Hiệu quả từ các Điểm giao dịch xã tại Cà Mau

13/03/2015
(VBSP News) Để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, một trong những giải pháp căn bản, có hiệu quả thiết thực, phù hợp với thực tế là việc NHCSXH chi nhánh tỉnh Cà Mau đã tổ chức thực hiện tốt mô hình các Điểm giao dịch xã.
NHCSXH huyện Cái Nước (Cà Mau) giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã Thạnh Phú

NHCSXH huyện Cái Nước (Cà Mau) giao dịch với bà con tại Điểm giao dịch xã Thạnh Phú

NHCSXH tỉnh Cà Mau hiện có 100 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn với hơn 2.700 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hoạt động Tổ giao dịch lưu động được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo đúng lịch trực và thời gian quy định, chấp hành tuyệt đối việc bảo đảm an toàn về người và tài sản trong quá trình giao dịch tại xã. Ngoài ra, các đơn vị tại cơ sở chủ động tăng cường thêm các phiên giao dịch bổ sung nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng chính sách.

Từ nhiều năm nay, cứ đến ngày 21 hàng tháng, tất cả các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như nhiều người dân trên địa bàn xã Khánh Thuận, huyện U Minh tập trung về Điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở UBND xã để vay vốn, trả tiền vay, nộp lãi, gửi tiết kiệm…

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận Trần Công Mười, nhận định: “NHCSXH triển khai giao dịch tại xã đã tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian của người nghèo. Sau khi giao dịch xong thì có cuộc họp nhận xét đánh giá giữa NHCSXH huyện với lãnh đạo UBND xã và các hội, đoàn thể để tìm giải pháp phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn chính sách. Từ đó, nhiều người dân trên địa bàn xã được tiếp cận nguồn vốn chính sách, có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thuận Lâm Thanh Hùng: Hiện nay, hội đang quản lý 15 Tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ hơn 18 tỷ đồng của NHCSXH. “Ðể Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả thì mỗi tháng tất cả các khâu từ thu nợ, lãi, tiền gửi tiết kiệm phải được thực hiện một cách kịp thời. Ðiều đáng mừng là khi các Điểm giao dịch tại xã hoạt động, với thời gian cụ thể, cũng như có cán bộ ngân hàng đến giao dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngay tại Điểm giao dịch, các Tổ trưởng còn được NHCSXH hướng dẫn nghiệp vụ sổ sách cũng như triển khai nhiều chính sách mới”, ông Hùng chia sẻ.

Ðược giao phụ trách địa bàn xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước cứ đến ngày 7 hàng tháng, cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Cái Nước Lê Thanh Ửng cùng một số cán bộ của đơn vị có mặt tại xã. Theo anh Ửng, Điểm giao dịch xã Thạnh Phú hoạt động rất hiệu quả, tạo thuận lợi cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Sau mỗi buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng, các tổ chức hội, đoàn thể, cán bộ xã đều tổ chức họp để giải quyết những tồn tại, rút kinh nghiệm và cùng đưa ra những giải pháp thực hiện chương trình vốn vay phù hợp.

“Từ những hoạt động như vậy, Điểm giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giảm nghèo xã, các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác và NHCSXH được thường xuyên tiếp xúc với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Qua đó, đưa ra các giải pháp cụ thể như: lồng ghép tuyên truyền về các dự án sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả… để hỗ trợ các đối tượng vay vốn đầu tư phát triển kinh tế”, anh Lê Thanh Ửng nhận xét.

Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh Cà Mau Hồng Hoài Hận, nhận định, hầu hết các Điểm giao dịch NHCSXH tại xã hoạt động ngày càng ổn định, mang lại hiệu quả cao. Thông qua các hoạt động tại Điểm giao dịch, ngân hàng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ vay, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vừa tăng cường theo dõi quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội của cấp uỷ, chính quyền cơ sở.

“Thời gian tới, ngoài việc đầu tư hiệu quả vào các chương trình kinh tế trọng điểm trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác qua các tổ chức hội, đoàn thể và các Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn. Ðồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, thực hiện công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân”, ông Hồng Hoài Hận cho biết thêm.

Bài và ảnh Hồng Phượng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác