Xóa nghèo bền vững nhìn từ Y Tý: SINH KẾ NGƯỜI NGHÈO VÀ GIẤC MƠ SẢN XUẤT HÀNG HÓA (kỳ II)
Cái đói giờ đã trở thành quá khứ
Song, Chủ tịch UBND xã Y Tý, Tráng A Lử tâm tư với nguy cơ tái nghèo luôn rình rập đồng bào dân tộc. Chỉ một trận tuyết như năm 2014, khi những nương thảo quả bị tuyết đè, trâu bò, vật nuôi chết, những hộ dân bị ảnh hưởng nhẹ thì mất nguồn thu thảo quả vài năm, nặng thì là nỗi lo trả nợ với ngân hàng.
“Nơi nào thiếu vốn, nhưng Y Tý không bao giờ thiếu vốn nhất là khi Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện lại chính là Chủ tịch UBND huyện tâm huyết với hoạt động ngân hàng ngay từ những ngày đầu thành lập và là người có nhiều năm làm Trưởng khu Y Tý hiểu hơn ai hết”, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai Trần Duy Đông khẳng định. Nhưng gieo vốn vào đâu là một bài toán khó không chỉ với ngân hàng.
“Tôi với anh Có trước đây cũng đã rất trăn trở khi dư nợ của Y Tý thấp, bình quân gần 20 triệu đồng/người dù không thấp so với bình quân nhưng muốn tăng thêm cả về số hộ vay cũng như mức vay cũng khó”, Giám đốc NHCSXH huyện Bát Xát Lê Xuân Thọ trăn trở. “Bởi dù số hộ vay vốn giờ chỉ chiếm gần 50% các hộ dân trong xã nhưng trước đó họ đã vay vốn của NHCSXH”, Bí thư xã Ly Giờ Có cho biết.
Điểm nghẽn được Bí thư xã chỉ ra là người dân họ chủ yếu vay để tự cung tự cấp sản xuất nông nghiệp, nên khi thấy đủ họ không có nhu cầu vay thêm. Sản xuất kinh tế hàng hóa với lúa gạo xem ra không khả thi khi chi phí sản xuất ở nơi đây khá cao do đất phải khai hoang mất nhiều công sức và tiền của.
Chưa kể, giống lúa thấp cả về năng suất lẫn chất lượng, chi phí đường sá xa xôi nên không thể cạnh tranh với miền xuôi. Chính vì vậy, trồng lúa chỉ có thể giúp người dân Y Tý vượt qua cái đói và giải quyết nhân lực nông nhàn.
Với việc kinh doanh và sản xuất hàng hoá có thể bản thân một số gia đình chưa tự tin để đi vay, nhưng quan trọng hơn là chưa có mục tiêu cụ thể. “Khuyến khích cho dân làm giàu khó vì không biết sản xuất, kinh doanh gì chủ yếu làm nhà, khai hoang”, ông Có nói lại.
Một nút thắt khác đó chính là trình độ dân trí không cao bởi yếu tố dân tộc rất nhiều, tư duy tích luỹ và tái đầu tư còn chưa phổ biến. Đây cũng chính là lý do nguồn thu của dân cư ở đây không thấp, nhưng do ý thức con người tính toán chi tiêu đầu tư chưa hợp lý.
Ví như thóc nhiều không bán, gà lợn đủ ăn nhưng trong nhà không có tài sản gì có giá trị 5 - 10 triệu đồng. Trình độ cán bộ tổ chức hội, đoàn thể cơ sở không được như ở vùng thấp nên việc lựa chọn tổ chức hội, đoàn thể nào để mở rộng tín dụng cũng phải cân nhắc. Nếu theo tiêu chí nghèo đa chiều tới đây, câu chuyện nghèo sẽ còn đeo bám Y Tý trong nhiều năm nữa.
“Y Tý bây giờ đã qua cái thời khuyến khích nông dân đủ ăn. Tuy nhiên vẫn còn hơn 40% hộ nghèo”
Chính vì vậy “đắn đo, cân nhắc” là từ mà Chủ tịch UBND huyện Bát Xát Hoàng Đăng Khoa nói với phóng viên về việc xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế Y Tý để xoá nghèo bền vững. Bên cạnh mục tiêu trước mắt là giảm nhanh đói nghèo xuống, mục tiêu lâu dài của huyện là xây dựng Y Tý đạt tiêu chí của nông thôn mới.
“Nay nông dân sản xuất ra phải có cái gì bán lấy tiền. Vì vậy, công đoạn chế biến tiêu thụ sản phẩm mới là rất cần thiết”, ông Khoa nói và cho biết từ đầu năm đến nay ông đã nhiều lần lên Y Tý ngắm nghía để kêu gọi doanh nghiệp vào sản xuất. Nhìn về cây hàng hóa giúp người dân Y Tý khấm khá trong thời gian qua là cây thảo quả, cũng đã tới hạn mở rộng diện tích trồng.
Chính vì vậy, việc tìm một cây trồng thay thế, cũng như tìm ra những đặc sản của riêng mình đang trở thành một thách thức cho Y Tý trong công cuộc thoát nghèo cũng như bứt qua thực trạng khoảng cách chênh lệch về mức độ nghèo có xu hướng tăng so với bình quân cả nước.
“Trong công cuộc này chúng tôi rất trăn trở kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngân hàng cho vay vốn”, Chủ tịch huyện nói. Tâm tư của những vị lãnh đạo tỉnh cũng như huyện khá rõ khi định hình phát triển Y Tý hướng tới kinh tế hàng hóa. Niềm hy vọng cũng đã được nhen lên khi doanh nghiệp Bình Minh đã có dự án sản xuất đương quy tại Y Tý.
Sau khi dự án trồng thí điểm 20ha đương quy của Y Tý cho thu hoạch với giá khá hấp dẫn, cây dược liệu đương quy và xuyên khung đang trở thành những ứng cử viên sáng giá cho thoát nghèo bền vững trên mảnh đất này.
Một lợi thế khác mà tỉnh và huyện cũng đang hướng tới đó là tận dụng những lợi thế từ con đường cao tốc mới Hà Nội - Lào Cai cùng với việc chuyển đổi dần phương thức sản xuất hàng hóa. Ở đây có rất nhiều cái mà Hà Nội không có, như mật ong Y Tý, cá hồi. Hay như đặc sản rượu Sim San đã và đang là mô hình thoát nghèo cho thôn Hồng Ngải cũng như trợ lực cho người dân sản xuất mở rộng diện tích trồng ngô, trồng lúa đã và đang được xây dựng thành thương hiệu…
“Những thay đổi về sản phẩm ở đây không có cái gì đóng contarner về Hà Nội”, ông Khoa nói để rồi tiết lộ hướng đi mà huyện đang định ra biến Y Tý trở thành một khu du lịch và các sản phẩm hướng đến cũng chủ yếu là sản phẩm bán cho khách du lịch đặc biệt là các sản phẩm dịch vụ. Ý tưởng này huyện đã báo cáo tỉnh.
Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới cho phép hình thành tour tuyến bởi muốn đưa du lịch vào Y Tý một cách bài bản để vừa có thể khai thác, bảo vệ và gìn giữ môi trường, quy hoạch cũng đã có và lễ hội đặc biệt nhất của tỉnh Khu Già Già cũng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch quyết định là lễ hội phi vật thể…
Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kêu gọi đầu tư cũng đã được đưa ra khi vừa qua HĐND, UBND tỉnh Lào Cai ban hành một Nghị quyết là hỗ trợ lãi suất cho các dự án tiêu thụ, chế biến, liên doanh sản xuất nông nghiệp cả chăn nuôi trồng trọt. Tỉnh cũng kêu gọi ngân hàng cho vay và lãi suất ấy ngân hàng hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tương lai sáng lạn cho Y Tý vẫn còn khá xa xôi, khi kinh tế hàng hóa vẫn chưa có cơ hội nở rộ. Câu chuyện mà Chủ tịch UBND huyện Hoàng Đăng Khoa đặt ra “công đoạn chế biến và tiêu thụ sản phẩm mới là rất cần thiết” vẫn còn là một bài toán mà Y Tý cần phải giải trong phát triển kinh tế hàng hóa khi hiện nay mới có một doanh nghiệp đặt chân đến và cây thảo dược đang trở thành chiếc phao giảm nghèo mà nhiều tỉnh Tây Bắc đang lựa chọn. Tiềm năng là thế, du lịch, đặc sản, song Y Tý sẽ ra sao khi bài toán hiện nay của Y Tý còn quá nhiều ẩn số vốn, nhân lực và thị trường.
Đừng có nhìn cái gì quá cao xa Giải quyết đói nghèo trước mắt, theo tôi là đừng có nhìn cái gì quá cao xa. Mà chỉ cần bản thân mỗi hộ gia đình phải trở thành một cơ sở sản xuất. Ví như mô hình rượu Sim San của Y Tý họ sản xuất ra không phải để bán cho dân địa phương mà có Doanh nghiệp dưới xuôi sẵn sàng bao tiêu sản phẩm. Như vậy không chỉ có những hộ nấu rượu thoát nghèo mà còn là cơ hội cho những người dân Y Tý tiêu thụ được sản phẩm ngay tại chỗ và có thể hướng tới trồng lúa, ngô hàng hóa. Với Doanh nghiệp cũng giảm chi phí và nguồn lực để thu mua các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất rượu, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết. |
Chưa nói thua thiệt vội Chúng tôi đang muốn thay đổi tập quán sản xuất ngô lúa của đồng bào bởi trồng ngô lúa thu nhập thấp. 4 tấn/ha chỉ được 28 triệu đồng. Còn đương quy được 120 triệu đồng/năm. Đừng có nói thua thiệt vội vì nó sản xuất có thu nhập cao gấp 2 lần ngô, dần dần rồi tính sau. Trồng một vụ đương quy nhàn nhã hơn nhưng bằng 2 lần trồng ngô, dân tôi sẽ giàu nhanh hơn. Doanh nghiệp cũng phải tính rủi ro, khi họ chưa thấy tính bền vững thì họ sẽ tính rủi ro cao hơn, giá mua có thể thấp hơn để bù đắp rủi ro trong giai đoạn đầu, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát Hoàng Đăng Khoa nói. |
Bài và ảnh Minh Ngọc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Dây trầu khởi nghiệp
- » NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhiệm vụ năm 2015
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
- » Gỡ khó cho hộ nghèo làm ăn
- » Trao tặng các phần thưởng cao quý cho lãnh đạo ngành Ngân hàng
- » NHCSXH TP. Cần Thơ: Chất lượng tín dụng chính sách được nâng cao
- » Chắp cánh cho ước mơ học tập
- » NHCSXH - địa chỉ tin cậy của người nghèo
- » Sử dụng vốn vay ưu đãi thoát nghèo: “Chuyện thường ngày” ở Hà Quảng
- » Phú Thọ cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo