ nữ triển khai ngày càng kịp thời và thuận lợi hơn.

Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác vốn chính sách

Câu chuyện sử dụng vốn chính sách hiệu quả không chỉ có ở các hộ gia đình hội viên phụ nữ. Theo ông Dương Tiến Thanh - Giám đốc NHCSXH tỉnh Cao Bằng, thời gian qua, các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện tốt các văn bản liên tịch, thỏa thuận giữa ngân hàng và các tổ chức hội, đoàn thể. Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền vận động, chỉ đạo, giám sát việc thành lập và hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như các hoạt động phối kết hợp với NHCSXH, đơn vị đã tổ chức họp giao ban định kỳ với các tổ chức hội, đoàn thể giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay, tích cực đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ xâm tiêu…

NHCSXH tỉnh Cao Bằng cũng phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể bình xét phân loại Tổ tiết kiệm và vay vốn, củng cố chất lượng hoạt động của tổ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nắm bắt được chủ trương chính sách của Nhà nước đã triển khai xuống các thôn, bản thực hiện bình xét công khai đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng về số tiền vay, thời gian vay, lãi suất vay,… để người dân phát huy quyền làm chủ, hướng dẫn người vay lập thủ tục vay vốn nhanh chóng và thuận lợi.

Bài và ảnh Thanh Thụy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác