Phát triển rừng trên vùng cao A Lưới
Anh Hồ Sĩ Khu ở thôn La Tương, xã A Đớt là một trong những gia đình dân tộc Tà Ôi đã sử dụng vốn vay ưu đãi để phát triển nghề rừng. Với số tiền vay 28 triệu đồng ban đầu, đến nay, anh Khu đã sở hữu 3ha rừng keo lá chàm. Anh Khu cho biết “Trước năm 2008, gia đình tôi từng lăn lộn làm nhiều nghề, thực hiện một vài mô hình trồng trọt, chăn nuôi nhưng không thu được kết quả. Sau đó, nhận thấy lợi thế về đất đồi gò của địa phương, tôi quyết định vay vốn chính sách đầu tư mua cây giống, vật tư, khai hoang mở đất phát triển kinh tế đồi rừng. Sau 5 năm, rừng trồng keo đã cho thu hoạch trên 400 triệu đồng; sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 160 triệu đồng; cộng thêm với việc chăn nuôi, trồng trọt ruộng nương nên đời sống gia đình ngày càng khấm khá, thoát nghèo chắc chắn rồi”.
Hay như trường hợp nhà anh Hồ Văn Ngoàn ở thôn Ba Ríts, xã A Đớt từng là một hộ nghèo của thôn, nay nhờ nguồn vốn ưu đãi trợ lực để thâm canh rừng cây đã vươn lên làm giàu, trở thành điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Anh Ngoàn chia sẻ kinh nghiệm: “Tranh thủ nguồn vốn chính sách kết hợp với các chương trình khác về tiền vốn, kỹ thuật hỗ trợ vùng miền núi dân tộc phát triển kinh tế, tôi mạnh dạn nhận 6ha đất đồi để trồng keo lá chàm. Trồng loại cây rừng này rất dễ, ít bị sâu bệnh, mà đất đai nơi đây lại khá màu mỡ phù hợp trồng các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả. Thêm nữa, việc vay vốn ưu đãi cũng đơn giản, dễ dàng. Từ năm 2012 đến nay, bình quân mỗi năm tổng thu nhập từ nghề rừng của gia đình tôi xấp xỉ 300 triệu đồng. Nhờ kinh tế rừng nên gia đình không còn nghèo nữa, trả nợ đầy đủ cho Nhà nước và còn có điều kiện giúp đỡ bà con trong thôn như bán chịu nhiều cây giống, cho vay tiền không tính lãi”.
Ông Đoàn Thanh Chương - Giám đốc NHCSXH huyện A Lưới cho biết: để nguồn vốn ưu đãi sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả NHCSXH đã phối hợp tốt với các hội, đoàn thể, chính quyền xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai cho vay kịp thời, đúng đối tượng; đồng thời, tăng cường kiểm tra, theo dõi trong quá trình sử dụng vốn vay.
Hiện tại, chương trình cho vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế rừng trên địa bàn huyện A Lưới có dư nợ khá cao, tới 49,7 tỷ đồng trong tổng dư nợ 182 tỷ đồng với trên 2.300 hộ ở tất cả 21 xã, thị trấn còn dư nợ, khoản vay cao nhất là 30 triệu đồng. Những hộ được vay vốn đã đầu tư trồng rừng và xây dựng được nhiều mô hình kinh tế nông lâm kết hợp hiệu quả.
Bài và ảnh Hồ Đức Thọ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG (Đợt II năm 2014)
- » Lập nghiệp, làm giàu nhờ vốn chính sách
- » Cải tiến thủ tục vay vốn ưu đãi
- » Thanh niên xã Tam Đa thoát nghèo
- » Khi phụ nữ làm kinh tế từ vốn chính sách
- » Nông dân huyện Krông Năng vui mừng được tiếp cận vốn chính sách
- » Thành phố Hòa Bình chỉ còn 1,6% hộ nghèo
- » Tín dụng chính sách trên vùng đất Tây Nguyên
- » Từ Sơn thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » NHCSXH huyện U Minh đồng hành cùng người nghèo