Tiếp sức sinh viên đến trường

18/03/2014
(VBSP News) Nhiều HSSV tại xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để hiện thực hóa ước mơ vào đại học.
Chị Phan Thị Tươi giới thiệu Giấy khen gia đình hiếu học của UBND xã tặng

Chị Phan Thị Tươi giới thiệu Giấy khen gia đình hiếu học của UBND xã tặng

Đổi thay ở một xã nghèo

Xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) trước đây được biết đến là một xã nghèo, giao thông đi lại khó khăn, trồng lúa, trồng ngô cũng không thuận lợi (diện tích đất sản xuất cả xã chỉ 164ha). Không chỉ thiếu thốn về vật chất mà trình độ dân trí của xã cũng tương đối thấp, mỗi năm số lượng các em học sinh thi đậu cao đẳng, đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi khi nhiều HSSV được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để hiện thực hóa ước mơ vào đại học.

Ông Vũ Xuân Trịnh - Chủ tịch UBND xã cho biết, từ năm 2007 khi có tín dụng HSSV, số lượng học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng lên rõ rệt. Trung bình mỗi năm xã chúng tôi có khoảng 35 - 40 em thi đậu các trường cao đẳng, đại học, tất cả các học sinh nghèo đều được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, dư nợ Chương trình tín dụng HSSV trên địa bàn xã đạt gần 6 tỷ đồng với 212 em được vay. Đặc biệt, 100% khoản nợ đều được trả đúng hạn, không có nợ quá hạn. “Để có được kết quả như vậy, xã thường xuyên tổ chức phát động phong trào hiếu học, thành lập các dòng họ hiếu học. Cứ  mỗi dịp Xuân về chúng tôi mời các gia đình có con em học giỏi đến trụ sở UBND xã để tuyên dương, khen thưởng, động viên khuyến khích các em” - ông Vũ Xuân Trịnh nói.

Đồng vốn đến đúng đối tượng

Theo chân cán bộ tín dụng NHCSXH, chúng tôi đến thăm hộ gia đình chị Phan Thị Tươi ở khu 5, xã Yên Tập. Gặp chúng tôi, chị không giấu nổi niềm vui: “Nhà tôi có 3 người con đều được vay vốn đi học là Nguyễn Thị Huyền Trang học trường Cao đẳng Y Phú Thọ; Nguyễn Thị Nhung học Đại học Hùng Vương và Nguyễn Anh Tuấn học Học viện Y dược Cổ truyền Hà Nội”. Ba con đều theo học đại học, cao đẳng là niềm hãnh diện của một gia đình ở xã Yên Tập, nhưng sự hãnh diện ấy cũng là gánh nặng đối với gia đình chị Tươi, bởi gia cảnh rất khó khăn. Chồng chị Tươi mất cách đây 13 năm, chị một mình nuôi 3 con ăn học, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và chăn nuôi gia cầm nên gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã.

Cố gắng, chăm chỉ làm ăn nhưng số tiền chị kiếm được cũng không đủ để cho các con đang theo học đại học. Nỗi lo đè nặng lên vai chị. Tín dụng HSSV đã giúp các con của chị thực hiện tiếp ước mơ đến giảng đường. “Hiện nay, tổng số tiền vay của gia đình tôi là 60 triệu đồng. Năm vừa rồi cháu lớn đã ra trường, có việc làm, gia đình đã tiết kiệm, tích cóp trả được nợ 20 triệu đồng cho NHCSXH. Nếu không có đồng tiền nhân nghĩa này, chắc gia đình cũng khó xoay xở có tiền để cho các cháu học tập” - chị Tươi rớm lệ nói.

Cùng chung hoàn cảnh khó khăn, gia đình chị Nguyễn Thị Tuy ở khu 6, xã Yên Tập thuộc diện hộ cận nghèo, chồng mắc bệnh thần kinh, liệt nửa người và không có khả năng giúp được việc gì cho gia đình. Nhưng vượt lên số phận, chị vẫn chăm chỉ làm đủ mọi việc để nuôi 3 con học hành đến nơi, đến chốn. Với mức chi phí đắt đỏ tại thành phố, nhiều lúc chị nghĩ đến chuyện cho con học nghề ở gần nhà.

Nhưng thật may mắn, trong lúc khó khăn nhất, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, gia đình chị được NHCSXH huyện Cẩm Khê cho vay tổng số tiền 76 triệu đồng để tiếp tục giúp các con thực hiện ước mơ đến trường. Chị Tuy phấn khởi: “Hiện 2 cháu đầu nhà tôi đã tốt nghiệp ra trường, tìm được việc làm tại thành phố và có thu nhập khá. Các cháu đều có ý thức trích một phần thu nhập của mình để cùng giúp gia đình trả nợ cho ngân hàng. Vì thế chúng tôi đã trả được 28 triệu đồng trong tổng số tiền được vay khi còn theo học”.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả Chương trình tín dụng HSSV, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc NHCSXH huyện Cẩm Khê cho biết: Nguồn vốn ưu đãi này đã tạo điều kiện, cơ hội cho HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về tài chính có thêm nguồn lực để đến trường, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ thực hiện ước mơ trong học tập.

Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Cẩm Khê không có HSSV nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Qua 6 năm thực hiện Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, tổng dư nợ NHCSXH huyện Cẩm Khê đạt 95 tỷ đồng, cho trên 8.000 lượt hộ được vay vốn, với 5.660 HSSV còn dư nợ.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bằng nhiều hình thức tuyên truyền như khuyến khích hộ vay trả lãi trước hạn sẽ được giảm lãi suất, đã có nhiều hộ vay có ý thức trả lãi, trả nợ trước hạn. Doanh số thu nợ trên địa bàn tính đến nay đạt 15,182 tỷ đồng, đặc biệt không có nợ quá hạn.

Để duy trì và phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn tín dụng HSSV, NHCSXH huyện Cẩm Khê tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề… để mọi người dân được biết và cùng thực hiện.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể cùng ngân hàng tăng cường công tác kiểm tra giám sát hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản, trong việc bình xét đối tượng cho vay, hướng dẫn người vay làm thủ tục vay vốn, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, đôn đốc hộ vay trả nợ đúng kỳ hạn.

Duy trì thực hiện tốt công tác giao dịch lưu động tại xã, coi trọng công tác giao ban của NHCSXH, để kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý thông tin, chủ chương, chính sách của Nhà nước đối với đối tượng thụ hưởng, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động tại các Điểm giao dịch xã, phường. 

Bài và ảnh Tuấn Ngọc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác