Chuyển động giữa cù lao sông Hậu
Ngay từ năm đầu bắt tay vào triển khai dự án (năm 2010) đến nay, chính quyền cùng các tổ chức hội, đoàn thể của địa phương làm nhiệm vụ uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được NHCSXH huyện giúp đỡ hướng dẫn, nên đã tập trung vào công việc chuyển tải đồng vốn ưu đãi đến đúng địa chỉ được thụ hưởng, tiến hành bình xét công khai, minh bạch cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn thuận lợi, kịp thời cải tạo vườn tạp, chuyển tải ngành nghề và lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, góp phần nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm ở nông thôn.
Ông Lê Văn Buôi ngụ tại ấp 7A, xã Vị Thanh được đánh giá là một trong số hộ gia đình tiêu biểu về sử dụng hiệu quả vốn chính sách vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Được biết, nhà ông Buôi có 2ha đất canh tác nhưng đất ruộng bị nhiễm phèn nặng, còn lại phần lớn là đất vườn cũng thuộc dạng vườn tạp nên nguồn thu nhập của gia đình không đáng kể, cuộc sống bấp bênh. Cách đây 5 năm, được vay 20 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm, gia đình ông phá bỏ vườn tạp, đắp bờ bao ngăn lũ, nâng cao mặt vườn và mua 500 cây dừa Xiêm lùn về trồng, theo ông Buôi, do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn dừa Xiêm giống mới của ông đã phát triển nhanh, ra quả nhiều, bán được giá khá cao. Tính riêng việc bán dừa quả tươi dùng để uống nước năm vừa qua với giá 20 nghìn đồng/quả, vườn dừa xiêm đã giúp gia đình ông thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Cùng với đó, ông Buôi còn sử dụng vốn vay và sức lao động nuôi 3 hầm cá thát lát và thâm canh 3 công đất trồng lúa thơm, hạt dài. Nhờ kết hợp sử dụng vốn vay chính sách hợp lý với việc đưa tiến bộ KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi nên việc sản xuất, kinh doanh của ông Buôi thuận buồm xuôi gió, giảm chi phí đầu tư, tăng thêm lợi nhuận về kinh tế từ 30 - 40%. Toàn bộ số tiền vay ngân hàng, cách đây ít ngày ông đã hoàn trả đủ, vẫn còn dư dật chút ít để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế vườn, ruộng.
Cùng ở cù lao Vị Thanh, gia đình ông Huỳnh Công Tranh đã sử dụng vốn vay chính sách làm nghề ủ nấm rơm. “Tôi đã vay 20 triệu đồng xây dựng lán trại, mua phôi meo ủ nấm. Mấy vụ vừa qua, cứ 300 chai meo sau 3 tháng ủ là kiếm lời được khoảng 6 triệu đồng, giúp cả nhà đỡ vất vả, nhọc nhằn hơn so với đi làm mướn. Trong tháng 3 này, đến hạn trả nợ ngân hàng, tôi sẽ thanh toán đầy đủ và dự kiến nhờ Hội Nông dân xã giúp đỡ để vay vốn chính sách đợt 2 với số tiền nhiều hơn để mở rộng nghề ủ nấm rơm, thoát nghèo bền vững”, ông Tráng tâm sự.
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ kịp thời và tăng trưởng trong thời gian qua, đã góp phần cho cù lao Vị Thanh phát triển đồng đều kinh tế hộ gia đình. Nhà ở được xây dựng khang trang và đường sá giao thông đi lại thuận tiện hơn. Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 21% xuống 9,1% vào cuối năm 2014. Trong năm 2015, Vị Thanh tiếp tục tuyên truyền người dân sử dụng vốn chính sách tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở mang ngành nghề, phát triển kinh tế toàn diện, xóa nghèo bền vững.
Bài và ảnh Lê Thanh An
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Bản Mường nay đã khác xưa
- » Vượt khó từ “cú hích” 15 triệu đồng
- » Hội CCB huyện Chơn Thành vì hội viên nghèo
- » Người phụ nữ làm “cầu nối” chuyển vốn chính sách ở Tiên Phước
- » Cho vay HSSV ở Yên Mô
- » Vốn vay ưu đãi giúp người dân vùng biên yên tâm sản xuất
- » Người nghèo ở Krông Nô sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » Xã Ia Krăi vươn lên thoát nghèo
- » Vào mùa giải ngân vốn HSSV
- » Hiệu quả từ các Điểm giao dịch xã tại Cà Mau