Không lỗi hẹn với người nghèo
Miếng cơm, manh áo đối với người bình thường đã không đơn giản, với người nghèo, đối tượng chính sách còn vất vả gấp bội phần. Hiểu được điều đó và không để lỗi hẹn với người nghèo, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, NHCSXH huyện lên kế hoạch chi tiết, giải ngân vốn cho từng chương trình cụ thể, ưu tiên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để có vốn đầu tư sản xuất mới.
Cầm 30 triệu đồng vừa được NHCSXH huyện giải ngân cho vay, chị Nguyễn Thị Hậu ở thôn An Trụ, chia sẻ: “Cuối năm 2014, địa phương bình xét gia đình tôi là hộ cận nghèo khi bản thân ốm đau bệnh tật triền miên và đang mang trong mình căn bệnh đại tràng. Số vốn vay của NHCSXH, tôi sẽ cải tạo ao, đầu tư mua con giống, thức ăn chăn nuôi, từng bước xây dựng chuồng trại và nâng cao hiệu quả sản xuất”. Vốn là người cần cù, chịu khó, khéo léo tính toán, hy vọng với 5 sào ruộng cấy lúa và 5 sào ao, thả cá kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, gia đình chị Hậu sẽ làm ra của cải, ổn định cuộc sống.
Còn đối với gia đình chị Trần Thị Ngần đang là hộ có kinh tế trung bình khá, song giữa năm 2014 chồng chị không may bị tai nạn giao thông và hiện không còn sức lao động nên gia đình rơi vào cảnh nghèo. Trước hoàn cảnh trên, NHCSXH huyện cho gia đình chị Ngần vay 40 triệu đồng để phát triển kinh tế. Với nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung sản xuất, chăn nuôi, hiện gia đình chị Ngần vượt qua ngưỡng hộ nghèo và là hộ cận nghèo.
An Thịnh vốn là xã thuần nông của huyện Lương Tài, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, bởi vậy nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH là nhân tố quan trọng giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã An Thịnh, cho biết: “Trước đây người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vài năm trở lại đây cuộc sống thay đổi từng ngày. Nếu như năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong xã ở mức 8 triệu đồng/người/năm, đến nay con số này tăng lên gần gấp 3 lần”.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi mà nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Cùng với các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền xã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện giải ngân vốn ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng. Hiện nay, xã An Thịnh có dư nợ đạt gần 16 tỷ đồng với hơn 900 lượt hộ vay. Trong đó vốn vay hộ nghèo 3 tỷ đồng, hộ cận nghèo hơn 2 tỷ đồng… Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi mà tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của địa phương giảm đáng kể. Năm 2015, toàn xã có 108 hộ nghèo, giảm 55 hộ so với năm 2014 và 185 hộ cận nghèo, giảm 55 hộ so với năm 2014. Có thể nói vốn vay ưu đãi từ các chương trình tín dụng của NHCSXH đã và đang là trợ lực rất lớn để người dân phát triển kinh tế, là đòn bẩy quan trọng trong thúc đẩy quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
Theo ông Nguyễn Huy Bình - Giám đốc NHCSXH huyện Lương Tài thì việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn thời gian qua là nhờ ngân hàng đã tranh thủ được sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng với các tổ chức hội, đoàn thể trong quá trình ủy thác cho vay. Hiện toàn huyện có 275 Tổ tiết kiệm và vay vốn,14 Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. NHCSXH đã thực hiện tốt trọng trách của mình là vừa huy động nguồn vốn trong dân, vừa đưa nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi đến tay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đây chính là bài học kinh nghiệm trong quản lý, vận hành kênh vốn chính sách nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo tại địa phương.
Bài và ảnh Hà Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vốn chính sách trên cao nguyên Lâm Đồng
- » Dân hiểu và dùng vốn đúng
- » Mô hình vùng cao biên giới thoát nghèo
- » Vốn chính sách giúp phụ nữ Mai Châu thoát nghèo
- » Sử dụng vốn vay chính sách chuyển hướng chăn nuôi hiệu quả
- » Tín dụng chính sách góp phần quan trọng giảm nghèo ở Hưng Yên
- » Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở xã vùng cao
- » Đồng hành cùng hộ nghèo
- » Phụ nữ Tam Quan Nam quản lý vốn tốt nguồn vốn vay
- » Vốn ưu đãi tiếp sức hộ nghèo