Sử dụng vốn vay ưu đãi thoát nghèo: “Chuyện thường ngày” ở Hà Quảng

08/11/2014
(VBSP News) Từ ngày nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước được cán bộ tín dụng chính sách phối hợp với chính quyền, đoàn thể thực hiện cho vay ngay tại trụ sở UBND xã thì ước mơ thoát nghèo của các hộ đồng bào dân tộc người Mông, Dao, Tày, Nùng... ở huyện vùng cao biên giới Hà Quảng (Cao Bằng) đã trở thành hiện thực, “Chuyện thường ngày ở huyện” và giúp đỡ họ củng cố lòng tin với Đảng, Chính phủ, thêm gần gũi, yêu mến NHCSXH hơn.
Bà con vui mừng đón nhận nguồn vốn vay ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch

Bà con vui mừng đón nhận nguồn vốn vay ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch

Dẫn chúng tôi đi qua khu rừng trồng mới giữa vùng lục khu (bao gồm 6 xã vùng cao, xa nhất của tỉnh Cao Bằng và nằm trên vành đai biên giới Việt Nam - Trung Quốc), Chủ tịch UBND xã Hạ Thôn, Nông Thị Điệp, vui vẻ cho biết: “Bộ mặt vùng núi cao Hạ Thôn tươi sáng được như hôm nay là có phần đóng góp của nguồn vốn chính sách nhiều lắm đấy. Xã chúng tôi nằm ở vị trí cao, đất rộng, người thưa, chỉ có 160 hộ với 839 khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm 2/3, còn lại là người Nùng, nhưng đã được cấp ban, ngành từ tỉnh đến huyện quan tâm giúp đỡ, nhất là được NHCSXH huyện Hà Quảng đã cử cán bộ trực tiếp về xã, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể xây dựng cho mỗi xóm một Tổ tiết kiệm và vay vốn; đến nay đã có 5 tổ do các hội quản lý với 142 thành viên tham gia vay vốn trên 4,5 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã đáp ứng kịp thời nhu cầu trồng ngô, lạc, cây ăn quả và chăn nuôi bò, lợn…”.

Lãnh đạo xã hướng dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ tiêu biểu về sử dụng vốn vay chính sách thoát nghèo, khẳng định: “Nếu không có vốn vay ưu đãi của NHCSXH không biết tới bao giờ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Hạ Thôn mới có thể khấm khá được. Trong các Tổ tiết kiệm và vay vốn của xã thì tổ của Hội Nông dân hiện có 36 thành viên dân tộc Mông tự nguyện tham gia, với dư nợ hơn 1 tỷ đồng, đầu tư thâm canh 51ha đỗ tương, phát triển đàn bò sinh sản, bò thịt lên gần 100 con”.

Cũng theo ông Tú, trước đây bà con dân tộc Mông trong xã vừa có tâm lý ngại vay hoặc vay vốn của NHCSXH rất ít, dù biết đây là vốn ưu đãi, thậm chí cả số tiền vay cho mỗi hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn nữa, không phải trả lãi, nhưng bà con vẫn e ngại không dám vay vì vay được vốn rồi cũng không biết nuôi con gì, trồng cây gì để mang lại thu nhập trên vùng núi cao quanh năm thiếu cả nước sinh hoạt, nói chi đến nước cho sản xuất. Nắm bắt được tâm lý ấy, cán bộ NHCSXH huyện đã cùng cán bộ xã, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng nhà động viên, hướng dẫn đồng bào cách thức sản xuất, tuyên truyền ý nghĩa của việc vay vốn chính sách. Từ đó, bà con hiểu ra, mạnh dạn vay vốn nhiều hơn và làm quen, đầu tư đúng hướng mang lại kết quả đáng mừng.

Người nghèo ở Hạ Thôn đã biết đầu tư đúng hướng, vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Người nghèo ở Hạ Thôn đã biết đầu tư đúng hướng, vươn lên thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Tại xóm Kéo Nậm, xã Hạ Thôn, chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Thương, chàng trai người Mông 25 tuổi, vừa được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm, cho biết: “Căn cứ vào nhu cầu sản xuất, giấy đề nghị xin vay vốn của bà con, tổ đã họp và bình xét công khai, dân chủ, sau đó trình lên UBND xã phê duyệt. Hiện tổ có 34 thành viên, tổng dư nợ gần 700 triệu đồng”. Tổ trưởng đã kể về hoàn cảnh gia đình anh trước kia nghèo lắm, bố anh là thương binh, mẹ anh bị bệnh rối loạn tiền đình. Đang học dở dang lớp 9, anh phải bỏ học để ở nhà phụ giúp bố mẹ kiếm ăn từng ngày. Năm 2010, anh được vay 30 triệu đồng hộ nghèo của NHCSXH. Vợ chồng anh làm chuồng trại chăn nuôi. Ban đầu, anh mua bò sinh sản về nuôi, đào ao thả cá. Năm sau, bán 1 con bê khoẻ mạnh, hơn 10 tạ cá trắm, trôi, mè, anh mua 1 con bò gầy về vỗ béo và nuôi đàn gà đẻ trứng 158 con… Hiện nay, cơ ngơi của gia đình có 4 con bò, 300 con gà, 5 sào ao thả cá và 1ha đậu tương, ngô lai xanh tốt. “Gia đình tôi cùng 5 hộ gia đình trong xóm đã thoát hết nghèo nhờ sự trợ giúp đắc lực của đồng vốn vay ưu đãi. Bà con dân tộc nơi đây rất chịu khó lao động và trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng rất đúng ngày, đúng tháng, không ai khất nợ đâu cán bộ à”, anh Thương tâm sự.

Gần nhà anh Thương, gia đình chị Hoàng Thị Trịnh cũng đã được tiếp cận với nguồn vốn chính sách cách đây 3 năm. “Đàn bò 8 con của nhà tôi có được là nhờ vốn vay ưu đãi tiếp sức đấy. Đầu năm 2011 NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng, tôi đã mua 2 con bò cái về nuôi, đến nay đã thành 8 con rồi. Với giá bán hiện tại, gia đình tôi có của để dành gần 100 triệu đồng rồi. Cũng vừa trả nợ 20 triệu đồng. Đợt tới, bán bò tôi sẽ trả hết nợ, còn lại tiếp tục phát triển đàn bò”, chị Trịnh phấn khởi nói.

Giám đốc NHCSXH huyện Hà Quảng Nông Văn Đào, cho biết: NHCSXH huyện tiếp tục đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn ưu đãi cho hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, song để nguồn vốn vay mang lại hiệu quả hơn nữa, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành khuyến nông, khuyến lâm để nhân dân khai thác thế mạnh về diện tích đất vườn đồi còn khá lớn trên địa bàn huyện miền núi biên giới.

Bài và ảnh Hoàng Bách

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác