Mô hình vùng cao biên giới thoát nghèo
Ở bản Sơn Hà, xã Tà Cạ có gia đình ông Vừa Giả Mùa, dân tộc Mông đang là điển hình về sử dụng vốn chính sách xây dựng trang trại kinh tế VAC tổng hợp. Năm 2010, thông qua Hội Nông dân xã Tà Cạ, được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo. Nhờ nguồn vốn chính sách hỗ trợ kịp thời cùng với kiến thức học được qua lớp tập huấn khuyến nông nên việc sản xuất của gia đình diễn ra suôn sẻ. Trên vùng đất đồi rộng trên 2ha, ông đã xây dựng 3 dãy chuồng trại ngăn cách để nuôi trâu, bò, lợn. Mặt khác, ông phân chia số tiền vay một cách hợp lý mua đủ cây, con giống đầu tư thả cá trên diện tích mặt nước 1.500m2 và gieo trồng 5 sào lúa nếp cái hoa vàng. Đến nay, trang trại tổng hợp của ông Mùa có 12 con trâu, bò, cùng hồ cá, ruộng lúa, rừng keo, trị giá ngót nghét nửa tỷ đồng. Vào đầu năm 2015, gia đình ông vừa hoàn trả hết số nợ vay cho ngân hàng, vừa triển khai kế hoạch vay thêm vốn đầu tư mở rộng trang trại.
Cùng ở xã Tà Cạ, anh Lường Văn Hoan, dân tộc Thái ở bản Hoa Sơn đã sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách. Anh Hoan cho biết: “Trước đây gia đình chỉ quen lối canh tác “chọc lỗ tra hạt” do vậy cuộc sống quanh năm thiếu vốn. Nhờ 20 triệu đồng vốn chính sách tôi mua 2 con bê về nuôi, dần dần phát triển lên 8 con bò. Đợt đầu bán đi 3 con, tôi đã trích số tiền để đầu tư làm chuồng trại và trồng 1,5ha cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò. Hiện nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, trả được nợ vay ngân hàng trước kỳ hạn”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ Vừ Mã Chả, cho biết: Đến nay, toàn xã còn dư nợ hơn 20 tỷ đồng vốn chính sách, riêng vốn vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn chiếm 2/3. Số vốn đó chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng trang trại, gia trại, phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, chuyển đổi sản xuất từ tập quán phá rừng làm nương rẫy sang thâm canh lúa ngô, rau màu, chuối xuất khẩu. Nguồn vốn chính sách đã góp phần đắc lực để xã chúng tôi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 56% năm 2009 xuống 21% cuối năm 2014. Đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao biên giới Tạ Cạ mong muốn ngân hàng tiếp tục tăng nguồn vốn cho vay, hỗ trợ để thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh Lê Diệu Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn chính sách giúp phụ nữ Mai Châu thoát nghèo
- » Sử dụng vốn vay chính sách chuyển hướng chăn nuôi hiệu quả
- » Tín dụng chính sách góp phần quan trọng giảm nghèo ở Hưng Yên
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở xã vùng cao
- » Đồng hành cùng hộ nghèo
- » Phụ nữ Tam Quan Nam quản lý vốn tốt nguồn vốn vay
- » Vốn ưu đãi tiếp sức hộ nghèo
- » Hướng đến sự phát triển bền vững
- » Chuyện của những người “thành công”
- » Tạo cơ hội cho sinh viên vay vốn học tập