Chuyện thoát nghèo ở vùng cao biên giới phía Bắc

25/03/2015
(VBSP News) Tỉnh Lai Châu hiện có đến 6/7 đơn vị hành chính cấp huyện nằm trong Nghị quyết 30a của Chính phủ với tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 50%/huyện và hơn 2/3 số xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Những vùng quê này, nhiều hộ gia đình đã được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Đây là một cơ hội để thay đổi diện mạo, bộ mặt nơi đây. Tuy không phải tất cả nhưng thời gian qua đã có rất nhiều bản làng, gia đình từ huyện Than Uyên, Tam Đường, ven thành phố trẻ Lai Châu đến huyện Phong Thổ, Nậm Nhùn, sát vành đai biên giới đã vươn lên làm chủ cuộc sống, thoát cảnh nghèo khó.
Ông Vàng Văn Mươn đang chăm sóc đàn bò của gia đình

Ông Vàng Văn Mươn đang chăm sóc đàn bò của gia đình

Chị Vàng Thị Liên ở bản Nậm Pẹ xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên là dân tộc Dáy mới thoát nghèo cách đây chưa lâu nhờ sự “giúp sức” của đồng vốn ưu đãi, với 20 triệu đồng vay từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Với số tiền vay được, cùng sự chăm chỉ lao động, biết tính toán, chị Liên quyết định đầu tư chăn nuôi lợn thịt theo hướng hàng hóa. Không giống cách chăn nuôi truyền thống của đồng bào dân tộc là thả rông gia súc trong rừng, ngoài nương rẫy, chị bàn với chồng là anh Thào A Páo dành một phần tiền vay được mua vật liệu xây dựng làm chuồng trại kiên cố, thoáng đãng rồi mới thả lợn giống vào nuôi. Nhờ “mát tay” và chủ động thực hiện đúng biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, chăm sóc đàn lợn, chị đã làm ăn có lãi và hoàn trả hết số tiền vay của NHCSXH. “Nếu được NHCSXH tiếp tục cho vay vốn ưu đãi vợ chồng tôi quyết tâm mở rộng quy mô chăn nuôi lợn theo hướng bán công nghiệp, để “phất lên” đóng góp nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm, đồng thời tạo việc làm cho bà con quanh bản làng” chị Liên chia sẻ.

Còn gia đình ông Vàng Văn Mươn ở xã Nậm Mạnh, huyện Nậm Nhùn lại tìm ra cách đi riêng của mình, khá độc đáo để trở thành gương thoát nghèo làm kinh tế giỏi. Cũng như nhiều gia đình người Mông, Dao, Thái… khác trên địa bàn huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu, gia đình ông Mươn vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Có lúc, mọi người trong nhà ông rơi vào cảnh chưa buông bát cơm trưa đã phải tính đến chuyện kiếm ăn cho bữa tối. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ông Mươn được vay vốn đãi mua 1 cặp bò giống. Chỉ sau hơn 1 năm chăm sóc, 2 con bò cùng sinh sản trong niềm vui sướng của gia đình.

Bán mỗi chú Bê được gần 20 triệu đồng, ông mua ngay và nuôi tiếp bò sinh sản, để đến hôm nay cả bò lẫn bê phát triển thành đàn 20 con. Có của ăn của để, ông bà quyết định mua máy xay xát lương thực, mở cửa hàng dịch vụ thuốc trừ sâu, thú y, tăng thu nhập, tạo việc làm cho mọi người trong gia đình.

Đúng là sự trợ giúp của Nhà nước nói chung và nguồn vốn vay từ NHCSXH nói riêng ở vùng cao biên giới Lai Châu được coi như chiếc chìa khóa giúp người dân mở lối thoát nghèo. Nhưng có một nghịch lý đáng suy ngẫm là sau khi thoát nghèo, số hộ dân này bị “cắt” ngay “tiêu chuẩn” các khoản hỗ trợ, cụ thể là không được vay vốn ưu đãi. Trong giao thời đó, nhóm hộ này chưa thoát nghèo bền vững, lại gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, nên thực tế những hộ mới thoát nghèo đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, không biết vay vốn ở đâu và rất dễ quay lại tình trạng nghèo khó như trước. Chính phủ cũng đang xem xét ban hành quyết định cho vay đối với hộ mới thoát nghèo tại NHCSXH.Nếu được, NHCSXH sẵn sàng phục vụ nhu cầu vay vốn ưu đãi cho nhóm hộ mới thoát nghèo để kịp thời tiếp sức cho những hộ này, trong đó có nhiều gia đình là đồng bào dân tộc vùng cao Lai Châu vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh Lê Thanh An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác