Cú hích từ vốn vay ưu đãi hộ cận nghèo

29/05/2015
(VBSP News) Sau 2 năm triển khai chính sách cho vay vốn ưu đãi hộ cận nghèo, rất nhiều gia đình đã tiếp cận được nguồn vốn, góp phần tích cực phát triển kinh tế ở Nghệ An.
Mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Trung Sơn ở xóm Tràng Thân, xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu

Mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Trung Sơn ở xóm Tràng Thân, xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu

Diễn Châu là một trong những địa phương triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi có hiệu quả, nhất là đối với các hộ cận nghèo. Đây cũng là địa phương đang có dư nợ cho vay hộ cận nghèo lớn nhất tỉnh Nghệ An. Đến nay, dư nợ chương trình này đạt 120 tỷ đồng với gần 4.000 hộ còn dư nợ.

Giám đốc NHCSXH Diễn Châu Lâm Quân cho biết: Hiện nay hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Diễn Châu khá lớn với 9.285 hộ, chiếm 12,3% tổng số hộ trên địa bàn. Nhiều xã có số hộ cận nghèo cao như: Diễn Kỷ, Diễn Nguyên, Diễn Liên, Diễn Yên, Diễn Trung (mỗi xã có trên 400 hộ cận nghèo). Xác định rõ mục tiêu của chương trình cho vay hộ cận nghèo, ngay từ khi tiếp cận chương trình, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương thông qua nhiều cách làm hay để hướng dẫn các hộ vay vốn cách làm ăn, hỗ trợ kiến thức về chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giúp bà con mua ngư, lưới cụ đánh bắt thủy, hải sản… Từ đó, nhiều hộ cận nghèo từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.

Gia đình bà Nguyễn Thị Lan - ông Trần Đức Lương ở xóm Nam Thịnh, xã Diễn Ngọc có 6 nhân khẩu, nhưng các con học xong không có việc làm, ruộng đất ít, trong khi bà Lan sức khỏe yếu. Cuộc sống của cả gia đình chủ yếu dựa vào thu nhập từ nghề đánh bắt hải sản của ông Lương nên rất bấp bênh. Năm 2013 gia đình ông bà được vay 8 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo để đầu tư mua lợn giống nuôi mỗi năm 3 lứa lợn, thả thêm gà, vịt để cải thiện cuộc sống. Từ nguồn vốn vay cộng với nguồn tích lũy của gia đình, đàn lợn được duy trì thường xuyên và phát triển khá tốt, mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Bá - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Tràng Thân cho biết: “Hiện nay tổ có 38 hộ vay vốn từ các chương trình HSSV, hộ cận nghèo và NS&VSMTNT với tổng dư nợ đạt 825 triệu đồng, trong đó, riêng cho vay hộ cận nghèo có 10 hộ vay 246 triệu đồng. Lãi suất tùy từng thời điểm nhưng hiện tại là 0,72%/tháng. Thực tế cho thấy, phần lớn các hộ cận nghèo sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả”.

Đến thăm mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Trung Sơn ở xóm Tràng Thân, được biết, năm 2013, từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng của NHCSXH, ông đầu tư nuôi lợn nái, lợn thịt. Ngoài ra, ông chăn nuôi thêm bò, gà. Ông Sơn cho biết: “Trước đây đất vườn gia đình rộng nhưng chủ yếu trồng hoa màu nên không mấy hiệu quả. Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, tôi đầu tư nuôi lợn. Gần đây tôi nuôi thêm bò vỗ béo cũng cho thu nhập khá…”.

Cùng đó, nhiều huyện đã tiếp cận và phát huy hiệu quả vốn vay cho hộ cận nghèo như Hưng Nguyên, Đô Lương, Thanh Chương, Yên Thành, Nam Đàn. Đến 15/5/2015, huyện Hưng Nguyên đã có 2.500 hộ được vay vốn với số tiền 48 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, trong đó, nhiều nhất và mang lại hiệu quả tốt là chăn nuôi trâu bò.

Tại Đô Lương, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế từ vốn vay hộ cận nghèo. Điển hình như gia đình chị Trương Thị Thảo là hộ có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2013 gia đình chị được bình xét vay 30 triệu đồng để mua bò sinh sản. Chỉ sau gần 2 năm, cặp bò đã đẻ được 2 con me, trả trước hạn ngân hàng 15 triệu đồng. Anh Nguyễn Hữu Kỳ - Giám đốc NHCSXH Đô Lương cho biết: Trên địa bàn Đô Lương hiện có 5.634 hộ cận nghèo; đến 30/4/2015, đã có 2.916 hộ được vay vốn với tổng dư nợ 85,5 tỷ đồng. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu, kịp thời đưa vốn vay đến các hộ có nhu cầu không để nguồn vốn lãng phí. 

Tuy nhiên, để chương trình phát huy hiệu quả bền vững, ngoài việc bổ sung nguồn vốn cho chương trình, cần tập trung nguồn lực, tránh dàn trải, manh mún. Cùng với giải ngân nguồn vốn phải gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo; coi người nghèo là đối tác của chính sách giảm nghèo, chứ không phải là đối tượng hưởng chính sách một cách thụ động.

Qua thực tế cho thấy, mức lãi suất theo phản ánh còn cao, một số người dân ở Diễn Châu, Đô Lương cho rằng, vay theo chương trình lãi suất cao hơn lãi suất của các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Do đó, NHCSXH cần nghiên cứu linh hoạt điều chỉnh mức vay, lãi suất và thời hạn vay theo thời điểm, theo ngành nghề, theo vùng, miền để giải quyết khó khăn người dân. 

Theo Báo Nghệ An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác