Tươi xanh cả vùng “cửa ngõ” miền Tây Bắc

23/03/2015
(VBSP News) Chúng tôi vừa có chuyến đi tìm hiểu cuộc hành trình của tín dụng ưu đãi trên miền Tây Bắc rộng lớn. Điểm đến đầu tiên là huyện Trấn Yên (Yên Bái) mà mọi người quen gọi là Trấn Yên - cửa ngõ, bởi đó là nơi tiếp giáp của vùng thấp với vùng cao các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, chúng tôi dễ nhận thấy cả vùng “cửa ngõ” này đang trù phú, tươi xanh, không còn cảnh nghèo nàn, hoang vắng như hơn một thập kỷ trước...
Nhờ chịu khó, chăm chỉ làm ăn gia đình anh Nguyễn Thế Dũng, chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn 8, xã Minh Quán đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo

Nhờ chịu khó, chăm chỉ làm ăn gia đình anh Nguyễn Thế Dũng, chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn 8, xã Minh Quán đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo

Chính người dân sinh sống bên các triền núi đồi, dọc đầu nguồn sông Hồng, cũng bất ngờ trước sự đổi thay nhanh chóng của quê hương, đã sung sướng nói rằng: Mới ngày nào nghèo khó còn đeo bám từng nhà, khắp thôn bản vùng cửa ngõ Trấn Yên này đang đẩy lùi bởi được sự giúp đỡ của Nhà nước, của các cấp, các ngành, trong đó có hiệu quả đầu tư của các chương trình tín dụng ưu đãi. Đến thăm xã Minh Quán, một xã nằm sâu hút giữa dãy đồi như bát úp của huyện Trấn Yên, chúng tôi tận mắt thấy những cánh rừng keo màu mỡ cùng những vườn chè, quế xanh ngắt. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Kỳ Phong, cho biết: Minh Quán vốn là nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, diện tích đất trồng, đồi trọc nhiều, nhưng nay cảnh đó đang bị đẩy lùi rồi, ruộng đồng, núi non không còn hoang hóa, người dân đã mạnh dạn vay vốn chính sách và tìm mọi cách sử dụng vốn vay hiệu quả. Toàn xã hiện có 481 hộ nghèo sử dụng hơn 11 tỷ đồng của 7 chương trình tín dụng từ NHCSXH để trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, chăm lo việc học hành cho con em, trong đó chủ yếu đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng, vườn rừng… Đến nay, ở 11 thôn, bản trong xã đã trồng được gần 400ha rừng. Một số hộ nhờ sự hỗ trợ của đồng vốn chính sách đã vừa mở rộng diện tích trồng rừng, vừa thâm canh chăm sóc tốt các loại cây trồng, vật nuôi, thoát cảnh túng bấn, mua sắm cả xe ô tô bán tải, máy xay xát gạo, ngô, máy sao, sấy chè. Theo ông Phong thì thu nhập chủ yếu của nông dân xã Minh Quán hiện nay dựa vào các loại cây trồng đặc thù như keo, mỡ, bạch đàn, nấm lim, măng tre. Tiêu biểu có vợ chồng anh Nguyễn Thế Dũng, chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn 8 vay 20 triệu đồng chương trình hộ nghèo. Nhờ chịu khó, chăm chỉ làm ăn hiện nay gia đình anh chị đã có 500 con gà, 80 con lợn, 3 con trâu, đầu năm 2015 đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.

Cùng xã với gia đình anh Dũng, chị La Thị Hội ở bản Hang Dơi đang là tấm gương vượt khó, làm giàu nhanh. Năm 2008, chị Hội được vay vốn chương trình tín dụng hộ nghèo để mua cây giống, vật tư, khai phá đất đồi, trồng được 5ha rừng cây nguyên liệu giấy, đến nay bắt đầu khai thác, bán gỗ cây thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng, ấy là chưa kể đến đàn bò lai sind 6 con và 2 dãy chuồng lợn giống. Theo chị Hội thì đầu tư trồng rừng nguyên liệu giấy phải chi phí từ 10 - 12 triệu đồng, sau 5 - 6 năm sẽ cho thu hoạch từ 60 - 70 triệu đồng/ha. Trừ các khoản chi phí, trả lãi ngân hàng mỗi ha rừng cũng mang lại số tiền lãi bình quân 12 - 15 triệu đồng/năm. Như vậy, với những hộ làm nghề trồng rừng được sự hỗ trợ, tiếp sức của NHCSXH, chắc chắn thoát nghèo bền vững.

Rời xã Minh Quán, xe chúng tôi vòng qua men theo những khu rừng trồng mới, ngược lên xã Hoà Cuông. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đỗ Viết Bảo đã tới đây từ sớm để đón tiếp đoàn. Tuy không phải là người địa phương (ông Bảo quê gốc ở tỉnh Nam Định, từng là bộ đội rồi phục viên tự nguyện lập nghiệp ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên) nhưng ông Bảo có sự hiểu biết tường tận về quê hương mới đến mức khâm phục. Nói chuyện với chúng tôi, ông thông thuộc và chính xác gần như không cần nhìn vào sổ sách. Hòa Cuông là xã thuộc vùng 2, trước đây có tỷ lệ hộ nghèo rất cao, được Nhà nước đầu tư nhiều chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn ưu đãi hiện có tổng dư nợ với NHCSXH trên 12 tỷ đồng. Nhờ vậy mà diện mạo các thôn, bản thay đổi nhanh chóng và phong trào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp phát triển mạnh, đồng đều.

Gia đình anh Nịnh Văn Chung, dân tộc Cao Lan ở thôn 1, xã Hòa Cuông đang được đánh giá là điển hình về sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, làm kinh tế giỏi. Trước năm 2008, cả nhà anh Chung còn phải tá túc trong căn nhà cấp 4 xập xệ. Thấy vậy, Hội Nông dân xã đã đảm nhận giúp đỡ anh vay 30 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư trồng rừng và nuôi trâu. Cùng với đó, mỗi khi địa phương mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cán bộ ngân hàng và Hội Nông dân đã tạo điều kiện cho ông tham dự. Cũng như đi tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi. Thế là cùng một lúc, anh Nịnh Văn Chung được lợi cả hai thứ: “con cá” và “cần câu”. Sau vài vụ chăm chỉ lao động, gia đình anh đã gây dựng được cơ ngơi kha khá, bao gồm 4 con trâu sinh sản, 20 con lợn thịt, 4,5ha keo lá chàm, quế, chè sạch cùng 7 sào gieo đỗ tương, đậu xanh 3 vụ/năm. Mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp của anh Chung không chỉ đạt mức thu nhập 200 triệu đồng/năm mà còn giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho 6 lao động của gia đình.

Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến sự tác động tích cực, trực tiếp của nguồn vốn ưu đãi, góp phần đánh thức những vùng đất nghèo khó, đồng thời làm chuyển động cả vùng “cửa ngõ” của miền núi cao Tây Bắc đổi thay, no ấm và tươi xanh.

Bài và ảnh Nguyễn Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác