Các ngân hàng sẽ tài trợ cho khu vực Tây Nguyên 15.000 tỷ đồng

14/05/2015
(VBSP News) Chiều 14/5/2015, tại Hà Nội, NHNN Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức buổi họp báo về Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội khu vực Tây Nguyên lần thứ 3 năm 2015. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng; Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng Vũ Văn Tư đồng chủ trì buổi họp báo. Dự buổi họp báo còn có Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Quốc Cường; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN, các NHTM, NHCSXH và phóng viên các cơ quan báo chí.
Lãnh đạo NHNN, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì buổi họp báo

Lãnh đạo NHNN, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và UBND tỉnh Lâm Đồng chủ trì buổi họp báo

Tại đây, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng, cho biết, nhằm đánh giá kết quả xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần 2 năm 2013, tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư hơn nữa vào khu vực Tây Nguyên, giới thiệu, quảng bá đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước các tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư, đồng thời gắn kết hoạt động xúc tiến đầu tư với hoạt động an sinh xã hội cho khu vực, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với NHNN, UBND tỉnh Lâm Đồng và các địa phương trong khu vực tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần 3 năm 2015 diễn ra vào ngày 17/5/2015 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).

Tiếp nối thành công các Hội nghị trước, Hội nghị xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần 3 năm 2015 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, nhằm huy động các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển nhanh, bền vững và giải quyết tốt an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu về tiềm năng, năng lực của mình trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tín dụng…

Đặc biệt, sau Hội nghị sẽ có chương trình An sinh xã hội “Khát vọng đại ngàn” với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sỹ nổi tiếng thể hiện. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 20h00 cùng ngày tại Hội trường Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng.

Chương trình nhận được sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các nhà tài trợ, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là hệ thống ngân hàng chung tay ủng hộ đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Từ nguồn kinh phí thu được này, hoạt động an sinh xã hội sẽ tập trung vào giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, cải thiện điều kiện y tế, giáo dục, xóa nhà dột nát cho đồng bào nghèo trong khu vực…

Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Trần Việt Hùng cũng đã đánh giá một số kết quả thực hiện các cam kết đầu tư, an sinh xã hội tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội khu vực Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013; đồng thời giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế - xã hội, một số tiềm năng, lợi thế và định hướng thu hút đầu tư vùng Tây Nguyên thời gian tới tập trung vào các nội dung ưu tiên như phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi; phát triển nông - lâm nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm sản; phát triển du lịch; khai thác, chế biến bauxit…

Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đã thông tin cho báo chí về vai trò của ngành Ngân hàng trong việc đẩy mạnh đầu tư tín dụng thương mại, tín dụng chính sách và công tác an sinh xã hội, góp phần từng bước giúp đồng bào dân tộc các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên ổn định về tư tưởng và cuộc sống, tạo đà cho Tây Nguyên không ngừng đổi mới và phát triển. Đến 31/3/2015, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên đạt 152.427 tỷ đồng, tăng 4,78% so với 31/12/2014, cao hơn bình quân của cả nước (2,65%) và chiếm 3,74% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn khu vực Tây Nguyên đạt 72.971 tỷ đồng, tăng 3,29% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 47,87% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của cả khu vực…

Tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay hơn 2.800 khách hàng doanh nghiệp đến cuối quý I năm 2015 đạt hơn 25.000 tỷ đồng; các hình thức hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ… đạt dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc cho biết, trong năm 2015, các NHTM cam kết số tiền dự kiến đầu tư vào Tây Nguyên khoảng 15.000 tỷ đồng để tập trung cho lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện, giao thông, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ…

Đối với công tác an sinh xã hội, ngành Ngân hàng nhiều năm qua đã góp phần hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng đời sống cho người nghèo, giảm nghèo bền vững tại các tỉnh thuộc Tây Nguyên, trong đó tập trung vào các chương trình hỗ trợ cho mục đích y tế, giáo dục và hỗ trợ hộ nghèo… Tính từ năm 2008 đến năm 2014, ngành Ngân hàng đã dành trên 556 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội tại các tỉnh Tây Nguyên.

Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Nguyên năm 2015 sẽ đi vào chiều sâu hơn, thực chất hơn và là một điểm kết nối nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác, liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư, nhà tài trợ, nhà khoa học với các địa phương và đồng bào vùng Tây Nguyên để khắc phục những mặt hạn chế, khai thác mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế trong vùng, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội vùng chiến lược Tây Nguyên và cả nước.

Tính đến ngày 31/3/2015 nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ được NHCSXH triển khai thực hiện tại 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đạt tổng dư nợ 11.132 tỷ đồng với trên 659 nghìn hộ còn dư nợ, tăng 10,2% so với 31/12/2013. Dư nợ bình quân 21 triệu đồng/hộ (bình quân chung của cả nước là 18,7 triệu đồng/hộ.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp gần 230 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút gần 11.600 lao động có việc làm; hơn 212 nghìn HSSV được vay vốn; xây dựng trên 323 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên 37 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách có nhà ở; hơn 4 nghìn lao động thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động.

Nguồn SBV và VBSP

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác