Hoạt động tín dụng chính sách hướng tới phát triển bền vững của NHCSXH

16/10/2014
(VBSP News) 12 năm thành lập, dư nợ tín dụng của NHCSXH đã tăng trưởng liên tục: Dư nợ tín dụng của NHCSXH đã tăng 18 lần, đạt 126.523 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 29,4%; với gần 7 triệu hộ còn dư nợ, tăng hơn 5 triệu khách hàng so với thời điểm thành lập; từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao khi thành lập, đến nay NHCSXH đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước và nhiều chương trình, dự án của các địa phương và các tổ chức, cá nhân ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến nay NHCSXH đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước và nhiều chương trình, dự án của các địa phương và các tổ chức, cá nhân ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác Ảnh: Quang Nghiêm - Thời báo ngân hàng

Đến nay NHCSXH đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước và nhiều chương trình, dự án của các địa phương và các tổ chức, cá nhân ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác
                                                                         Ảnh: Quang Nghiêm - Thời báo ngân hàng

Hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã thực sự góp phần quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi của Nhà nước để từng bước xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Để hoạt động tín dụng chính sách thực sự trở thành một trong các trụ cột quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của NHCSXH, NHCSXH cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện dần các mô hình xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, Điểm giao dịch cấp xã, phường, thị trấn trên cơ sở tranh thủ tối đa sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương cũng như sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, đồng thời chủ động làm tốt công tác thông tin tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, kiểm soát để không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách thực hiện đúng chủ trương phát triển bền vững NHCSXH nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững nói chung của Đảng và Nhà nước.

Để thực hiện cho vay hộ nghèo ở nông thôn, nhìn chung đòi hỏi các ngân hàng phải có nhiều cán bộ tín dụng để có thể quản lý, kiểm soát một lượng lớn khách hàng với đặc thù dư nợ các khoản vay thường khá nhỏ và khách hàng phân bố rải rác trên địa bàn nông thôn rộng lớn và rất khác biệt trên nhiều phương diện gây trở ngại đáng kể đến khả năng thu thập thông tin và kiểm soát độ an toàn - rủi ro khách hàng.

Tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành lập ra để “tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh và đời sống, cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ ngân hàng”

Với phương thức ủy thác cho vay từng phần qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, NHCSXH có thể quản lý vốn sát đối tượng, chặt chẽ và hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, vòng quay vốn nhanh hơn và tỷ lệ thu lãi cao hơn. Đồng thời huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội, thực hiện được cơ chế dân chủ, công khai từ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận dễ dàng với với dịch vụ tài chính - ngân hàng, vốn tín dụng đến đúng địa chỉ người thụ hưởng.

Các Tổ tiết kiệm và vay vốn duy trì thường xuyên việc sinh hoạt tổ theo thời gian và lịch đã được thông qua tại biên bản họp tổ; thường trực các hội, đoàn thể cấp xã tham gia các buổi sinh hoạt tổ do hội mình quản lý để nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt. Các hội, đoàn thể cấp xã duy trì họp giao ban với Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội mình quản lý một lần trong tháng trước phiên giao dịch xã để nắm bắt kịp thời kết quả hoạt động cho vay ủy thác. Hội đoàn thể cấp xã chỉ đạo Tổ tiết kiệm và vay vốn kết hợp và thực hiện việc bình xét cho vay, giám sát việc sử dụng vốn vay các chương trình tín dụng đúng mục đích, đến đúng đối tượng thụ hưởng, không để tồn đọng, lãng phí vốn; xử lý các khoản nợ quá hạn phát sinh, đôn đốc nhắc nhở hộ vay thực hiện trả gốc, trả lãi khi đến hạn; kiểm tra, đối chiếu việc sử dụng vốn của các hộ vay, tự đánh giá chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn… Mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn được “cắm rễ” đến từng ấp, xã, huyện không chỉ tạo nên kênh dẫn vốn trực tiếp tới tận cơ sở, từng hộ dân, phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách trực tiếp, tiện lợi nhất mà còn giúp các hộ vay sử dụng vốn hiệu quả hơn và nâng cao ý thức tiết kiệm, đồng thời giúp NHCSXH tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách.

Hiện nay trên toàn quốc có gần 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn giúp triển khai hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH đã cho vay trên 24 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách với dư nợ bình quân trên 17 triệu đồng/hộ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng ở địa bàn nông thôn, thông qua các Điểm giao dịch xã, người dân vay vốn không phải đến trụ sở NHCSXH mới vay được vốn, mà NHCSXH đưa vốn đến tận trụ sở UBND xã để giải ngân, thu nợ, thu lãi dưới sự chứng kiến, giám sát của chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Theo lịch giải ngân ở các phiên giao dịch tại Điểm giao dịch cấp xã, trên cơ sở bình xét cho vay công khai của Tổ tiết kiệm và vay vốn theo Quy chế 15 và đã được NHCSXH phê duyệt, cán bộ tín dụng của NHCSXH sẽ phát tiền vay trực tiếp đến người vay trước sự chứng kiến của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Các Tổ giao dịch lưu động của chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố hoạt động tại các Điểm giao dịch cấp xã theo 1 quy trình đảm bảo theo đúng quy định bao gồm: Tổ chức họp giao ban với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể cho vay ủy thác cấp xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn vào ngày giao dịch.

Sự tiếp xúc trực tiếp với người vay và phối kết hợp chặt chẽ với các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại Điểm giao dịch xã sẽ giúp cán bộ tín dụng chính sách của NHCSXH có điều kiện nắm bắt, hiểu kỹ hơn về đời sống và hoàn cảnh khó khăn của đối tượng khách hàng, khắc phục dần những khoảng cách chênh lệch thông tin với khách hàng để có thể đánh giá sát hơn mức độ an toàn - rủi ro của khoản tín dụng, đồng thời nâng cao hơn kiến thức ngành nghề sản xuất kinh doanh của khách hàng…, qua đó cùng bên hữu quan phối hợp giám sát, quản lý vốn vay và hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả.

Phương thức tín dụng giao dịch trực tiếp với người vay tại Điểm giao dịch xã, thực hiện công khai minh bạch có sự giám sát của chính quyền địa phương và cộng đồng đoàn thể trên địa bàn đã tăng cường được cơ hội tiếp cận đến vốn vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, ngăn chặn bớt khả năng xảy ra tham nhũng, cửa quyền, sử dụng vốn sai mục đích của cả bên cho vay và bên sử dụng vốn vay, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và với NHCSXH.

Để tăng cường hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách tại các Điểm giao dịch xã, các bên hữu quan cần thực hiện các giải pháp.

Thứ nhất, NHCSXH cần tiếp tục nâng cao, tiến tới đạt 100% số lượng giao dịch tại Điểm giao dịch cấp xã để đưa tất cả mọi hoạt động giao dịch của NHCSXH về gần người dân nhất.

Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện và nâng cao hiệu quả bền vững của các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Vai trò của chính quyền cấp xã được thực hiện từ khâu xác nhận hộ vay đúng đối tượng thụ hưởng đến công tác quản lý, giám sát hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn khi phối hợp với các hội, đoàn thể trực tiếp hỗ trợ các Tổ tiết kiệm và vay vốn và khách hàng tại Điểm giao dịch xã, định hướng phương án sản xuất và tham gia quản lý nợ vay tại địa phương. Hiện nay, vai trò chủ động tích cực của UBND cấp xã mới chỉ được thể hiện rõ nét nhất tại 3 tỉnh (Bắc Giang, Thanh Hóa và Long An) được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện.

Về phía các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, cần chủ động kiểm tra, hướng dẫn các tổ trưởng, tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn hoàn thiện hồ sơ và thực hiện quy trình cho vay vốn. Cụ thể, hội, đoàn thể cấp xã phải nắm bắt được tình hình thu và nộp lãi của các Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc hội mình quản lý trước ngày giao dịch, trong ngày giao dịch, phải theo dõi chặt chẽ tình hình nộp lãi của Tổ tiết kiệm và vay vốn tại Điểm giao dịch xã để nhắc nhở đôn đốc kịp thời; đồng thời kết hợp với cán bộ ngân hàng kiểm tra, đối chiếu xử lý các tồn tại sau buổi giao dịch.

Các mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như các Điểm giao dịch xã chỉ thực sự phát huy được hiệu quả thực tiễn khi NHCSXH một mặt làm tốt công tác tham mưu, tích cực tranh thủ sự ủng hộ và quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cùng với sự phối kết hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác như đã đề cập ở trên. Mặt khác, NHCSXH là đầu mối phối kết hợp với các bên hữu quan tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, giám sát đảm bảo chất lượng tín dụng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách là vốn Nhà nước được đầu tư cho vay ưu đãi hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Hiệu quả thực sự của chính sách tín dụng ưu đãi phụ thuộc vào tính minh bạch và sự công tâm trong việc xem xét, bình chọn hồ sơ xin vay ưu đãi từ cấp cơ sở.

Do vậy trong quá trình triển khai thực hiện đòi hỏi phải chấp hành nghiêm túc nguyên tắc quản lý dân chủ, công khai từ cơ sở, tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận với dịch vụ tài chính, tín dụng và ngân hàng, tạo điều kiện cho sự lồng ghép chương trình tín dụng với các chương trình khuyến khích sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, các chương trình văn hóa, xã hội. Mối quan hệ liên kết thông qua hoạt động tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý Nhà nước, ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội cùng phối hợp gắn bó với dân, gần dân, hiểu dân, nắm bắt thực tế để xử lý công việc, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức và tạo điều kiện cho nhân dân giám sát việc thực thi chính sách tín dụng của Nhà nước.

Trong suốt hành trình hoạt động, chính quyền các cấp từ tỉnh, huyện đến xã đều tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, coi tín dụng chính sách là một giải pháp hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.

NHCSXH cần tiếp tục duy trì và tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đi đôi với kiểm tra, giám sát từ Hội đồng quản trị ở Trung ương) cho đến Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện và mạng lưới các Tổ giao dịch lưu động ở cấp xã bằng nhiều hình thức phù hợp. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng thường xuyên làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ trả nợ của người vay… đối với NHCSXH. Các Tổ giao dịch lưu động của NHCSXH cần phối hợp chặt chẽ với các trưởng ấp, khu vực từ khâu bình xét cho vay tại từng Tổ tiết kiệm và vay vốn đến khâu kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi, xử lý nợ của hộ vay, tuyên truyền giáo dục ý thức trả nợ để người vay nhận thức đúng về trách nhiệm trả nợ ngân hàng đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước, góp phần tích cực “Phát triển NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội của Nhà nước”.

TS. Trần Thị Hồng Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác