Đổi mới ở Sơn Hòa

22/05/2015
(VBSP News) Sơn Hòa là huyện nghèo miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Phú Yên. Huyện có 13 xã và 1 thị trấn, trong đó có 6 xã đặc biệt khó khăn. Với trên 57 nghìn dân, Sơn Hòa có 17 dân tộc, như Chăm Hroi, Ê Đê, Ba Na, Tày, Nùng, Mường... cùng chung sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 34%. 5 năm qua, được Nhà nước đầu tư phát triển sản xuất, cùng với nguồn vốn tín dụng chính sách về tận buôn, làng đã giúp cuộc sống người dân đổi thay từng ngày.
Cây mía mang lại cuộc sống ổn định cho người dân huyện Sơn Hòa

Cây mía mang lại cuộc sống ổn định cho người dân huyện Sơn Hòa

Bí thư huyện ủy Sơn Hòa Nguyễn Quốc Hoàn cho biết: Trước đây đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện còn nghèo đói triền miên. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất yếu kém, thói quen canh tác lạc hậu, sản xuất chỉ trông chờ vào nước trời nên mất mùa thường xuyên. 5 năm qua, từ nguồn vốn chương trình 135, 1592, định canh định cư và gần đây là xây dựng nông thôn mới…, Sơn Hòa đã xây dựng được 43 công trình giao thông, 10 công trình điện thắp sáng, 25 công trình hồ chứa nước, đập tự chảy, trạm bơm điện cung cấp nước tưới cho hơn 1.200ha lúa nước. Tại các xã vùng cao, vùng sâu như Phước Tân, Cà Lúi, Sơn Hội đã được ưu tiên đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, chủ yếu là đập nước tự chảy. Mỗi buôn, thôn đều có một đập dâng để người dân tiện cho việc trồng lúa nước. Từ đó, bà con giải quyết được cái ăn tại chỗ, tình trạng thiếu ăn triền miên không còn. Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ biết cách trồng lúa nước, nuôi bò và trồng mía. Để giúp dân “an cư lạc nghiệp”, UBND huyện đã đầu tư hơn 14 tỷ đồng xây mới, sửa chữa 889 ngôi nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các đối tượng: gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ thuộc chương trình 167. UBND huyện cũng đã giải ngân gần 6 tỷ đồng chương trình định canh định cư, hỗ trợ cho 242 hộ giãn dân.

Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, hướng tới giảm nghèo bền vững, Sơn Hòa thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, khí hậu miền núi, chuyển sang trồng cây mía và nuôi bò lai. Từ khi có nhà máy đường đóng tại trung tâm huyện, với công suất 5.000 tấn mía cây/ngày, bên cạnh đó, các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn từ NHCSXH, diện tích mía hàng năm tăng nhanh. Sơn Hòa trở thành vùng nguyên liệu chủ lực của tỉnh. Năm 2015, diện tích mía của huyện đạt 12.871ha, chiếm trên 45% tổng diện tích gieo trồng toàn huyện, tăng gần 3.000ha so với năm 2010; năng suất bình quân đạt 68 tấn/ha. Hàng năm cây mía mang lại doanh thu trên 700 tỷ đồng. Nhiều xã như Sơn Nguyên, Sơn Hà, thị trấn Củng Sơn; các xã vùng sâu, vùng xa phía Tây của huyện, như Krông Pa, Ea Chà Rang, Suối Trai, Cà Lúi, Sơn Hội… hàng trăm hộ gia đình giàu lên nhờ trồng mía, có thu nhập từ 100 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/năm. Chủ tịch UBND xã Sơn Hội Trương Thị Bích Liên, cho biết: xã có gần 1.200 hộ, trong đó 630 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Xã có 8 thôn, buôn, trong đó 4 thôn đặc biệt khó khăn. Không ỷ lại hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước, để vươn lên ổn định đời sống, phát triển sản xuất, nhiều tổ chức hội, đoàn thể trong xã cũng đã có những cách làm để giúp người dân giảm nghèo. Thời gian qua, Hội Phụ nữ trong xã đứng ra tín chấp cho 178 lượt phụ nữ vay vốn NHCSXH, với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này chị em trồng lúa nước, trồng mía, nuôi bò giúp nhiều hộ thoát nghèo, góp phần đưa mức thu nhập bình quân toàn xã đạt 15 triệu đồng/người/năm.

Ở xã Suối Trai, hơn 5 năm về trước, gia đình Y Ốc thuộc diện nghèo khó. Tuy nhà có 3ha đất nhưng không có tiền mua giống mía trồng, nên hàng năm Y Ốc chỉ trồng ngô, sắn thu nhập rất bấp bênh. Năm 2011, thông qua Hội Nông dân xã, Y Ốc được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH về mua mía giống trồng. Đến nay, gia đình Y Ốc đã thoát nghèo, mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng từ mía. Về chăn nuôi bò, huyện đã đưa về vùng có đồng bào dân tộc thiểu số 50 con bò lai làm cơ sở để phát triển đàn bò lai trên địa bàn. Đến nay, trong tổng đàn bò toàn huyện hơn 20 nghìn con, tỷ lệ bò lai chiếm 65% tổng đàn.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Nguyễn Văn Cư, cho biết: Trong kế hoạch phát triển từ nay đến năm 2019, huyện đề ra các mục tiêu cụ thể để phấn đấu, gồm: 95% số xã có đồng bào dân tộc thiểu số đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo; 85% số hộ được dùng nước sạch; 100% đường thôn, buôn được bê tông hóa,… Sơn Hòa nay đang trên đà đổi mới.

Bài và ảnh Vọng Phố

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác