Thoát nghèo ở nơi ít mưa, nhiều nắng
Thoát nghèo từ thế mạnh
Ninh Thuận - một trong những tỉnh nghèo ở khu vực duyên hải miền Trung. Với thủ phủ Phan Rang - Tháp Chàm, nơi đây được mệnh danh là xứ sở “gió như Phan, nắng như Rang”, với 3/4 diện tích là miền núi, dân số chủ yếu là người Chăm, Rắclây… Từ những yếu tố trên, ở Ninh Thuận đối tượng vay vốn của NHCSXH chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Thuận hồ hởi nói: “Từ ngày thành lập cho đến nay, cán bộ, viên chức của đơn vị như “đánh vật” với hàng núi công việc, trong đó tập trung nhiều cho việc đưa vốn ưu đãi đến bà con, nhằm góp phần giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội”.
Những nỗ lực của cán bộ, viên chức NHCSXH ở nơi nhiều nắng, ít mưa đã đem lại những thành quả đáng khích lệ, khi nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đặc biệt từ những thế mạnh của Ninh Thuận như trồng nho, chăn nuôi bò, dê, cừu…”.
Ninh Hải là một trong những huyện triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi theo chính sách, cho vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo đặc biệt khó khăn giúp đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Ông Nguyễn Văn Hải - Giám đốc NHCSXH huyện Ninh Hải chia sẻ niềm vui rằng những năm gần đây, nhờ sự phối hợp tốt với các Ban, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể, nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng đã đến với hộ nghèo kịp thời, đúng đối tượng… Nguồn vốn đã được phát huy giá trị trong thực tế.
Trước đây, cuộc sống gia đình bà Đặng Thị Huệ ở thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải gặp nhiều khó khăn, chồng thất nghiệp lại đau ốm liên miên, các con còn nhỏ. Nhưng từ khi được vay 15 triệu đồng từ NHCSXH, gia đình đã đầu tư gây dựng vườn nho. Đến nay, vườn nho đã phát triển lên đến 3.000m2, trung bình mỗi năm thu hoạch hơn 4 tấn quả tươi. Năm vừa qua được mùa, gia đình trả hết nợ cho ngân hàng trước kỳ hạn, gia đình còn có của ăn của để. Tương tự gia đình chị Huệ, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo nhờ sử dụng vốn vay ưu đãi đã phát triển trồng cây nho, chăm sóc vườn nho xanh tốt. Có gia đình mỗi vụ nho thu nhập lên đến 200 triệu đồng, vươn lên làm giàu chính đáng.
Chia tay với xã Ninh Hải, ngược lên phía Bắc chúng tôi đến huyện Thuận Bắc. Đây là địa phương có 4/6 xã thuộc vùng khó khăn. Người dân chủ yếu là đồng bào Chăm, Rắclây… Giám đốc NHCSXH huyện Thuận Bắc Trần Văn Ngọc nói vui, ở đây người Kinh lại trở thành dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, với điều kiện tự nhiên phù hợp, từ nguồn vốn ưu đãi phong trào nuôi bò, cừu, dê khá phát triển, nhờ vậy nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo. Trong số đó, có bà Nguyễn Thị Tiến ở xã Bắc Phong. Năm 2007, được vay 15 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo, bà đã đầu tư nuôi 2 con bò. Đến nay, gia đình đã phát triển đàn bò lên 8 con, nuôi thêm heo nái… trị giá lên đến 250 triệu đồng/năm.
Từ là một thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn, vay vốn, gương mẫu trong việc sử dụng hiệu quả đồng vốn vay thoát nghèo bền vững, nay bà Tiến đã được các thành viên trong tổ tín nhiệm, bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn với 37 thành viên. Điều đáng mừng là hầu hết thành viên trong tổ noi gương bà - sử dụng đồng vốn vay ưu đãi đúng mục đích, có hiệu quả…
Mở rộng mạng lưới
Trở lại câu chuyện cây nho, không riêng gì ở Ninh Hải, đồng hành với cây ăn quả đặc sản của quê hương, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi. Đến nay, đã có hơn 18 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay khoảng 230 tỷ đồng đầu tư mua cây giống, vật tư, cải tạo đất đai, thâm canh vườn nho và chế biến các sản phẩm từ nho như rượu nho, bánh kẹo nho…
Bám sát kế hoạch phát triển nghề trồng nho của tỉnh lên 2.200ha, chi nhánh tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn vốn ưu đãi nhằm hỗ trợ kịp thời cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm nguồn vốn để mở rộng diện tích, phấn đấu đưa cây nho trở thành cây kinh tế chủ lực, cây làm giàu trên vùng đất nắng Ninh Thuận.
Phát triển được cây trồng, vật nuôi chủ lực thế mạnh của địa phương đã tạo điều kiện để giảm bớt hộ nghèo ở Ninh Thuận. Tại đây, trung bình mỗi năm số hộ nghèo giảm khoảng 2%. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn xấp xỉ 7%… Để đạt được con số giảm 2% mỗi năm là biết bao nghị lực của những người làm ngân hàng và cả trách nhiệm, nỗ lực của cả cộng đồng…
Để nguồn vốn đến với hộ nghèo, phát huy hiệu quả trong việc sử dụng với hình thành các Điểm giao dịch đặt tại xã, phường, thị trấn… NHCSXH tỉnh Ninh Thuận còn chú trọng xây dựng mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn, khu phố. Hiện nay, vốn tín dụng ưu đãi đã được phủ kín tất cả tới 65/65 xã, phường và các thôn, khu phố trên toàn tỉnh với số đối tượng được thụ hưởng các chương trình là gần 74 nghìn hộ, chiếm 50% số hộ trên địa bàn.
Với mạng lưới rộng khắp trên, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận luôn đảm bảo vốn tín dụng ưu đãi đến với đối tượng thụ hưởng được nhanh chóng và kịp thời; qua đó tiết kiệm chi phí cho người nghèo và đối tượng chính sách khác không phải đi lại xa xôi, vất vả. Nguồn vốn ưu đãi đã đến với hộ nghèo kịp thời, đúng đối tượng.
Tuy nhiên, điều trăn trở trong công tác giảm nghèo ở Ninh Thuận là nguy cơ tái nghèo cao. Nguyên nhân chính được xác định do sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của các hộ nghèo ở đây, nhưng trình độ sản xuất của người dân hạn chế, thiếu đầu tư thâm canh, hạn hán hay mất mùa do thiên tai xảy ra thường xuyên.
Không những thế, ý thức vươn lên thoát nghèo của nhiều hộ dân còn hạn chế, những tập quán sinh sống, làm ăn ấu trĩ lạc hậu, nhất là đồng bào thiểu số còn phổ biến… Trước nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm và nỗ lực của mình, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận vẫn tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 khoảng 9%. Trong đó, chủ yếu tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Để đạt được mục tiêu trên, Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Thuận, cho biết, chi nhánh sẽ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, làm tốt công tác đào tạo tập huấn nghiệp vụ cho các tổ chức hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích có hiệu quả…
Bài và ảnh Hoàng Lượng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nông thôn đổi mới nhờ có đồng vốn ưu đãi
- » Các ngân hàng sẽ tài trợ cho khu vực Tây Nguyên 15.000 tỷ đồng
- » Vốn vay ưu đãi tạo động lực giúp phụ nữ làm giàu
- » Vốn vay chính sách - gắn kết cơ sở Đoàn với thanh niên
- » Nhiều hộ nghèo ở Bình Dương thoát nghèo từ vốn vay
- » Giải cơn khát nước sạch cho người dân
- » Nỗi buồn mang tên nghèo
- » Đồng vốn chính sách giúp hiện thực hóa ước mơ
- » Hết nỗi lo vay nóng nặng lãi
- » Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015 tại NHCSXH thành phố Hà Nội