Nghệ An với công tác giảm nghèo bền vững

03/06/2015
(VBSP News) Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức thành công Hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 và giúp đỡ các xã nghèo miền núi phía Tây. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ lần thứ XII của tỉnh, thông qua chính sách giảm nghèo hỗ trợ từ TW, cùng sự đồng hành nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH, tỉnh Nghệ An đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Bà con nông dân xã Hương Sơn, huyện miền núi Tân Kỳ vay vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi bò hiệu quả

Bà con nông dân xã Hương Sơn, huyện miền núi Tân Kỳ vay vốn ưu đãi đầu tư chăn nuôi bò hiệu quả

Báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, đầu năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh là 22,89%, với gần 165 nghìn hộ. Cả tỉnh có 142 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30% trở lên, tập trung ở 10 huyện miền núi. Cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 10,28%, dự kiến đến cuối năm nay giảm xuống còn 7,5%. Bình quân trong 5 năm (2011 - 2015) tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

5 năm qua, thông qua các chính sách hỗ trợ từ TW, cơ chế của tỉnh và cùng với việc tập trung đẩy mạnh thực hiện mục tiêu vận động xã hội hóa huy động các nguồn lực giảm nghèo, toàn tỉnh Nghệ An đã huy động được 14.194 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TW đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia là 13.544 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí theo cơ chế của tỉnh là 55 tỷ đồng. Nguồn xã hội hóa huy động từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ 595 tỷ đồng. Sát cánh cùng với tỉnh trong công cuộc giảm nghèo, NHCSXH tỉnh Nghệ An thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ gần 6.300 tỷ đồng. Trong đó, một số chương trình tín dụng chính sách có dư nợ lớn như cho vay HSSV đạt 2.124 tỷ đồng, hộ nghèo 1.955 tỷ đồng, hộ cận nghèo 923 tỷ đồng, NS&VSMTNT 400 tỷ đồng… Các huyện nghèo 30a đã tập trung đầu tư công tác quy hoạch sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương; hỗ trợ cho trên 36 nghìn lượt hộ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Triển khai xây dựng mô hình khuyến nông, khuyến lâm như: mô hình trồng chanh leo, mía tập trung tại các xã thuộc huyện Quế Phong; chăn nuôi bò, gà ở huyện Kỳ Sơn… Công tác khai hoang phục hóa, tạo ruộng bậc thang cũng được chú trọng với 225ha; giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng gần 23 nghìn ha với trên 2.000 hộ nhận giao khoán. Ngoài ra, toàn tỉnh Nghệ An đã mở 72 lớp đào tạo, dạy nghề cho gần 3.000 lao động nông thôn.

Công tác giảm nghèo của Nghệ An 5 năm qua đã ghi nhận nhiều thành tích nổi bật. Tuy vậy, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 10,28%, cao hơn mức bình quân cả nước (cả nước còn 6%) và số hộ cận nghèo chiếm một tỷ lệ khá lớn với 11,4%. Thêm vào đó, kết quả giảm nghèo thời gian qua chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Trong khi đó, yêu cầu đang đặt ra cho tỉnh Nghệ An là phải thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị trong 5 năm tới, phấn đấu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực Bắc Trung bộ.

Phát huy những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2016 - 2020, Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân từ 2,5 - 3%/năm, riêng các huyện nghèo và xã nghèo giảm bình quân từ 4 - 5%/năm. Tỉnh sẽ tập trung huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo, phấn đấu đạt tổng nguồn huy động 5 năm tới khoảng 18.500 tỷ đồng. Đối với NHCSXH, đến nay Nghệ An đã có mạng lưới hoạt động trên địa bàn 21 huyện, thị xã, thành phố với 480 Điểm giao dịch tại UBND cấp xã; 8.154 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 100% xóm, bản trên địa bàn toàn tỉnh. Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An Trần Khắc Hùng, cho biết: “Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương, những năm tới chi nhánh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng, đáp ứng tốt nguồn vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất, nhu cầu thiết yếu về nhà ở, học tập, cải thiện môi trường cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn”. Cùng với NHCSXH, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị chính quyền các cấp ở cơ sở tăng cường công tác điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm, phân loại theo từng nhóm hộ, nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Các trung tâm, trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chương trình dạy nghề miễn phí cho lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, chuyển giao tiến bộ KHKT, hướng dẫn cách làm cho người nghèo, kết hợp xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững, đặc biệt đối với 110 xã nghèo miền núi phía Tây bên dãy Trường Sơn.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác