Xóa nghèo bền vững nhìn từ Y Tý: GIEO VỐN LÊN BẢN MÂY (kỳ I)
Y Tý thay da đổi thịt khiến chính những người đã từng lăn lộn với mảnh đất này như Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai Trần Duy Đông cũng cảm thấy ngỡ ngàng khi trở lại vào năm 2014.
Y Tý bây giờ có con đường nhựa láng mượt, có hàng quán, có cả cái nhà nghỉ ngay kế Đồn biên phòng, lại còn có cả quán Karaoke đèn nhấp nháy tít mù. Khoảng 16 - 17 năm trước, khi anh cuốc bộ vượt rùng già lên Y Tý thực hiện các chương trình khuyến nông rồi di dân biên giới, ở đây không đường, không điện, không hàng quán. Y Tý ngày dường như là một ốc đảo cô lập giữa núi rừng. Người dân hầu như không biết nói tiếng Kinh, không biết đọc, biết viết, một nền kinh tế tự cung tự cấp vây bám từ ngàn đời…
Cũng bởi vậy, con đường vượt rừng già nối Bản Xèo với Y Tý mà tỉnh quyết tâm đầu tư thông tuyến năm 2000. Điều này với những lãnh đạo xã và anh Đông có ý nghĩa còn hơn cả con đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội. Nó không chỉ là sợi dây kết nối Y Tý với miền xuôi, mà còn là con đường nối nhịp cho những dự án khuyến nông, di dân biên giới và kinh tế hàng hóa chạm ngõ mảnh đất này.
Con đường đã mở tới trung tâm xã, nhưng dòng vốn ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH huyện Bát Xát vươn đến những bản mây không đơn giản. Con đường vượt rừng già với dốc núi dựng đứng, khúc khuỷu quanh co uốn lượn vào các thôn bản Y Tý mà đến con ngựa thồ hàng cũng có lúc còn chùn chân, đã thách thức ý chí và đôi chân cán bộ tín dụng. Thói quen sinh hoạt, sản xuất tự cung tự cấp dựa vào thiên nhiên vốn đã ăn sâu bám rễ trong đời sống đồng bào nơi đây. Cùng quan niệm cái gì của Chính phủ mang xuống đồng bào là “cho”, chứ không phải “trả”, nên “khai hoang” nhận thức trở thành vấn đề cốt lõi để tạo dòng chảy cho tín dụng ngày đó.
Giám đốc NHCSXH huyện Bát Xát Lê Xuân Thọ, người đã có 5 năm lặn lội trên Y Tý không thể quên những ngày mới đến làm việc ở NHCSXH huyện Bảo Thắng năm 2009. Cưỡi con ngựa sắt cả trăm cây số lên Y Tý anh không ngại, nhưng làm thế nào để nói cho người dân hiểu ý nghĩa của nguồn vốn, để dân tin cán bộ tín dụng mà vay mua con trâu, khai hoang cái ruộng phát triển kinh tế là hoàn toàn không dễ. Chưa kể ngày đó, Y Tý vẫn còn người nghiện hút rồi thổ phỉ, trong khi muốn mang vốn vào cho dân vay phải xuyên rừng, rồi ngủ lại qua đêm trong các thôn bản. Khiến mỗi lần chuẩn bị lên Y Tý, việc đầu tiên là anh Thọ phải gọi cho Trưởng đồn biên phòng Y Tý Nguyễn Văn Sơn. Không chỉ để có anh Sơn hoặc các chiến sĩ giúp hộ tống tiền đến bản, mà quan trọng hơn là uy tín của bộ đội trở thành cây cầu gắn kết đồng bào với cán bộ ngân hàng, tín dụng từ đó có cơ hội lan toả cùng các chương trình của chiến sĩ biên phòng giúp dân làm kinh tế.
Quan điểm, tối đa hoá nguồn vốn tín dụng giúp bà con giảm nghèo của chính quyền tỉnh, xã thấm vào từng tổ chức hội, đoàn thể. Đã từng vượt qua nghèo đói, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nông Thị Sường quyết tâm cùng cán bộ NHCSXH, Trưởng thôn gõ cửa từng nhà vận động từng hộ dân vay vốn. Trăn trở của các hộ dân không biết vay để làm gì và trả nợ như thế nào đã được hội hướng dẫn tỉ mỉ, từ gợi ý mở rộng thảo quả, khai hoang đất ruộng, hay mua con trâu về cày kéo. Biết người dân ở đây thường không dám vay nhiều, cán bộ ngân hàng cũng như các tổ chức hội, đoàn thể cũng tính toán sao cho bà con vay vừa đủ, giúp dân cân đối các nguồn thu để họ có thể trả vốn vay ngân hàng hàng tháng. Cùng với những con đường vào bản được xây dựng, các tổ chức hội, đoàn thể mạnh dần lên, dòng vốn tín dụng thêm rộng mở theo dấu chân của cán bộ tín dụng. Từ việc họp tổ, giám sát vay vốn, cho đến việc vận động Trưởng thôn, già làng tham gia tuyên tuyền việc vay vốn ngân hàng, cuộc họp nào cán bộ tín dụng cũng có mặt. Cùng với định hướng phát triển kinh tế và sự hậu thuẫn của chính quyền xã, dòng vốn tín dụng đã phủ lên đại ngàn màu xanh của nương thảo quả, những thảm ruộng bậc thang. Người dân Y Tý đã bước qua ám ảnh của bữa ăn củ nâu ngày này qua ngày khác mỗi khi giáp hạt.
Ẩn dưới tán cây xanh quanh năm của rừng già Y Tý, là ngôi nhà trình tường vững chãi của anh Hà Mờ Giá sinh năm 1969, thôn Sín Chải 1, xã Y Tý với sân xi măng rộng và dãy chuồng lợn rộng bên hông có cả chục con lợn lớn nhỏ. Gia tài của anh còn 3 con trâu và 2 con ngựa. Cùng một gian nhà ngang mùa thì lúa về đầy ắp với hơn 2 tấn, mùa thì ngào ngạt thào quả… Sự no ấm hiển hiện rõ trong ngôi nhà với ti vi, bàn ghế tủ mới đẹp và 2 xe máy mới cóng…
Chính Hà Mờ Giá cũng chẳng thể tường tượng mình có ngày hôm nay khi chỉ 6 năm trước đây, gia đình anh vẫn nằm trong diện Chính phủ phải cứu đói. Giá bỗng nhớ lại những đói rét. Ở cái mảnh đất mà nhiều người thiếu đói, việc tìm đủ củ mài cho 11 miệng ăn cũng trở thành chật vật. Nhiều đêm Giá không ngủ được, thương lũ con chăn không đủ ấm, áo không đủ mặc co quắp ôm nhau ngủ. Biết là khố đấy, nhưng tiền không có, đất sản xuất thiếu, nên Giá cũng đành buông theo số phận.
Cho đến một ngày Giá trở thành 1 trong 19 hộ của thôn Sín Chải được bộ đội giúp di dân ra đây, góp phần tạo thành thôn Sín Chải 1. Việc thay đổi cuộc sống lại có thêm cơ hội khi cán bộ tín dụng NHCSXH và trưởng thôn đến gõ cửa nhà Giá… Cán bộ tín dụng gợi ý Giá đầu tư gây dựng nương thảo quả. Nghe và nhìn xung quanh nhiều thôn làm nương thảo quả giàu lên nên Giá cũng thích lắm, nhưng trồng loại cây này cũng đầy rủi ro, gặp năm tuyết nhiều thì cả mùa mất trắng. Thế rồi cán bộ động viên, Trưởng thôn và các hộ trong thôn động viên, rồi lại nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, Giá cũng đánh liều. Cùng với 30 triệu tiền vay ngân hàng, vay mượn thêm, Giá khởi nghiệp với việc mua 4.000 gốc thảo quả.
Năm đầu tiên, thảo quả được mùa, Giá chưa vội trả hết ngân hàng, mà khai phá thêm ruộng, mua trâu về cày kéo. Thêm một mùa thảo quả, Giá có thêm nguồn mua thêm con ngựa, mở rộng thêm ruộng, mua ngựa thồ, rồi nuôi thêm con lợn, cứ thế, đời sống khấm khá dần. Gia đình Giá không chỉ xoá nghèo bền vững, mà thậm chí còn khấm khá trong xã…
Bí thư xã Ly Giờ Có bảo, ruộng trên này quý giá lắm, không như dưới xuôi cho không hàng xóm không thèm cày cấy. Muốn khai hoang được 1ha ruộng phải mất vài năm nên khi nhượng quyền sử dụng cũng rất “có giá”, 100 triệu đồng chỉ mua được 2 - 3 sào. Tính như thế, tài sản nhà Giá cũng lên tới 600 - 700 triệu đồng…
Gia đình Ly Se Thó B ở thôn Mờ Phú Chải cũng từng ở trong cái cảnh nghèo của anh Giá tuy nhà ít con hơn, chỉ 4 đứa. Nhung giờ đây, nhờ có vốn của NHCSXH, Ly Se Thó B đã có một gia tài khá ấn tượng với 1 nương thảo quả khoảng 1ha, 3.500 gốc, cho 6 - 7 tạ/năm. 30kg lúa giống gieo trồng mỗi năm cho gia đình Thó B một năm 3 tấn lúa và 2 còn trâu béo mượt.
Không chỉ có gia đình anh Giá và Thó B, các hộ dân Y Tý giờ đã không còn cảnh đói. Từ dư nợ 0,5 tỷ đồng những ngày đầu khai mở tín dụng tại Y Tý, đến cuối năm 2014, con số này của NHCSXH đã lên tới 6,5 tỷ đồng với 385 khách hàng còn dư nợ. Riêng năm 2014, dư nợ tăng gần 30%. Chỉ trong một năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 10,07% tương đương với 69 hộ. Tại Y Tý, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2014 chỉ còn 44,73% không còn hộ đói.
“Từ Bát Xát lên Y Tý cả đi cả về gần 200km, tháng nào cán bộ tín dụng cũng phải đi, nhiều cán bộ phải lăn lộn, ăn ở tại cơ sở rất nhiều mới được như vừa qua. Trước đây nợ quá hạn rất lớn, thường là 5 - 7%, nay chỉ còn 0,67%, trong đó chủ yếu là nợ quá hạn cũ. Nhiều khoản vay có số tiền lãi nộp rất đầy đủ, như cho vay HSSV cho thấy chất lượng tín dụng và sự chấp hành cũng như ý thức của bà con về nguồn vốn vay này”, anh Đông nói. “Đó là một thành công”, Giám đốc Thọ nhìn nhận.
Còn với Bí thư xã Y Tý, Ly Giờ Có, thì “hợp với lòng dân” là cụm từ mà ông dành cho các chương trình tín dụng của NHCSXH. Có dòng vốn của NHCSXH thì số hộ nghèo của xã mới giảm được như ngày hôm nay. Trong năm 2015, NHCSXH huyện Bát Xát đặt mục tiêu dư nợ kế hoạch 7,9 tỷ đồng với 698 khách hàng, trong khi cả xã có 854 hộ dân. Tương lai của Y Tý cũng đang mở ra khi nhiều gia đình nghèo nhờ có nguồn vốn NHCSXH có nguồn lực cho các con đi học thay đổi cuộc đời lam lũ nghèo khó.
Bài và ảnh Minh Ngọc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thoát nỗi lo về thu nhập
- » Đồng Tháp cho vay hộ cận nghèo
- » Tổng kết dự án Phát triển ngành lâm nghiệp
- » Tỷ lệ hộ nghèo giảm là nhờ đồng vốn chính sách
- » Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
- » Hiệu quả từ chương trình tín dụng HSSV ở Hà Nam
- » Nông dân Bắc Ninh vay vốn phát triển kinh tế
- » Hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi từ nguồn vốn chính sách
- » Chuyện thoát nghèo ở vùng cao biên giới phía Bắc
- » Tươi xanh cả vùng “cửa ngõ” miền Tây Bắc