Góp phần đổi thay vùng quê Nam Bộ

19/03/2014
(VBSP News) Hồng Dân là huyện trọng điểm lúa của tỉnh Bạc Liêu với 9 xã, thị trấn. Hiện, huyện đã được NHCSXH mở các Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn và tổ chức giao dịch theo lịch cố định hằng tháng, bất kể thứ bẩy hay chủ nhật. Tại các Điểm giao dịch đều được niêm yết công khai các thông tin liên quan đến chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách hộ vay... bố trí nơi làm việc đúng với quy định, tiện ích, an toàn cho mối liên hệ giữa ngân hàng với khách hàng.
Khách hàng đang giao dịch tại trụ sở Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hồng Dân

Khách hàng đang giao dịch tại trụ sở Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hồng Dân

Giám đốc NHCSXH huyện Hồng Dân, Huỳnh Văn Lý cho biết: “Để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận dễ dàng nguồn vốn chính sách, hằng tháng theo lịch, Tổ giao dịch đến Điểm giao dịch để giải ngân vốn theo nhu cầu của người vay và thu hồi vốn đến hạn. Vì vậy, người dân giảm được thời gian và chi phí đi lại. Cán bộ ngân hàng cũng hiểu được tâm tư nguyện vọng và những khó khăn vướng mắc của người dân hơn để có điều kiện hỗ trợ phù hợp, giúp đỡ họ vay vốn, sử dụng vốn vay vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Riêng trong năm qua, huyện đã có 6.371 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn với tổng số tiền là 77,3 tỷ đồng”.

Từ khi được vay vốn chính sách, có khá nhiều hộ đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất đạt hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng vốn ưu đãi đã góp phần giúp 861 hộ thoát nghèo.

Tiêu biểu như ông Lê Chí Dũng ở ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa thuộc diện hộ nghèo. Nhờ được vay vốn để chăn nuôi, trồng lúa thơm đặc sản, do được mùa lớn, bán lúa được giá, ông Dũng đã thoát cảnh khó khăn. Ông Dũng có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, nên được bà con trong ấp bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp. Ông Dũng bày tỏ: “Từ khi NHCSXH triển khai việc cho vay vốn tại xã, gia đình tôi cùng bà con vùng sông nước này đã vay vốn rất thuận tiện, kịp thời, không phải đi ghe xuồng mất 5 tiếng để ra thị trấn huyện vay tiền. Nhờ vậy, cuộc sống khấm khá, nhà ở khang trang hơn. Vui hơn nữa là ngày càng có thêm nhiều con em trong ấp được vay vốn HSSV để lên thành phố học đại học, cao đẳng…”.

Đúng vậy, nhằm đảm bảo các nguồn vốn phát huy hiệu quả góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, năm 2012, NHCSXH huyện Hồng Dân xây dựng đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi giai đoạn 2012 - 2014. Mục tiêu của đề án là đến hết năm 2013, tỷ lệ nợ quá hạn tối đa phải giảm xuống còn 2,85%, nhưng đến cuối năm 2013 mục tiêu này đã đạt ở mức 2,1%, tạo được sự ổn định về chất lượng tín dụng. Kế hoạch năm 2014, tỷ lệ này sẽ giảm dưới 1,9% và chỉ tiêu tín dụng sẽ đạt từ 120 - 125% so với năm 2013. Cùng với các giải pháp đồng bộ, NHCSXH huyện Hồng Dân rất chú ý xây dựng mạng lưới tín dụng, thông qua việc thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn và thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động theo quy định, hướng dẫn của ngân hàng. Hầu hết các Tổ trưởng, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức bình xét cho vay, giám sát việc sử dụng vốn của hộ vay, tích cực đôn đốc hộ vay trả nợ, thu lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn. Những công việc này không chỉ diễn ra công khai, dân chủ trong phạm vi Tổ tiết kiệm và vay vốn mà còn có sự chứng kiến, giám sát, hướng dẫn của các hội, đoàn thể nhận uỷ thác và Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, do vậy công tác tín dụng chính sách ở huyện Hồng Dân đã và đang có bước chuyển biến tích cực, làm thay đổi bộ mặt một vùng nông thôn Nam Bộ.

Bài và ảnh Trần Việt

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác