Cuộc sống mới bên dãy Trường Sơn

20/03/2015
(VBSP News) Có lên huyện biên giới A Lưới thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế vào những ngày này ta mới cảm nhận hết niềm vui của đồng bào dân tộc Pa Kô, Cà Tu, Tà Ôi, Kinh và Pa Hí. Người dân ở khắp 21 xã, thị trấn nằm bên dãy Trường Sơn hùng vĩ này đều thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhưng lại đang có niềm vui gấp bội bởi nhận được sự quan tâm đầu tư có hiệu quả từ các chương trình, dự án của Nhà nước, đặc biệt nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đang được NHCSXH thực hiện đã làm thay đổi căn bản bộ mặt vùng miền núi nơi đây. Sự nghèo khó đang từng bước được đẩy lùi, phấn đấu làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Đồng vốn chính sách không những tiếp sức cho đồng bào dân tộc ở huyện A Lưới mở rộng phát triển sản xuất nông, lâm, nghiệp mà còn giúp nghề dệt Zèng truyền thống phát triển

Đồng vốn chính sách không những tiếp sức cho đồng bào dân tộc ở huyện A Lưới mở rộng phát triển sản xuất nông, lâm, nghiệp mà còn giúp nghề dệt Zèng truyền thống phát triển

Lãnh đạo NHCSXH huyện A Lưới cho biết, năm 2014, đơn vị được giao tăng trưởng nguồn vốn là 18,2 tỷ đồng, trong đó tập trung cho vay chương trình tín dụng hộ nghèo 5,9 tỷ đồng, hộ cận nghèo 7,4 tỷ đồng còn lại là cho hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay và ưu tiên hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn… Để thực hiện tốt việc giải ngân, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền tín dụng chính sách, đối tượng được vay vốn, phát huy vai trò Tổ tiết kiệm và vay vốn để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn thuận lợi, kịp thời và sử dụng vốn vay vào phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu có gia đình chị Hồ Thị Hợp ở thôn La Tưng, xã A Đớt trước đây rất nghèo khổ. Nhà có đất vườn, đất ruộng nhưng chị phải đem cầm cố rồi mưu sinh bằng nghề gánh thuê, tráng bánh canh gia công. Năm 2010, được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ, chị Hợp đã sử dụng 25 triệu đồng vay của ngân hàng đầu tư vào gieo cấy 4 sào lúa nước và chăn nuôi 2 con lợn nái. Sau một thời gian ngắn, chị thu lãi 16 triệu đồng từ lúa và lợn giống. Nhân thành quả ban đầu, chị mạnh dạn vay tiếp vốn ưu đãi từ chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để phát triển nghề dệt Zèng truyền thống, khai hoang đất đồi trồng keo và nuôi bò lai sind. Chẳng mấy chốc, kinh tế gia đình khấm khá, vừa mới đây, chị còn mua cả máy cắt cỏ phục vụ nuôi bò, sửa sang lại căn nhà cũ nát.

Cũng ở xã A Đớt, gia đình ông Hồ Văn Mạnh mới ngày nào hoàn cảnh cũng rất khó khăn, thiếu vốn sản xuất. 3 năm trước, ông Mạnh tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm vay vốn của chi Hội CCB xã, được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng hộ nghèo. Nhận tiền vay, mọi người trong gia đình cải tạo vườn tạp, mở thêm đất đồi trồng hồ tiêu, cao su tiểu điền. Được nguồn vốn chính sách làm “bà đỡ” mát tay, gia đình người CCB già Hồ Văn Mạnh, dân tộc Tà Ôi đã “phát đạt” với 2ha vườn xanh cùng đàn bò 12 con khoẻ mạnh. “Năm nay, gia đình tôi thoát hẳn nghèo rồi. Trong sản xuất, đồng bào dân tộc khó khăn nhất vẫn là thiếu vốn. Nhưng những năm qua nhờ có NHCSXH hỗ trợ kịp thời, bà con đã yên tâm sản xuất, cải thiện đời sống”, CCB Mạnh nói.

Đến nay, trên vùng dân tộc miền núi A Lưới đã có hàng chục nghìn lượt hộ gia đình được vay vốn chính sách với hơn 200 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh làm thay đổi bộ mặt vùng quê bên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đồng bào nơi đây vẫn tiếp tục vay vốn, sử dụng vốn vay vay ưu đãi đầu tư vào những công việc hữu ích, đồng thời cũng luôn nêu cao ý thức, giúp đỡ nhau làm kinh tế và trả tiền vay, tiền lãi cho ngân hàng đúng hạn, không thiếu một đồng, đảm bảo ngày càng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác