Nông dân huyện Krông Năng vui mừng được tiếp cận vốn chính sách

24/03/2014
(VBSP News) Theo đánh giá của Ông Y Tô Nrê K Dân - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk, hoạt động uỷ thác vay vốn tín dụng ưu đãi do các cấp Hội Nông dân thuộc huyện Krông Năng đã tạo điều kiện cho hội viên có vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của tỉnh; đồng thời, nâng cao năng lực quản lý tài chính, tín dụng của đội ngũ cán bộ hội, đoàn thể, thu hút nhiều nông dân tình nguyện tham gia vào tổ chức hội.
Nhiều hộ nông dân ở Krông Năng thành công với mô hình phát triển ca cao dưới tán điều

Nhiều hộ nông dân ở Krông Năng thành công với mô hình phát triển ca cao dưới tán điều

Tìm hiểu được biết, thời gian qua, được sự giúp đỡ của NHCSXH, Hội Nông dân huyện Krông Năng đã thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, lựa chọn những thành viên có đủ trình độ, uy tín làm Tổ trưởng. Cùng với đó, hội còn chủ động phối hợp mở các lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ uỷ thác, quy trình quản lý, điều hành, thủ tục vay vốn chính sách cho cán bộ hội và Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn; đôn đốc, vận động các hội viên vay vốn thực hiện trả lãi đều đặn hàng tháng và thu hồi nợ đầy đủ đúng hạn, không để xảy ra tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn.

Hiện nay, Hội Nông dân huyện Krông Năng quản lý 118 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với tổng dư nợ uỷ thác của NHCSXH trên 60 tỷ đồng. Đây được coi là nhịp cầu dẫn vốn tiện ích nhất giúp nông dân vay vốn, sử dụng vốn chính sách đúng mục đích, đạt hiệu quả. Như gia đình anh Mai Xuân Nghĩa ở thôn Lộc Thành, xã Phú Lộc cách đây 3 năm được Hội Nông dân xã tín chấp vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh để đầu tư nuôi nhím. Sau 18 tháng nuôi, từ một cặp nhím bố mẹ, anh phát triển được 18 con, xuất chuồng bán 10 con nhím giống lấy tiền lãi đầu tư vườn cà phê, ca cao rộng 1,5ha. Anh Nghĩa cho hay: “Nhờ có nguồn vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi nên gia đình tôi có thêm điều kiện mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khoan giếng tưới nước thâm canh vườn cà phê, nâng sản lượng từ 4 lên 5 tấn. Tháng 8 năm nay đến thời hạn trả nợ, tôi mong muốn được NHCSXH và Hội Nông dân giúp đỡ để tiếp tục vay lại với số tiền nhiều hơn để mở rộng quy mô sản xuất”.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Trọng Học ở Tổ dân phố 1, thị trấn Krông Năng cũng được Hội Nông dân tín chấp vay 26 triệu đồng từ NHCSXH phát triển nghề làm bánh tráng, bún khô, kết hợp với nuôi heo. Trước Tết giáp Ngọ, gia đình ông không những trả được nợ ngân hàng mà còn vươn lên thành hộ giàu với thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm.

Còn đối với chị Võ Thị Huê ở thôn Lộc Tân, cùng xã Phú Lộc, huyện Krông Năng thì nguồn vốn vay HSSV đã như “phao cứu sinh” giúp chị nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn. Chồng chị mất sớm do bệnh hiểm nghèo, mình chị tần tảo sớm khuya lao động nuôi mẹ già, con nhỏ. Khi cả 2 cô con gái học giỏi lần lượt từ năm 2011 đến 2012 trúng tuyển các trường Đại học Tây Nguyên và Đà Nẵng, chị vui mừng song lại rất lo lắng và không biết xoay sở ra sao để có đủ tiền cho con về thành phố học hành: Chia sẻ với hoàn ảnh khó khăn của chị Huê, chi hội Nông dân và Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn Lộc Tân đã tín chấp, bình xét cho chị vay vốn ưu đãi từ NHCSXH. “Đợt giải ngân bổ sung đầu năm 2014, gia đình tôi đã được vay thêm vốn ưu đãi HSSV, tổng cộng 3 lần gần 20 triệu đồng rồi. Tôi cám ơn sự hỗ trợ kịp thời của NHCSXH”, chị Hụê bộc bạch tâm sự.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc, Nguyễn Văn Thắng cho biết, dựa vào nguồn vốn được phân bổ, Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân đã mời đại diện Ban chỉ đạo, Chi bộ, Ban tự quản và các thành viên đến cùng họp, bình xét công khai, dân chủ và ưu tiên tới những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn được vay vốn trước. Cách làm như vậy, đảm bảo nguồn vốn giải ngân đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích đạt hiệu quả cao.

Bài và ảnh Trần Quốc Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác