Thoát nghèo nhờ có vốn làm ăn

29/05/2015
(VBSP News) Nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, nhiều hộ nghèo huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, có điều kiện đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất hiệu quả. Qua đó, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo bền vững.
Anh Nguyễn Thanh Hiếu chăm sóc đàn lợn

Anh Nguyễn Thanh Hiếu chăm sóc đàn lợn

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, anh Nguyễn Thanh Hiếu, ấp 1B, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, luôn tự nhủ với bản thân là không thể cam chịu với cảnh nghèo túng. Anh quyết tâm tạo dựng cuộc sống gia đình với đôi bàn tay và chính nghị lực của mình. Với nguyện vọng thực hiện mô hình nuôi lợn, anh được địa phương tạo điều kiện tiếp cận với vốn vay NHCSXH, nguồn vốn này đã là đòn bẩy thay đổi thu nhập của gia đình anh và mang lại niềm hy vọng trong anh về tương lai có thể thoát được chữ “nghèo”. Anh Hiếu kể: “Ba năm trước, tôi được vay 10 triệu đồng từ NHCSXH để làm mô hình chăn nuôi lợn. Mới đầu do vốn ít, tôi chỉ xây được 2 chuồng nhỏ và nuôi 4 con lợn thịt. Sau đó, thấy nuôi lợn sinh sản lợi nhuận cao nên tôi bắt đầu xây dựng chuồng trại lớn hơn. Các đàn lợn con đẻ ra tôi giữ lại để bán lấy thịt, số nuôi không hết thì bán lợn con. Mô hình này đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi”.

Vừa kể về câu chuyện làm ăn của gia đình mình, anh Hiếu đưa chúng tôi tham quan mô hình nuôi lợn của anh. Thật bất ngờ đối với chúng tôi, khi nhìn thấy chuồng lợn của anh bây giờ qui mô đã tăng gấp nhiều lần so với lời anh kể ban đầu. Anh đã xây được gần 10 chuồng nuôi lợn. Hiện tại, trong chuồng có 28 con lợn chuẩn bị xuất bán, 4 con lợn sinh sản và 3 đàn lợn con. Ước tính giá trị hiện có trong chuồng lợn của anh Hiếu trên 100 triệu đồng. Với 10 triệu đồng vay từ NHCSXH, sau khoảng thời gian ngắn, anh Hiếu đã làm ăn hiệu quả cao, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.

Không chỉ có anh Hiếu, mà ông Nguyễn Trung Dũng, ở ấp Nhơn Xuân, đã làm ăn rất hiệu quả từ nguồn vốn vay NHCSXH để triển khai mô hình trồng trọt. Ông Dũng cho biết: “Tôi được vay 15 triệu đồng. Khi nhận vốn về, tôi đầu tư vào mô hình trồng vú sữa, xoài và trồng rừng. Tôi trồng các loại cây này xen với nhau, nhằm tận dụng hiệu quả diện tích đất sẵn có”. Hiện tại, vườn cây vú sữa và xoài, rừng của nhà ông Dũng cho ông nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, ông mong muốn mở rộng thêm mô hình trồng rừng và mong muốn tiếp tục được hỗ trợ vốn vay để làm ăn.

Nguồn vốn vay từ NHCSXH đã mang lại hiệu quả, góp phần giảm nghèo ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Lại, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Một Ngàn, khẳng định: “Những năm qua, không ít hộ nghèo ở địa phương thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay làm mô hình hiệu quả. Riêng hội viên Hội Nông dân thị trấn, mỗi năm có từ 7 - 9 hộ thoát nghèo. Đối với người nghèo, có vốn là có “cần câu” để kiếm sống. Chúng tôi luôn lựa chọn những hộ thật sự chí thú làm ăn để hỗ trợ vốn vay”. Hiệu quả giảm nghèo của huyện Châu Thành A có sự góp phần từ vốn vay của NHCSXH. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn trên 5,7%, giảm 2% so với năm 2014 với 500 hộ thoát nghèo.

Ông Trần Thành Đạt - Giám đốc NHCSXH huyện Châu Thành A, cho biết: “Điều quan trọng nhất để nguồn vốn được phát huy hiệu quả là đối tượng vay phải thật sự có nhu cầu về vốn và có mô hình cụ thể. Đối với những hộ vay này chúng tôi đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn. So với những năm trước, hiệu quả nguồn vốn đã được nâng lên đáng kể. Trong đó, địa phương đã siết chặt hơn khâu bình xét, chọn đối tượng vay vốn. Các buổi họp bình xét đều có sự giám sát của Trưởng ấp. Huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương thực hiện nguồn vốn vay ngân hàng. Các hội, đoàn thể và chính quyền địa phương quan tâm hơn việc nâng cao năng lực làm kinh tế của người nghèo nên hiệu quả nguồn vốn ưu đãi ngày càng được phát huy”. 

Bài và ảnh Hồng Diễm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác