NHCSXH TP. Cần Thơ: Chất lượng tín dụng chính sách được nâng cao

22/12/2014
(VBSP News) Đến nay nợ quá hạn tại NHCSXH TP. Cần Thơ giảm xuống còn 10,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,84%/tổng dư nợ. Toàn chi nhánh chỉ còn 1 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn trên 1% là quận Thốt Nốt (1,06%), còn lại 8/9 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%.
Ông Trần Văn Mâu, sau khi trả hết nợ, tiếp tục được NHCSXH cho vay vốn để phát triển kinh tế

Ông Trần Văn Mâu, sau khi trả hết nợ, tiếp tục được NHCSXH cho vay vốn để phát triển kinh tế

Những năm qua, các chương trình cho vay ưu đãi từ NHCSXH TP. Cần Thơ đã góp phần giúp địa phương nâng cao đời sống người dân, giảm nghèo hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nợ quá hạn, nợ xâm tiêu ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng tại chi nhánh.

Thời gian qua, nhờ thực hiện Đề án nâng cao chất lượng tín dụng và phối hợp tốt với các hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân nghèo nên chất lượng tín dụng tại chi nhánh đã có bước tiến đáng kể…

Tháo gỡ khó khăn…

Vào năm 2012, NHCSXH TP. Cần Thơ có tổng nợ xấu (bao gồm nợ quá hạn và nợ khoanh) gần 35 tỷ đồng, chiếm 3,59% trên tổng dư nợ, cao gấp 2,2 lần so bình quân chung cả nước. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chi nhánh nói chung và chất lượng tín dụng chính sách nói riêng, hạn chế tỷ lệ nợ xấu có chiều hướng gia tăng, NHCSXH TP. Cần Thơ đã xây dựng Đề án nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng.

Theo báo cáo, các khoản nợ quá hạn do nhiều nguyên nhân như: Một bộ phận người dân địa phương áp dụng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát; ít tham gia các lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến ngư, từ đó đầu tư sử dụng vốn vay đạt hiệu quả không cao, gặp nhiều rủi ro; nhiều gia đình nghề nghiệp không ổn định; hay các trường hợp vay vốn đi xuất khẩu lao động ở Malaysia về nước nhưng gặp khó khăn chưa trả được nợ, cũng như không ít hộ có khả năng nhưng cố tình không trả nợ.

Bên cạnh đó, các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động kém hiệu quả, không tổ chức sinh hoạt thường xuyên, không tích cực đôn đốc tổ viên trả nợ vay ngân hàng, việc tuyên truyền cũng như tổ chức tập huấn chưa chặt chẽ, dẫn đến nguồn vốn vay ưu đãi chưa phát huy hiệu quả… Nắm bắt được những nguyên nhân trên, chi nhánh triển khai thực hiện Đề án với mục tiêu, phấn đấu đến năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn toàn thành phố dưới 2%, các khoản nợ xấu khác giảm từ 15 - 30%/năm…

Thực hiện Đề án, chi nhánh chỉ đạo các NHCSXH quận, huyện tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức phân tích, đánh giá từng khoản nợ xấu để có biện pháp xử lý phù hợp; có kế hoạch chấn chỉnh, củng cố nề nếp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn yếu kém, duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng để trao đổi kinh nghiệm sản xuất và bình xét công khai đối với các khoản vay mới, giám sát tốt việc sử dụng vốn vay.

Các Tổ tiết kiệm và vay vốn phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục; thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, đúng mục đích. Hộ có nhu cầu vay vốn phải có phương án quản lý, sử dụng vốn vay cụ thể, ý thức việc có vay, có trả và đóng lãi hàng tháng theo qui định. Các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và Trưởng ấp trực tiếp tham gia giám sát từ khâu bình xét cho vay đến kiểm tra sử dụng vốn vay và xử lý thu hồi nợ.

Ông Huỳnh Hoàng Phong - Trưởng phòng Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH TP. Cần Thơ cho biết: “Chi nhánh đã phối hợp với UBND, các tổ chức đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các địa phương có nợ tồn đọng cao tổ chức nhiều đoàn đi xuống cơ sở, đôn đốc và xử lý các khoản nợ. Tại các buổi làm việc, chúng tôi động viên tinh thần tự giác của bà con, nếu cố tình chây ỳ thì sẽ kiên quyết xử lý theo luật định. Nhờ vậy, người dân đã bắt đầu có ý thức trả nợ…”.

Hiệu quả hơn mong đợi

Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án, đến nay nợ quá hạn tại NHCSXH TP. Cần Thơ giảm xuống còn 10,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,84% trên tổng dư nợ. Toàn chi nhánh chỉ còn 1 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn trên 1% là quận Thốt Nốt (1,06%), còn lại 8/9 đơn vị có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%.

Trong đó, quận Bình Thủy có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất là 0,34%. Chi nhánh không còn xã, phường, thị trấn có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%. Nhiều hộ vay trước đây không chịu trả nợ, nay đã trả hết nợ và tiếp tục vay vốn phát triển kinh tế.

Như trường hợp ông Lê Quang Nam ở ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, vay 20 triệu đồng cho con gái Lê Thị Cẩm Nhung đi xuất khẩu lao động tại Malaysia. Do việc làm có thu nhập thấp nên con gái ông không có tiền gửi về nước để trả nợ, rồi vợ ông Nam bị bệnh phải điều trị dài ngày nên gia đình càng khó khăn. Sau khi địa phương vận động, giải thích, đến cuối năm 2011 gia đình ông đã trả hết nợ.

Ông Nam cho biết: “Gia đình tôi quá khó khăn. Tôi nghĩ, phải có đủ tiền mới trả được nợ vay nên cứ để thiếu nợ ngân hàng. Nhờ cán bộ ngân hàng và hội, đoàn thể đến vận động, giải thích, tôi đã trả nợ cho NHCSXH và hiện còn vay vốn ngân hàng để mua bán. Lần này, tôi đã bàn với các con phương án làm ăn, để đóng lãi và trả nợ đúng hạn”.

Gia đình ông Trần Văn Mâu ở ấp Trường Tây, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, vay 10 triệu đồng để cải tạo vườn từ năm 2001 nhưng sau đó ảnh hưởng đợt lũ lụt, vườn cây bị chết hết, gia đình lâm cảnh khó khăn nên ông cứ để khoản nợ này kéo dài.

Ông Mâu nói: “Gia đình tôi là hộ nghèo, thu nhập chính nhờ trồng hoa màu. Lúc trước, tôi vay tiền tại Ngân hàng phục vụ người nghèo để làm ăn nhưng thất bại. Sau này khoản nợ chuyển về NHCSXH tôi cũng không có khả năng trả. Nhờ chính quyền địa phương đến vận động, hướng dẫn cách trả nợ. Sau đó, tôi cố gắng làm ăn, dành dụm và các con góp thêm tiền, tôi đã trả xong nợ. Tôi còn được NHCSXH xét cho vay 18 triệu đồng để mua thêm cây giống, tạo thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình”.

Chị Trần Thụy Ngọc Trầm - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Trường Tây, xã Tân Thới, nói: “Sau khi chúng tôi tập trung vận động, thuyết phục, phân tích người dân hiểu được các chính sách của Nhà nước, nhờ vậy các hộ đã chịu trả nợ, hộ nào còn khó khăn thì cam kết trả dần. Trước đây, tổ tôi quản lý còn hơn 10 hộ nợ quá hạn, nhưng nhờ kiên trì vận động, đến nay đã trả hết nợ. Dù đạt được kết quả khá tốt nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tuyên truyền để giúp các hộ dân biết cách sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn hiệu quả, không để nợ quá hạn”.

Bà Nguyễn Thị Khánh Vân - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phong Điền, chia sẻ: “Thời gian qua, ngân hàng đã tích cực giải ngân và tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa của vốn vay ưu đãi, các trường hợp chiếm dụng vốn được thu hồi và xử lý. Hiện nay, tổng số nợ quá hạn trên 1,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,74% trên tổng dư nợ.

Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của NHCSXH TP. Cần Thơ, lãnh đạo UBND huyện, sự tích cực của cán bộ hội, đoàn thể địa phương trong việc vận động, tuyên truyền các chính sách, nâng cao ý thức trả nợ của người dân. Điển hình như xã Tân Thới vào cuối năm 2012 nợ quá hạn của xã gần 3%. Nhờ chính quyền cùng các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực vận động, tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức của các hộ dân. Hiện nay, tỷ lệ nợ quá hạn của xã đã giảm xuống còn 1,1%”.

Ông Huỳnh Văn Thuận - Giám đốc NHCSXH TP. Cần Thơ, cho biết: “Thời gian tới, chi nhánh tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan giải ngân nhanh các chương trình tín dụng, nhất là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo gắn với việc tăng trưởng tín dụng đi đôi với công tác củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi để mọi người hiểu, cùng tham gia quản lý, giám sát vốn vay và hỗ trợ hoạt động NHCSXH.

Đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp nợ quá hạn, nợ chiếm dụng có khả năng trả nhưng cố tình chây ỳ, tạo tính nghiêm minh, giáo dục và răn đe các đối tượng khác, giúp bảo tồn và tăng trưởng nguồn vốn Nhà nước”.

Bài và ảnh Phi Yến

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác