Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Lũng Pô chỉ cách nước bạn một dòng suối nhỏ, nơi dòng sông Hồng và dòng suối Lũng Pô gặp nhau. Là bản mới của người Mông từ xã Dìn Chin, huyện Mường Khương cách xa gần 130km đến đây lập nghiệp. Ông Ma Seo Páo đã có thâm niên 16 năm làm Trưởng bản Lũng Pô 2 từ hồi còn ở Mường Khương, kể: Tả Thàng, quê cũ của ông, nằm chênh vênh trên sườn núi đá, đất đai khô cằn, hàng chục hộ dân chung nhau một mạch nước nhỏ như ngón tay cái. Mảnh nương con con cách nhà cả ngày trời đi bộ. Đất chật, người đông, nương rẫy bạc màu, thiếu nước tưới, làm còng cái lưng, mờ cái mắt mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc; trẻ con thì đói cái chữ… Bây giờ ở Lũng Pô dân bản mình yên tâm rồi. Ra khu vực biên giới lập thôn, đất đai rộng, được Nhà nước hỗ trợ giống mới, kỹ thuật tiến bộ; được bộ đội giúp sức, NHCSXH cho vay vốn thỏa sức làm ăn.
Ở bản Lũng Pô 2 ai cũng quý mến, khâm phục Trưởng bản Ma Seo Páo, bởi đức tính gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước và hết lòng tận tụy với dân, với bản. Vì thế, hơn 20 năm nay ông liên tục được dân bầu làm Trưởng bản. Trong cuộc di dân từ xã Dìn Chin, huyện Mường Khương đến xã biên giới A Mú Sung, huyện Bát Xát, biết bà con mình vốn quen với cách nghĩ đơn giản và cách làm cụ thể ông đi trước, làm trước, trồng thử cây ngô, cây lúa xuống đất Lũng Pô. Kết quả lúa sai bông, ngô trĩu hạt, nhờ đất Lũng Pô màu mỡ lại gần suối, dễ làm ăn hơn Tả Thàng. Lấy “thành quả” gieo trồng, ông về quê vận động bà con đến vùng “đất hứa”.
Được sự giúp đỡ tận tình của Bộ đội biên phòng, Đoàn kinh tế quốc phòng 345 người dân nhanh chóng “an cư”, tập trung trồng ngô, lúa đảm bảo nguồn lương thực ổn định. Thấy địa hình không thể mở rộng diện tích lúa nước; trồng ngô, lúa nương cũng không hết đất, Trưởng bản Ma Seo Páo lại cơm nắm lặn lội về xã Bản Lầu, huyện Mường Khương học cách trồng cây dứa rồi về dạy cho dân. Được xã hỗ trợ giống dứa theo Chương trình 135, thấy đây là cơ hội để bà con có nguồn thu, góp phần thoát nghèo. Ông họp dân, vận động bà con vay vốn ưu đãi trồng dứa. Hầu hết các hộ trong bản vay vốn, hộ nhiều nhất vay tới 10 triệu đồng. Vậy là, 5 vạn gốc dứa đầu tiên bén rễ rộng khắp 17ha đất Lũng Pô. Hợp với khí hậu, đất đai, cây dứa tua tủa vươn lên, cho quả to và đẹp chẳng kém gì dứa Bản Lầu. Vụ đó, dứa được mùa, được giá. Xe thương lái vào tận bản mua đi tiêu thụ. Mỗi hộ thu trên 20 triệu đồng. Cả bản vui như hội. Nhiều hộ có tiền trang trải cuộc sống gia đình, điều mà hầu như không có nếu ở bản cũ. Mấy hộ nghèo “kinh niên” như gia đình Sùng Thị Mai, Hầu Seo Chu, Lù Seo Nha… mỗi hộ được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng, trồng 5.000 gốc dứa, bán được 20 triệu đồng, phấn khởi gọi cây dứa là “cây cao sản giảm nghèo”; NHCSXH là bạn của dân bản. Thắng lợi cây dứa, năm 2010 Trưởng bản Ma Seo Páo lại có thêm quyết định táo bạo, họp dân, vận động bà con tiếp tục vay vốn NHCSXH đưa cây chuối mô vào trồng. Ganh đua với dứa, chuối mô trồng ở Lũng Pô 2 cây nào cũng mập mạp, buồng to, quả đều tăm tắp. Cuối năm đó giá chuối xanh bán sang Trung Quốc 13 nghìn đồng/kg, nhiều hộ thu về 50 - 60 triệu đồng.
Theo ông Đặng Hồng Sinh - Chủ tịch UBND xã A Mú Sung, giúp dân biên cương giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bên anh “bộ đội cụ Hồ” là NHCSXH. Tính đến nay, tổng dư nợ của toàn huyện Bát Xát đạt trên 191 tỷ đồng, trong đó riêng xã A Mú Sung trên 6,2 tỷ. Bản Lũng Pô 2 với khoảng 27 hộ dân, nhưng đạt dư nợ trên 329 triệu đồng. Phía sau món nợ tín dụng chính sách, Lũng Pô 2 có tới 15ha dứa, 30ha chuối mô. Cả bản không còn hộ đói, giờ chỉ lo xóa nghèo và làm giàu. “Từ một bản mới - ít tuổi nhất A Mú Sung, nay trở thành bản giàu có nhất xã. Lũng Pô 2 - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, là điểm sáng phát triển kinh tế - văn hóa suốt một dải biên giới và vùng cao Bát Xát”, Chủ tịch UBND xã Đặng Hồng Sinh đánh giá.
Bài và ảnh Hồ Thiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nông dân Bắc Ninh vay vốn phát triển kinh tế
- » Hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi từ nguồn vốn chính sách
- » Chuyện thoát nghèo ở vùng cao biên giới phía Bắc
- » Tươi xanh cả vùng “cửa ngõ” miền Tây Bắc
- » Đổi mới tín dụng chính sách ở xã biển Xuân Thành
- » Cuộc sống mới bên dãy Trường Sơn
- » Chuyện giảm nghèo ở một vùng biên giới Tây Nguyên
- » Chuyển động giữa cù lao sông Hậu
- » Bản Mường nay đã khác xưa
- » Vượt khó từ “cú hích” 15 triệu đồng