Dây trầu khởi nghiệp

31/03/2015
(VBSP News) Đi sâu vào ấp 7, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) không khó để bắt gặp những vườn trầu xanh mướt. Đây là thành quả của những hộ dân dám mạnh dạn đầu tư để vươn lên, với sự giúp đỡ từ nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ.
Chị Mai Thị Loan - Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng trầu ấp 7 đang tưới những gốc trầu xanh tốt của mình

Chị Mai Thị Loan - Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng trầu ấp 7 đang tưới những gốc trầu xanh tốt của mình

Hỗ trợ nhau làm kinh tế

“Trồng trầu không khó, cái khó là phải chịu được vất vả. Vào mùa nắng, phải tưới mỗi ngày nếu không thì lá trầu không tốt”, bà Nguyễn Thị Thủy, thành viên Câu lạc bộ trồng trầu ấp 7 chia sẻ. Theo bà Thủy, chi phí đầu tư ban đầu cho 1.000 nọc trầu khoảng 10 triệu đồng, với những hộ nghèo thì cũng rất khó. Tuy nhiên, khi đã ổn định thì thu nhập hàng tháng từ trồng trầu cũng rất tốt vì có thể thu hoạch liên tiếp trong một năm. Hơn nữa, gần đây nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH thực hiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là một nguồn hỗ trợ lớn.

Với kinh nghiệm mấy chục năm trồng trầu, bà Thủy cho rằng mô hình này có thể phát triển ở diện rộng vì cây trầu không kén đất, có thể tận dụng những khoảng đất trống, tạp quanh nhà. Hiện gia đình bà đã phát triển trồng khoảng 2.400 nọc trầu, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 15 triệu đồng/tháng.

Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ của toàn ấp 7 đạt hơn 4,4 tỷ đồng, với 231 hộ vay, trong đó cho vay ở 8 chương trình tín dụng. Các mô hình phát triển kinh tế của hộ vay có hiệu quả tốt, trong đó nổi bật là mô hình trồng trầu.

Nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu

“Ngay bản thân tôi cũng thuộc diện hộ cận nghèo, trước làm thuê sống qua ngày, may nhờ nguồn vốn của ngân hàng mà kinh tế gia đình khá lên hẳn. Nay gia đình tôi có 800 nọc trầu, mỗi tháng thu hoạch 3 lần, khoảng 6.000 ốp (mỗi ốp trầu 40 lá), trung bình mỗi ốp có giá 1.500 đồng; sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 7 triệu đồng. Nhờ đó mà năm 2014, gia đình tôi đã thoát nghèo” chị Mai Thị Loan - Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng trầu ấp 7 chia sẻ.

Cùng ý kiến trên, ông Trần Văn Thành - Chi hội trưởng nông dân ấp 7 nhận xét: “Đa số các hộ vay vốn từ NHCSXH đều có phương thức làm ăn cụ thể và có hiệu quả. Trung bình mỗi năm, ấp 7 giảm nghèo khoảng 4%. Các hộ vay vốn nhiều chương trình tín dụng, từ trồng trầu khi đã dư chút đỉnh thì trả vốn, tiếp tục vay lại để nuôi lợn, nuôi cá. Cứ thế, dần dần từ chỗ nghèo khó có nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giàu”.

Trên phạm vi toàn huyện, tổng dư nợ cho vay NHCSXH đến nay đạt trên 220 tỷ đồng, với hơn gần 20.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, có gần 7.900 hộ nghèo được vay vốn, giúp cho trên 966 hộ thoát nghèo (năm 2014). Vốn vay ưu đãi cũng giúp tạo việc làm cho trên 450 lao động, hơn 1.900 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được học tập…

“Nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần làm thay đổi nhận thức từ việc bao cấp cho không, sang vay vốn có hoàn trả, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng vốn”, bà Trần Ngọc Trang - Phó giám đốc NHCSXH huyện Vị Thủy cho biết.

Bài và ảnh Chúc Ly

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác