Cho vay HSSV ở Yên Mô

17/03/2015
(VBSP News) Tổng dư nợ cho vay HSSV toàn huyện Yên Mô (Ninh Bình) đến nay là trên 113 tỷ đồng với 4.667 hộ vay. Nguồn vốn đã tạo điều kiện giúp hàng nghìn HSSV theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trang trải chi phí học tập. Thời gian này, NHCSXH huyện đang tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn HSSV học kỳ II (năm học 2015 - 2016), đảm bảo không để HSSV nào phải bỏ học vì thiếu tiền.
Phụ huynh HSSV xã Yên Đồng nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch của NHCSXH

Phụ huynh HSSV xã Yên Đồng nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch của NHCSXH

Chúng tôi có mặt tại xã Yên Đồng vừa đúng vào ngày các cán bộ NHCSXH huyện xuống giao dịch với khách hàng, đồng thời triển khai giải ngân cho hộ gia đình HSSV vay vốn. Chị Phạm Thị Minh ở xóm Đông Xá cho biết: “Nhà tôi có 2 cháu, một cháu đang học Đại học Xây dựng năm thứ 2, một cháu học cao đẳng. Thu nhập cả gia đình chỉ trông chờ vào 8 sào ruộng, chăn nuôi vài con lợn, có cố gắng đi làm thuê cũng chẳng được 7 - 8 triệu đồng mỗi tháng cho các cháu ăn học. Thật may, được NHCSXH tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay HSSV nên vợ chồng tôi mới có điều kiện cho các con theo đuổi nghiệp học hành”.

Qua nghe cán bộ xã giới thiệu về gia cảnh của bà Phạm Thị Hảo ở xóm Thái Bình, chúng tôi càng thấy chính sách tín dụng đối với HSSV thật ý nghĩa. Chồng bà đã mất cách đây 10 năm, một mình bà xoay xở nuôi 9 người con. Hoàn cảnh khó khăn nhưng các con của bà đều ngoan ngoãn, trưởng thành. Trò chuyện với chúng tôi bà Hảo cứ rơm rớm nước mắt vì cảm động, bà tâm sự: “Sở dĩ các cháu vẫn theo học được tại các trường chuyên nghiệp, phương trưởng như ngày hôm nay là nhờ được vay vốn từ NHCSXH huyện. Giờ đã qua cái giai đoạn khó khăn rồi, cháu út đã học xong ra trường và đi làm ở Hà Nội, có tiền gửi về để hôm nay tôi ra trả hết nợ ngân hàng”.

Trao đổi với bà Phạm Thị Duyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Đồng, chúng tôi được biết: Yên Đồng là xã đặc biệt khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu trông vào trồng lúa, chăn nuôi. Hiện tại, cả xã vẫn còn 237 hộ nghèo và 208 hộ cận nghèo trên tổng số 2.321 hộ (chiếm lần lượt 10,22% và 8,97%). Tuy nhiên, người dân trong xã có truyền thống hiếu học, những năm qua, số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng khá cao, mỗi năm có khoảng 50 - 60 cháu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, nghề. Nhằm tạo điều kiện cho các cháu được tiếp tục học tập ở các trường chuyên nghiệp, khi có chính sách của Nhà nước, UBND xã, Ban giảm nghèo xã đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng từ đội ngũ cán bộ xã đến các thôn, xóm, từng hộ dân để mọi người nắm bắt được chính sách. Đồng thời, chỉ đạo các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện ủy thác cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vốn. Vì vậy, từ khi triển khai cho vay đến nay, xã Yên Đồng đã có hàng trăm gia đình được tiếp cận với nguồn vốn HSSV, trong đó có nhiều hộ gia đình có từ 2 con trở lên đang theo học tại các trường đều tham gia vay vốn. Cụ thể, tại thời điểm hiện tại toàn xã có 525 hộ đang vay vốn HSSV với tổng dư nợ trên 11 tỷ đồng.

NHCSXH huyện Yên Mô là đơn vị có dư nợ cao về cho vay HSSV. Được biết, để đạt được kết quả như vậy không hề đơn giản, vì hiện có 9 cán bộ, nhưng chỉ có 5 cán bộ làm công tác tín dụng, đảm nhận cho vay ở 17 xã, thị trấn. Các chương trình tín dụng của ngân hàng ngày càng nhiều nên cường độ lao động của đội ngũ cán bộ ở đây rất vất vả. Đối với thực hiện cho vay HSSV cũng còn nhiều khó khăn vì một năm cho vay 2 kỳ học. Từ khi triển khai đến nay, mức vay và thời gian vay lại thay đổi cho phù hợp với thực tế nên cán bộ ngân hàng phải mất nhiều thời gian hướng dẫn (từ thực hiện các quy trình thủ tục cho vay đến công tác lưu giữ hồ sơ; kiểm tra). Song, với tinh thần trách nhiệm cao, đội ngũ cán bộ ngân hàng đã không quản ngại để người dân tiếp cận với nguồn vốn trên.

Bà Bùi Thị Hạnh - Phó giám đốc NHCSXH huyện Yên Mô cho biết: Rút kinh nghiệm từ công tác giải ngân vốn vay cho HSSV nhiều năm trước, vài năm gần đây, ngân hàng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ cho Ban giảm nghèo xã, các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở ngay từ khi năm học mới chưa bắt đầu. Đồng thời, phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt đối với hộ vay mới, vay lần đầu để tránh tình trạng người dân đến ngân hàng không vay được vốn do thiếu thủ tục.

Bài và ảnh Hà Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác