Hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi từ nguồn vốn chính sách

25/03/2015
(VBSP News) Để giúp đỡ hội viên có điều kiện về vốn và kỹ thuật đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, vươn lên xóa nghèo ổn định đời sống, các cấp Hội Phụ nữ tại tỉnh Long An đã mở rộng các mối liên hệ với các ngành dịch vụ, khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư, nhất là chú trọng đến thực hiện công tác uỷ thác vay vốn tín dụng chính sách.
Vốn chính sách đã giúp nhiều hội viên phụ nữ nghèo phát triển nghề đan lát, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Vốn chính sách đã giúp nhiều hội viên phụ nữ nghèo phát triển nghề đan lát, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Nhờ cách làm sáng tạo này, nhiều hội viên phụ nữ nghèo được vay nguồn vốn ưu đãi và sử dụng để xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thông qua nguồn vốn chính sách, các cấp hội còn phát động các hộ gia đình đăng ký tham gia phong trào phụ nữ giỏi việc sản xuất, đảm việc nhà. Sau 5 năm thực hiện, toàn tỉnh Long An đã có hàng trăm hộ hội viên vay vốn ưu đãi, được Hội Phụ nữ tỉnh biểu dương, khen thưởng.

Điển hình là mô hình chăn nuôi gà, vịt của chị Ngô Thị Thi Xinh ở ấp 2, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa. Chị là tấm gương sử dụng hiệu quả đồng vốn vay thoát nghèo. Năm 2003, gia đình chị Xinh là hộ nghèo, được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, đàn gà, vịt của chị phát triển nhanh. Tiền lãi từ những lứa đầu được chị tiếp tục đầu tư mua máy ấp trứng, gây giống nhân đàn. Đến nay gia đình chị Xinh đã thoát nghèo và trả hết số tiền vay ngân hàng.

Gia đình chị Trần Thị Thìn ở khu phố Nhơn Hậu, phường Tân Khánh, TP. Tân An trong 4 năm qua được vay vốn chương trình giải quyết việc làm 200 triệu đồng xây dựng cơ sở làm nón, đan mành xuất khẩu. Nghề thủ công của chị Thìn không chỉ ngày càng mở rộng, phát đạt mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương có thu nhập ổn định.

Nhờ sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền, các ban ngành, NHCSXH từ tỉnh đến huyện, Hội Phụ nữ huyện Bình Tân đã xây dựng, phát triển Câu lạc bộ nghề thủ công, giải quyết việc làm cho chị em sau học nghề từ các hộ vay vốn chính sách, đồng thời cũng đã tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Với cách làm sáng tạo này, đến nay, các thành viên tham gia Câu lạc bộ được vay vốn chính sách, có mức thu nhập từ 40 - 50 nghìn đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, trên cơ sở các hộ vay vốn từ NHCSXH, Hội Phụ nữ huyện còn xây dựng 11 mô hình “Dịch vụ trong nông nghiệp” ở 11 xã với 321 thành viên tham gia làm các nghề đan lát, dệt thảm, may mặc; thành lập 117 Tổ phụ nữ giảm nghèo nhanh, làm kinh tế giỏi như Tổ trồng khoai, trồng măng tre, Tổ đổi công quấn bầu lá chuối, nướng bánh kẹp… thu hút 1.669 thành viên, với mức thu nhập bình quân từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/tháng/người.

Thực tế cho thấy, phương thức hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Long An thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho chị em hội viên vay vốn chính sách và sử dụng đồng vốn vay đầu tư làm ăn đúng hướng, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh Diệu Linh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác