Người phụ nữ làm “cầu nối” chuyển vốn chính sách ở Tiên Phước
Tiêu biểu là Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 7B xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước do chị Bùi Thị Lợi làm Tổ trưởng, hiện có 52 thành viên với dư nợ trên 1,4 tỷ đồng và liên tục 5 năm qua không một thành viên nào để nợ quá hạn, lãi tồn đọng với NHCSXH.
Được biết, cách đây 5 năm, khi đang đảm đương vai trò chi hội trưởng phụ nữ của thôn, chị Lợi được bà con tín nhiệm cao, bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhận thêm nhiệm vụ, chị xác định đây là một công việc quan trọng, là người làm “cầu nối” chuyển tải, phổ biến các chính sách tín dụng của Nhà nước đến với người nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó đa phần là hội viên phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Từ nhận thức đó, chị Lợi đã tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban cũng như các lớp tập huấn do các tổ chức hội, đoàn thể và NHCSXH tổ chức để nắm bắt đầy đủ, thành thục mọi thủ tục vay vốn chính sách, kịp thời hướng dẫn cho thành viên trong tổ thực hiện. Bên cạnh thời gian dành cho công việc đồng áng, chăn nuôi của gia đình, chị Lợi còn thường xuyên tranh thủ đi đến từng nhà thành viên vừa để tìm hiểu tâm tư hoàn cảnh, đời sống, vừa nắm bắt chính xác tình hình sử dụng vốn vay của họ. Là Tổ trưởng, đồng thời làm chi hội trưởng phụ nữ, chị đã lồng ghép tuyên truyền về tín dụng chính sách tại các cuộc họp dân cư và sinh hoạt đoàn thể với những nghiệp vụ của tổ, nhờ vậy mà các vấn đề liên quan đến phong trào phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” với việc vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả đã được mọi người trong thôn xóm, chi hội phụ nữ, Tổ tiết kiệm và vay vốn bàn bạc, bình xét công khai, dân chủ. Thông qua đó, nhiều hộ gia đình từ nghèo khó vươn lên khá giả; điển hình là chị Phạm Thị Quý đã xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc. Với 30 triệu đồng vay từ chương trình hộ cận nghèo, chị Quý đã tạo ra cơ ngơi đàn bò 8 con, chuồng heo giống 50 con và 3ha cây keo đang trong thời kỳ khai thác.
Ở Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 7B đã có khá nhiều thành viên được tạo điều kiện vay vốn chính sách nhanh chóng, làm ăn thuận lợi vươn lên thoát nghèo và trả hết nợ, nộp đủ lãi đúng kỳ hạn. Một số hộ còn được tổ khuyến khích ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, lựa chọn xây dựng phương án trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, trở thành gương điển hình trong phong trào thi đua sử dụng vốn vay chính sách làm kinh tế giỏi như các chị Nguyễn Thị Thực, Huỳnh Thị Ngợi, Cao Thị Tuyến…
Chị Bùi Thị Lợi cho biết, các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 7B không chỉ tự nguyện tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt định kỳ, đột xuất, tiến hành bình bầu công khai dân chủ cho các hộ vay vốn chính sách kịp thời, mà còn thực hiện nghĩa vụ gửi tiền tiết kiệm, nộp lãi, trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn. Mọi hoạt động của tổ nhằm mục đích làm “cầu nối” giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh Lê Diệu Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cho vay HSSV ở Yên Mô
- » Vốn vay ưu đãi giúp người dân vùng biên yên tâm sản xuất
- » Người nghèo ở Krông Nô sử dụng hiệu quả đồng vốn vay
- » Xã Ia Krăi vươn lên thoát nghèo
- » Vào mùa giải ngân vốn HSSV
- » Hiệu quả từ các Điểm giao dịch xã tại Cà Mau
- » Vốn chính sách trên cao nguyên Lâm Đồng
- » Không lỗi hẹn với người nghèo
- » Dân hiểu và dùng vốn đúng
- » Mô hình vùng cao biên giới thoát nghèo