Hiệu quả tín dụng chính sách trên quê hương cách mạng

11/06/2015
(VBSP News) Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã vinh dự hai lần được Bác Hồ về thăm. Phát huy tinh thần quê hương cách mạng, được nhà nước đầu tư, sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở Hà Hiệu đang thi đua lao động, sản xuất đẩy lùi nghèo khó, xây dựng nông thôn mới.
Nông dân xã Hà Hiệu đang hướng tới sản xuất ngô hàng hóa

Nông dân xã Hà Hiệu đang hướng tới sản xuất ngô hàng hóa

Tuy nằm trong huyện 30a, nhưng những năm qua, Hà Hiệu luôn là xã dẫn đầu huyện Ba Bể về phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí có thể ngang tầm những xã phát triển của tỉnh Bắc Kạn. Ông Đàm Văn Khoát - Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Những năm qua, được Nhà nước đầu tư qua các chương trình 134, 135… hệ thống điện, đường, trường, trạm đã làm thay đổi cơ bản cuộc sống của người dân. Cả xã không còn nhà tranh tre dột nát, nhà nào cũng có xe máy, phương tiện nghe nhìn, điện thoại cố định hoặc di động.

Với 120ha ruộng, 20ha soi, bãi, còn lại là đồi núi tạo cho Hà Hiệu có một quỹ đất khá rộng và đa dạng. Nhờ nguồn nước tự nhiên khá dồi dào, hệ thống tưới tiêu được kiên cố hóa, xã canh tác lúa, ngô 3 vụ/năm với toàn giống mới; các cây hoa màu khác như lạc, đậu, rau quả cũng là những giống mới có năng suất cao. Ngoài ra, Hà Hiệu có hơn 300ha rừng nguyên liệu giấy, mỗi năm còn phát triển thêm vài chục ha. Trạm y tế xã được xây dựng khang trang, có đầy đủ y bác sỹ.

Cùng với các nguồn đầu tư của Nhà nước, theo ông Quản Thanh Tùng - Giám đốc NHCSXH huyện Ba Bể, tính đến tháng 5/2015, tổng dư nợ trong toàn huyện đạt trên 195 tỷ đồng với 11 chương trình cho vay. Nhìn chung, các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều mô hình kinh tế hay, cách làm hiệu quả đã được triển khai và mang lại hiệu quả cao. Điển hình như khu rừng Khuổi Eng ở Bản Mới là nơi có nhiều tiềm năng và lợi thế về chăn nuôi và phát triển lâm nghiệp. Nhờ sự vận động, định hướng của chính quyền, NHCSXH cho vay vốn, người dân ở đây đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình chăn nuôi dê, ngựa bạch, trâu… Trong đó, nuôi gà dưới tán rừng theo hướng gia trại với quy mô trung bình được phát triển mạnh. Để mô hình phát triển bền vững, người dân trong bản còn xây dựng lò ấp trứng cung cấp giống, quy định rất chặt chẽ thời gian nuôi, xây dựng kế hoạch tiêm phòng, thức ăn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Năm 2015, ở Bản Mới có 21/60 hộ phát triển chăn nuôi gà dưới tán rừng mở rộng quy mô, nuôi từ 3.000 - 4.000 con/lứa và phấn đấu đạt chứng chỉ quản lý chất lượng nông sản.

Hà Hiệu có 14 thôn, bản, các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tích cực, tổ điển hình thực hiện tốt các quy định của ngân hàng và sử dụng hiệu quả đồng vốn vay là Tổ Phụ nữ thôn Nà Dài, do bà Hoàng Thị Đào làm Tổ trưởng từ năm 2006 đến nay. Thôn Nà Dài có 49 hộ dân, hầu hết là đồng bào Dao chuyển từ các huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Ngân Sơn (Bắc Kạn) về đây sinh sống. Cuộc sống các gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn, thiếu kiến thức KHKT, sản xuất tự cung, tự cấp…

“Từ khi NHCSXH cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để sản xuất, chăn nuôi phát triển, cuộc sống của đồng bào Dao thôn Nà Dài đã có sự thay đổi”, bà Đào cho biết. Hiện, thôn Nà Dài có 31/49 hộ vay vn, dư nợ trên 700 triệu đồng. Từ một Tổ ban đầu luôn có nhiều hộ vay vốn chậm trả lãi, nợ quá hạn, nhiều năm nay Tổ thực hiện tốt việc trả lãi, tiền gốc và gửi tiết kiệm.

Điển hình như gia đình ông Bàn Bùi Lai năm 2009 vay 30 triệu đồng phát triển chăn nuôi trâu, bò. Nhờ đầu tư đúng hướng, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đến nay gia đình đã phát triển được đàn trâu, bò béo tốt, trị giá trên 100 triệu đồng. Kinh tế gia đình ổn định, đi lên; trả được 15 triệu đồng vốn gốc cho ngân hàng. Ông Lai không phải là trường hợp điển hình duy nhất ở thôn Nà Dài, 10 năm qua, vốn vay ưu đãi góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 50% năm 2006, xuống còn 6% vào cuối năm 2014.

Ông Chu Đức Phương ở thôn Bản Mới vay vốn nuôi gà đồi

Ông Chu Đức Phương ở thôn Bản Mới vay vốn nuôi gà đồi

Hà Hiệu là một trong 2 xã được huyện Ba Bể chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, theo Chủ tịch UBND xã Lê Ngọc Lợi, năm 2014 xã mới đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Một số thôn, bản vùng cao còn thiếu điện, thiếu nước, giao thông đi lại còn khó khăn. Phát huy truyền thống cách mạng, trong những năm tới xã sẽ vận động các cấp, các ngành cùng vào cuộc để chung tay xây dựng Hà Hiệu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. 

Bài và ảnh Quốc Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác