Cải tiến thủ tục vay vốn ưu đãi

26/03/2014
(VBSP News) Để khách hàng vay vốn ưu đãi thuận tiện, nhanh chóng và chính xác, NHCSXH đã chú trọng đổi mới quy trình cho vay hộ nghèo cũng như việc sửa đổi, bổ sung nghiệp vụ phát hành Biên lai thu lãi, đổi Sổ vay vốn... Đây là một việc làm cụ thể hóa chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ do Tổng Giám đốc NHCSXH ký ban hành.
Thủ tục vay vốn nhanh gọn, sau khi công tác đổi Sổ vay vốn đã hoàn tất

Thủ tục vay vốn nhanh gọn, sau khi công tác đổi Sổ vay vốn đã hoàn tất

Điểm nổi bật của chương trình tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo hiện nay ở vùng núi cao của tỉnh Điện Biên là mỗi khách hàng được NHCSXH cấp một Sổ vay vốn với mã số khách hàng sử dụng trong suốt quá trình vay vốn chính sách tại nơi cư trú, thay cho phải kê khai, sử dụng hàng chục loại giấy tờ, biểu mẫu kê khai để vay vốn như trước đây. Nhờ khâu đơn giản hóa về thủ tục hành chính đó, kết hợp với đổi mới trong công tác giao dịch của ngân hàng đã góp phần nâng tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Điện Biên năm 2013 đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng 134 tỷ đồng so với năm 2012, trong đó: chương trình cho vay hộ nghèo chiếm 62%; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn có dư nợ gần 216 tỷ đồng; hộ cận nghèo trên 32 tỷ đồng.

Chị Lò Thị Ảnh ở bản Tân, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên cho biết: So với trước kia và các ngân hàng khác, thủ tục vay vốn hiện tại của NHCSXH rất đơn giản, tiện lợi với đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới. Thí dụ, tôi đại diện cho gia đình viết đơn theo mẫu in sẵn và nộp cùng quyển Sổ vay vốn cho Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ghi rõ nội dung vay vốn theo chỉ dẫn. Sau đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành lập danh sách, chuyển qua chính quyền cơ sở xác nhận, đề nghị NHCSXH xem xét, phê duyệt. Chỉ sau một tuần lễ, gia đình tôi được ngân hàng cho vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi ở Điểm giao dịch tại UBND xã. Nhờ vậy, nhà tôi kịp thời có tiền vốn chăn nuôi trâu sinh sản, thoát dần cảnh nghèo túng”.

Chị Lò Thị Tơm ở bản Nà Hỳ 2, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ cũng là tấm gương trong phát triển kinh tế, giảm nghèo nhờ vay vốn ưu đãi thuận tiện, kịp thời xây dựng mô hình nuôi cá thương phẩm và trồng rau xanh. Chị Tơm chia sẻ: “Trước đây cuộc sống của gia đình tôi chỉ trông vào mấy sào ruộng để kiếm sống; hơn nữa, người dân tộc như tôi quanh quẩn ở bản làng nên rất ngại vay vốn ngân hàng, vì vay rồi chẳng biết làm gì sinh lời, nên cuộc sống cứ chật vật, khó khăn”. Nhưng từ khi tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ, lại được cán bộ tín dụng chính sách khuyên nhủ tận tình, chị vay 26 triệu đồng mua cá giống, thức ăn chăn nuôi và cải tạo ao đầm. Chỉ sau 1 năm gia đình chị đã có 7.000m2 ao cá, bao gồm 3 ao nuôi cá thịt, và 2 ao nuôi cá giống. Ngoài ra chị trồng hơn 1.000m2 rau xanh, tạo nguồn thu cho gia đình hơn 150 triệu đồng/năm.

Cùng với quy trình cho vay hộ nghèo ở tỉnh Điện Biên được cải cách theo hướng đơn giản, thuận tiện là việc phát hành Biên lai thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn và thanh toán hoa hồng cho Tổ tiết kiệm và vay vốn… cũng được NHCSXH các huyện thực hiện, đã chấm dứt việc uỷ nhiệm cho Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tự chi trả tiền gửi tiết kiệm cho tổ viên, xác định chính xác ngày chốt lãi để in Biên lai tính lãi, định kỳ thanh toán chi trả các loại phí dịch vụ, hoa hồng cho Tổ tiết kiệm và vay vốn vào ngày giao dịch cố định và điểm giao dịch lưu động của NHCSXH tại xã…

Ông Đàm Xuân Triệu - Giám đốc NHCSXH tỉnh Điện Biên khẳng định: Những cải tiến về các thủ tục liên quan đến quá trình vay vốn của người dân vừa góp phần cải cách thủ tục hành chính, vừa đảm bảo chặt chẽ hơn trong quản lý vốn ưu đãi, nối liền ngân hàng với khách hàng; nhằm ngăn ngừa các tiêu cực có thể xảy ra và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ưu đãi với việc giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc, miền núi Tây Bắc.

Bài và ảnh Bùi Hoàng Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác